[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 10/11
Thứ năm, 10/11/2016 - 08:00
Ngày hôm nay 10/11, báo chí tiếp tục thông tin về các nội dung được thảo luận tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV

Ngày hôm nay 10/11, báo chí tiếp tục thông tin về các nội dung được thảo luận tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. 

Thông tin về Quốc hội xem xét việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được các báo đặc biệt quan tâm, đăng tải. Bên hành lang Quốc hội báo chí đã ghi nhận được nhiều ý kiến đại biểu về vấn đề này. Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Lê Hồng Tịnh thì việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận hiện nay là hợp lý, vì nợ công đang quá trần. Nếu tiếp tục đầu tư một dự án lớn, nợ công có nguy cơ tăng nữa. Dừng còn hơn tới khi triển khai rồi mới dừng. Tất nhiên, không đầu tư điện hạt nhân thì có thể đầu tư cái khác để đảm bảo nguồn điện. Một số nước đã nhập máy móc thiết bị rồi còn dừng, mà như thế còn lãng phí nhiều nữa. Dừng ở thời điểm này là đúng lúc cần thiết phải dừng.

Theo PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thì dừng dự án là hợp lý, bởi điện hạt nhân không những cần vốn đầu tư lớn mà còn nhạy cảm về vấn đề môi trường. Dự án hiện mới qua giai đoạn tiền khả thi, chưa được thẩm định ở giai đoạn khả thi, chi phí đầu tư chưa lớn nên việc dừng là hợp lý. Tuy nhiên, việc dừng dự án có thể ảnh hưởng đến nguồn cung ứng điện trong tương lai, nên Chính phủ cần đẩy nhanh để phát triển các nhà máy điện khác có thể thay thế, quan trọng nhất là có chính sách thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng tái tạo điện gió để tăng thêm nguồn cung.

Trên mạng xã hội, một số ý kiến bình luận của bạn đọc lại cho rằng: Sử dụng điện hạt nhân là tất yếu. Nếu chỉ nhìn vào nhu cầu sử dụng điện mà bỏ đi các dự án có tính lâu dài và là tương lai của ngành điện thì thực sự không đúng. Về ô nhiễm môi trường ảnh hưởng sức khỏe, đời sống người dân thì thủy điện, nhiệt điện không thua kém gì. Nên dừng và gỡ bỏ dần các nhà máy thủy và nhiệt điện, đầu tư vào nhà máy điện hạt nhân làm trọng điểm, vì đấy chính là tương lai của chúng ta, tương lai của ngành điện. Còn về mức độ nguy hiểm hay thiệt hại đi kèm, nhà máy điện nào cũng có hệ lụy đi kèm cả. Nếu có tiềm lực tài chính đủ mạnh để thực hiện thì vẫn ủng hộ điện hạt nhân Ninh Thuận.

Ngày 9/11,Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia 2016-2020, trong đó “chốt” nhiều mục tiêu chi tiêu ngân sách theo hướng tích cực hơn, giới hạn nợ công và yêu cầu giữ nhịp độ tăng lương cơ sở bình quân 7%/năm cũng là thông tin quan trọng khác báo chí quan tâm, đăng tải.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: 10 tháng xuất nhập khẩu nông sản: Gạo, sắn mất thế thượng phong; Về vấn đề Gạo 'dính độc' bị trả về Việt Nam; Tổ máy số 3 Thủy điện Lai Châu hòa lưới điện Quốc gia.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. 10 tháng xuất nhập khẩu nông sản: Gạo, sắn mất thế thượng phong. Báo Nông thôn ngày nay đưa tin: Theo báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT công bố tại buổi họp báo thường kỳ ngày 9.11, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông, lâm thủy sản tháng 10 năm 2016 ước đạt 2,75 tỷ USD, đưa tổng giá trị XK 10 tháng đầu năm nay lên con số 26,4 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2015.


Cũng trong 10 tháng đầu năm 2016, kim ngạch nhập khẩu (NK) các mặt hàng nông sản chính đã lên tới 19,99 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2015. Như vậy 10 tháng năm 2016, ngành nông nghiệp xuất siêu gần 6,4 tỷ USD.

2. Về vấn đề Gạo 'dính độc' bị trả về Việt Nam. Báo Vietnam Net đặt câu hỏi trong bài viết Gạo 'dính độc' bị trả về: Xứ người chê thì xứ ta xài?. Tác giả phản ánh: Nhiều lô gạo của Việt Nam xuất sang các nước gần đây bị trả về do có dư lượng các hoạt chất trong thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng hay không phù hợp với các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy, các lô gạo sau khi bị trả về đó được giải quyết như thế nào, liệu có chuyện xứ người chê thì xứ ta xài?


Liên quan đến vấn đề trên, ông Võ Tòng Xuân thừa nhận, trong quá trình gieo trồng, nông dân thường lạm dụng phân bón khiến cho sâu bệnh nhiều. Sâu bệnh nhiều thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật lại tràn lan làm cho chất lượng lúa gạo càng khó kiểm soát.

Khi xuất khẩu bị các thị trường trả về, nếu không thể xuất sang thị trường khác thì bằng nhiều cách sẽ tuồn vào tiêu thụ nội địa. Ông Xuân nhận định: Doanh nghiệp không bao giờ chấp nhận mất cả chì lẫn chài nên bằng mọi cách sẽ đưa gạo quay chở lại trong nước và bán thị trường cho dân Việt mua.

Theo ông Xuân, không riêng gì mặt hàng gạo, trước đây các mặt hàng như tôm, cá tra, cá basa,... xuất khẩu đi bị trả về cũng được đem vào tiêu thụ nội địa. Điều này đặt ra nhiều lo ngại cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

3. Tổ máy số 3 Thủy điện Lai Châu hòa lưới điện Quốc gia. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, ngày 9/11, EVN, BQL dự án Thủy điện Sơn La cùng các đơn vị nhà thầu đã hoàn thành công tác chạy thử nghiệm không tải tổ máy số 3 (công suất 400 MW) của Nhà máy Thủy điện Lai Châu, chính thức hoà điện lần đầu thành công vào lưới điện Quốc gia. 

Việc hoàn thành mốc tiến độ phát điện tổ máy số 3 nhà máy Thủy điện Lai Châu vào tháng 11/2016 là một trong những tiền đề quan trọng để đảm bảo tiến độ hoàn thành toàn bộ công trình trong năm 2016, sớm hơn so với tiến độ được phê duyệt 1 năm.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)