[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 14/11
Thứ ba, 15/11/2016 - 16:37
Chất vấn 4 Bộ trưởng: Các đại biểu Quốc hội quan tâm đến điều gì? Là câu hỏi tâm điểm báo chí đặt ra trong ngày 14/11

Chất vấn 4 Bộ trưởng: Các đại biểu Quốc hội quan tâm đến điều gì? Là câu hỏi tâm điểm báo chí đặt ra trong ngày 14/11. Báo chí đưa tin, đầu tuần này, Quốc hội chính thức tiến hành phiên họp chất vấn đầu tiên với các thành viên Chính phủ khoá mới. Tuy là phiên đầu tiên, nhưng các vị Bộ trưởng 4 Bộ: Công Thương, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo đều đứng trước những câu hỏi rất nóng bỏng trong lĩnh vực của mình.

Theo đánh giá của dự luận, các lĩnh vực do Bộ Công Thương phụ trách sẽ “nóng” trong hội trường và được sự quan tâm đặc biệt của nhiều đại biểu và người dân. Nhiều vấn đề như xử lý thế nào với hàng loạt những vấn đề yếu kém của lãnh đạo tiền nhiệm để lại: Hàng loạt "đại dự án" thua lỗ, đắp chiếu (dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn II, các dự án sản xuất nhiên liệu Ethanol...); hàng loạt công ty bán hàng đa cấp có dấu hiệu lừa đảo, làm khánh kiệt tài sản hàng vạn người tham gia mạng lưới; những công trình thuỷ điện được nghi vấn xả lũ không đúng quy định; vấn đề năng lượng thay thế, chuyện cả họ làm quan 'đúng quy trình'... là các vấn đề bức xúc mà ĐBQH cho biết sẽ đặt ra cho các Bộ trưởng trong các phiên chất vấn sắp tới.


Báo điện tử Dân trí dự báo: Nhiều khả năng Bộ trưởng  Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ phải đối mặt với những chất vấn gay gắt hơn: Vì sao chỉ có khoảng 70 công ty bán hàng đa cấp nhưng việc quản lý lại lỏng lẻo, để tồn tại hàng chục công ty có quá nhiều vi phạm, nhiều công ty lập ra chỉ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân mà chưa thấy có cán bộ, công chức nào trong ngành bị xử lý? Tuy sự yếu kém này có thể đổ lỗi do trách nhiệm của Bộ trưởng nhiệm kỳ trước. Nhưng trong việc xử lý hậu quả để lại, có lẽ, việc xử lý trách nhiệm quản lý ở Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ này vẫn chưa tới nơi.

Các vấn về được đề cập đến trong buổi làm việc với Bộ Công Thương sáng ngày 14/11 về tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương cũng “nóng” trên báo chí chiều nay. Với vai trò tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nêu rõ 8 vấn đề yêu cầu Bộ Công Thương làm rõ, giải trình báo cáo lại Thủ tướng.

Vấn đề về công tác cán bộ của Bộ Công Thương vẫn là tâm điểm của báo chí. Ngoài ra, các vấn đề về dự án thiếu hiệu quả, làm thất thoát vốn; tình hình cổ phần hóa, thoái vốn; vấn đề liên quan đến quy hoạch năng lượng, điều kiện kinh doanh các ngành như khí hóa lỏng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô, vấn đề môi trường, phát triển nhiệt điện, thủy điện... cũng được nhiều báo, đài quan tâm, đăng tải.

 Nhiều bài báo dẫn lời Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng:  “Bộ máy của Bộ có vấn đề cần rút kinh nghiệm, mong Bộ trưởng mới cầu thị. Ngay cả khi sử dụng cán bộ như tham tán thương mại ở nước ngoài cũng phải chọn cán bộ đủ tiêu chuẩn mới đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Nếu chỉ cử một đồng chí lái xe làm công tác tham tán, nếu có thì phải xem xét kỹ lại, không thể một vị trí quan trọng mà sử dụng cán bộ như thế”.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Bộ Công Thương đã loại hơn 460 dự án thuỷ điện nhỏ khỏi quy hoạch; Hàng Việt gặp khó trong ASEAN; Quỹ bình ổn xăng dầu còn dư 2.175 tỷ đồng; “Xóa sổ” 25 công ty đa cấp.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Bộ Công Thương đã loại hơn 460 dự án thuỷ điện nhỏ khỏi quy hoạch.


Bộ Công Thương cho biết, ngày 13/11/2016, Bộ Công Thương và UBND các tỉnh đã chủ động đề xuất và thống nhất để loại khỏi quy hoạch các dự án thuỷ điện nhỏ chưa có Nhà đầu tư quan tâm, quy mô nhỏ, đấu nối khó khăn, diện tích chiếm đất lớn,... Mặt khác, trong quá trình thẩm định phê duyệt quy hoạch thủy điện (gồm các thủy điện trong bậc thang và thủy điện nhỏ), việc đánh giá kỹ các chỉ tiêu về kinh tế - kỹ thuật và các tiêu chí về môi trường và xã hội đối với các dự án thuỷ điện để kiên quyết loại bỏ hoặc điều chỉnh hợp lý đối với các dự án này.

Trong 3 năm thực hiện rà soát quy hoạch theo Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội, đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thuỷ điện bậc thang và 463 dự án thuỷ điện nhỏ, không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng) và các tỉnh vùng phụ cận (các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước) đề nghị khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện nghiêm túc một số nội dung. 

2. Hàng Việt gặp khó trong ASEAN.

Trong khi Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác vẫn có mức tăng trưởng thì xuất khẩu sang khu vực ASEAN lại sụt giảm. Điều này trái ngược với dự báo khi cộng đồng kinh tế chung khu vực này chính thức được thành lập vào cuối năm trước.

Theo đại diện của các công ty xuất khẩu sang các nước ASEAN, nguyên nhân do các mặt hàng chưa có thương hiệu, gặp cạnh tranh gay gắt từ Trung Quốc và các thủ tục hành chính còn là một rào cản không nhỏ khi hàng hóa từ Việt Nam muốn vào các nước ASEAN. Theo nhiều chuyên gia, câu chuyện hàng hóa Việt Nam bị “ngấm đòn” trên sân chơi ASEAN sau khi cộng đồng kinh tế chung này mới chỉ đi vào thực thi chưa đầy một năm là một bài học lớn. Đó là việc chuẩn bị chưa kỹ cho việc hội nhập. Hơn nữa, một số doanh nghiệp còn chủ quan và lơ là, vì cho rằng thị trường này dễ tính hơn các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, dẫn đến bị thua nặng khi không thể cạnh tranh được về giá và chất lượng hay chủng loại sản phẩm với những đối thủ khác. 

3. ​Quỹ bình ổn xăng dầu còn dư 2.175 tỷ đồng.

Liên bộ Tài chính - Công Thương vừa công bố tổng hợp chi tiết về tình hình trích lập, sử dụng, số dư Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG) trong quý 3/2016 của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối. Theo đó, số dư quỹ BOG đến hết ngày 30/9/2016 là 2.175 tỷ đồng. Tổng số trích quỹ BOG trong quý 3 đạt 1.242 tỷ đồng, trong khi tổng số sử dụng là 565 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG đạt 2,77 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG âm 313 triệu đồng.

Trước đó, số dư quỹ BOG tại thời điểm 1/1 là 3.970 tỷ đồng, số dư quỹ BOG tại thời điểm 31/3 đạt 3.787,147 tỷ đồng, số dư quỹ BOG tại thời điểm 30/6 đạt 1.495,432 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp có số dư quỹ lớn nhất là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam với 1.719 tỷ đồng. Tiếp theo là Tổng công ty xăng dầu Quân đội và Công ty TNHH MTV Dầu khí Tp.HCM (Saigon petro) với số dư lần lượt là 276,89 tỷ đồng và 205,28 tỷ đồng. Số dư quỹ âm lớn nhất thuộc về Công ty TNHH Hải Linh với số dư -49 tỷ đồng. Công ty Cổ phần hóa dầu Quân đội với số dư 34,5 tỷ đồng.

4. “Xóa sổ” 25 công ty đa cấp.

Trên hầu hết các báo ra trong ngày đưa tin: Tính đến đầu tháng 11/2016, Bộ Công Thương đã “xóa sổ” tới 25 công ty đa cấp. Hiện tại, số doanh nghiệp hoạt động chỉ còn 42 so với con số 67 công ty năm 2015. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đang hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 là khoảng 500.000 người (giảm 57% so với cùng kỳ năm 2015. Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp BHĐC đã nộp các loại thuế với tổng số tiền là 452.493.748.000 đồng. Trong đó, hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp chủ yếu là: thực phẩm chức năng (51,27%), mỹ phẩm (31.65%), đồ gia dụng (12.33%).

Năm 2016, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường hiệu lực quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó có việc ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Quá trình triển khai Chỉ thị này đã mang lại nhiều kết quả tích cực, và đến nay đã cơ bản kiểm soát tốt hoạt động bán hàng đa cấp.

Năm 2017, Bộ Công Thương sẽ triển khai sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục theo dõi, kiến nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu, bổ sung quy định về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ luật hình sự 2015. Bên cạnh công tác hoàn thiện các văn bản pháp luật, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động BHĐC trên toàn quốc và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của ngành BHĐC.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)