[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 17/11
Thứ sáu, 18/11/2016 - 08:23
Chất vấn “nảy lửa” về công tác cán bộ tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV là tâm điểm của báo chí trong ngày 17/11

Chất vấn “nảy lửa” về công tác cán bộ tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV là tâm điểm của báo chí trong ngày 17/11.

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất về 3 nội dung: tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chỉ số hài lòng của nhân dân trong đánh giá chế độ công vụ, công chức; đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.


Phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân “nóng” lên ngay từ đầu, với những câu hỏi dồn dập của đại biểu về tình trạng bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ… “Thời gian qua cụm từ “đúng quy trình” đang bị lợi dụng, làm bàn đỡ, rèm che bảo hộ cho một số lãnh đạo suy thoái thực hiện thành công việc chọn người nhà mà không chọn người tài. Điều này đã gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của cử tri, người dân trong việc đề bạt và bổ nhiệm cán bộ. Đề nghị bộ trưởng cho biết rõ giải pháp khắc phục tình trạng trên”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu câu hỏi.

Cùng chung vụ việc, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nhận định, một mình ông Trịnh Xuân Thanh không thể làm được chuyện “tày đình” đó. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân cốt lõi, trách nhiệm chính yếu của Bộ Nội vụ, từ chuyện tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động cho PVC, đến việc ông Trịnh Xuân Thanh được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cũng như công tác quản lý cán bộ như thế nào để ông này khi bị khởi tố ra đi một cách êm ả, nhưng đủ chấn động dư luận trong thời gian qua”, ông Minh nêu câu hỏi.

Liên quan đến việc xử lý trách nhiệm về mặt nhà nước đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vẫn tiếp tục được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, Đại biểu Quốc hội cũng quan tâm đặt nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo về thực trạng hàng trăm ngàn sinh viên ra trường bị thất nghiệp; phương án thi cử, đánh giá học sinh thay đổi liên tục...

Sáng 17/11, trả lời chất vấn của đại biểu về phẩm chất, năng lực của các bộ trưởng, thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đó là một tập thể đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng với nhau để hoàn thành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc Thủ tướng đánh giá gì về phẩm chất, năng lực và hoạt động của các thành viên Chính phủ? Thủ tướng cho biết, Chính phủ khóa mới chưa được 7 tháng. Qua hoạt động cụ thể, chất vấn thì thấy là một tập thể đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng với nhau để hoàn thành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội. Hiệp lực với nhau, năm ngón tay có ngón ngắn, ngón dài nhưng cùng chung một bàn tay, hướng về sự phục vụ, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đất nước tốt nhất. Đó là một tập thể đoàn kết, thống nhất. Theo Thủ tướng, Chính phủ có 27 thành viên, trong đó có nhiều đồng chí xuất sắc, có những đồng chí còn mới, cần phấn đấu. Nhưng tinh thần đoàn kết rất quan trọng. Tinh thần như thế có quy chế, quy định, công khai minh bạch, với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ liêm chính.

Trả lời đại biểu về ý kiến về tương lai của TPP, quan điểm và chính sách của Việt Nam đối với TPP như thế nào, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia TPP và đã sẵn sàng trình với Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiệp định với 12 nước thành viên, và Mỹ hiện đã tuyên bố dừng không trình Quốc hội về TPP nên Việt Nam chưa có đủ cơ sở trình tham gia TPP.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Không tham gia TPP hay có tham gia thì nền kinh tế chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với quốc tế. Chúng ta có 12 hiệp định thương mại tự do, cho nên có tham gia TPP rất tốt, không tham gia TPP chúng ta vẫn tiếp tục hội nhập nền kinh tế với các chương trình đã thực hiện trong thời gian qua và tiếp tục có chương trình hội nhập quốc tế thời gian tới, kể cả với ASEAN".

 Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Doanh nghiệp xăng dầu ngày càng bị siết chặt; Những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường gas; Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất phân bón không có giấy phép.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Doanh nghiệp xăng dầu ngày càng bị siết chặt.


Bài viết đăng trên báo Diễn đàn doanh nghiệp đưa tin: Việc Bộ Công Thương gần đây có các động thái chấn chỉnh, thậm chí là thu hồi giấy phép của Công ty xăng dầu đã cho thấy quyết tâm của Bộ này trong vấn đề quản lý thị trường xăng dầu. Nhưng liệu động thái được cho là chưa có tiền lệ có là “bước đà” để thị trường xăng dầu thực sự đi vào “khuôn khổ”?. Tuần trước, trong một động thái khá bất ngờ, Bộ Công Thương đã quyết định thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty Cổ phần đầu tư Nam Phúc.

Theo thông báo, từ nay, các hoạt động của Công ty được thực hiện theo Giấy phép số 11/GPXD-BTC ngày 17/10/2016. Công ty Nam Phúc sẽ hoạt động với tư cách là thương nhân đầu mối xăng dầu thay cho hoạt động phân phối xăng dầu trước đó. Giấy phép nhập khẩu cũ sẽ được chuyển trả về Bộ Công Thương theo quy định trước ngày 21/11/2016. Việc chuyển đổi này nhằm đảm bảo cho Công ty Nam Phúc được thực hiện chức năng mới là xuất nhập khẩu xăng dầu và sản xuất xăng dầu theo Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.

Việc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty Nam Phúc có thể thấy rằng, mặc dù việc thu hồi này được giải thích là cấp giấy phép mới, theo mô hình hoạt động từ công ty phân phối sang làm đầu mối xăng dầu nhưng có thể đây sẽ là “phát súng lệnh” để Bộ Công Thương rà soát và chấn chỉnh lại toàn bộ hoạt động của các công ty kinh doanh xăng dầu, nhằm minh bạch thị trường xăng dầu vốn đang ít nhiều bị mất niềm tin của người tiêu dùng.

2. Những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường gas.  

Trong bài viết của mình, báo Người Lao động phản ánh: Những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh của nhiều đại lý phân phối gas đang làm náo loạn thị trường phía Bắc. Nhiều đại lý gas lâu năm ở tỉnh Tuyên Quang đã liên tục phản ánh với chính quyền địa phương về việc bị mạo danh do khách hàng thường xuyên bị các đối tượng lạ mặt đến nhà, tìm cách in đè lên số điện thoại trong các sổ mua bán gas. Người tiêu dùng không để ý nên tưởng vẫn gọi đến đại lý quen thuộc.

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, sau một thời gian cơ quan chức năng vào cuộc, tình trạng sang chiết gas lậu, bán dưới giá thành hay các đại lý "chui" dùng những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh (mạo danh các thương hiệu nổi tiếng, in đè số điện thoại lên các bình gas, bẻ van, làm hư hỏng bếp để buộc người dân phải thay thế phụ tùng với giá cao…) đã giảm hẳn ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, những dấu hiệu gần đây cho thấy, tình trạng này hiện đang gia tăng ở thị trường miền Bắc.

3. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất phân bón không có giấy phép.

Theo thông tin từ báo Thanh niên, ngày 16.11, UBND TP.HCM sơ kết việc thực hiện kiểm tra hoạt động sản xuất phân bón tại H.Bình Chánh. Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết qua kiểm tra hơn 30 cơ sở sản xuất phân bón, chỉ riêng trên địa bàn H.Bình Chánh có đến 9 cơ sở không có giấy phép. Bên cạnh đó còn có nhiều doanh nghiệp vi phạm về đăng ký kinh doanh, kinh doanh phân bón nhập lậu, lấy phân bón Trung Quốc rồi thay đổi nhãn mác để bán, sản xuất phân bón kém chất lượng.

Tại cuộc họp, ông Trần Hùng, Phó chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm tràn lan ở H.Bình Chánh là do có sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhận thiếu sót vì thời gian qua quản lý không chặt chẽ, đồng thời yêu cầu UBND H.Bình Chánh kiểm điểm trách nhiệm quản lý địa bàn vì đã để nhiều cơ sở sản xuất phân bón không phép, kém chất lượng... Ông Tuyến yêu cầu phải chấm dứt ngay mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với các cơ sở không phép; những vụ vi phạm nào đã đủ hồ sơ, chứng cứ rõ ràng thì chuyển cơ quan công an tiếp tục điều tra, khởi tố; không cấp mới giấy phép cho những cơ sở không đủ điều kiện; đặc biệt buộc chủ tịch UBND 24 quận, huyện phải chịu trách nhiệm nếu để vi phạm tái diễn.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)