[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 4/11
Thứ sáu, 04/11/2016 - 15:37
Trong ngày hôm nay (4/11), trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn “nóng” các vấn đề được thảo luận từ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV

Trong ngày hôm nay (4/11), trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn “nóng” các vấn đề được thảo luận từ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

Điểm nhấn của các bài báo sáng nay vẫn tập trung đưa tin về nội dung giải trình tại phiên thảo luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (3/11) về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương. Báo chí đưa hàng loạt tin, bài về người đứng đầu ngành Công Thương đã thẳng thắn, thừa nhận và phân tích những nguyên nhân thua lỗ của các dự án hiện nay bị “đắp chiếu” đồng thời nêu ra hướng xử lý nhằm tránh việc mất vốn nhà nước, mất nguồn lực không chỉ các dự án đã thua lỗ đã nêu.

Về đề nghị “khai tử” một số thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: cái đáng lo nhất là việc các nhà thầu không chấp hành và không có điều kiện để thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến thiết bị công nghệ đó. Đây là bài học cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các chủ đẩu tư. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) lại cho rằng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói trong thời gian qua việc vận hành các nhà máy thủy điện đúng quy trình, đúng pháp luật là chưa thỏa dáng, bởi rất nhiều địa phương đang than phiền thủy điện xả lũ chưa đúng quy định. Lũ lụt miền Trung hiện nay cho thấy cần phải xem lại việc vận hành xả lũ của các công trình thủy điện có đúng quy trình và đúng pháp luật không.

Báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, Chính phủ cho biết, “còn diễn ra nhiều vụ lừa đảo bán hàng đa cấp, tín dụng đen, gây bức xúc xã hội”. Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, rất có thể trong thời gian tới người dân tại khu vực 4 tỉnh miền Trung vừa được nhận tiền đền bù hỗ trợ do thiệt hại về môi trường gây ra sẽ là địa bàn mà các công ty đa cấp này hướng tới.

Ngày hôm nay (4/11), Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Sau thông tin về Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV tin cách chức Bí thư Ban cán sự đảng đối với ông Vũ Huy Hoàng, đồng thời đề nghị tiến hành xử lý kỷ luật về hành chính của Ban Bí thư; Ông Vũ Đình Duy, cựu Tổng giám đốc PVTEX vắng mặt ở cơ quan nhiều ngày qua mà không được sự cho phép của lãnh đạo Tập đoàn cũng thu hút sự chú ý của dư luận.

Bên cạnh việc đưa thông tin về hình thức kỷ luật của Ban Bí thư đối với ông Vũ Huy Hoàng, báo chí đưa tin, dẫn ý kiến, quan điểm của nhiều nhân vật quan trọng như ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương... về vụ việc này.

Đáng chú ý là ý kiến của ông Nguyễn Đình Hương (đăng trên Tuổi trẻ 4/11) cho rằng: Với những đề nghị của Ủy ban Kiểm tra thì tất cả các quyết định của ông Vũ Huy Hoàng với con trai ông ấy là vô giá trị. Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương phải thực hiện. Không thực hiện là vi phạm. Nếu sau này có cán bộ nào liên quan đế vụ việc của Bộ Công Thương nữa thì phải xử lý tiếp chứ không dừng tại đây. Việc tiếp theo là Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đương nhiệm sẽ có trách nhiệm lớn trong vấn đề xem xét lại quy trình bổ nhiệm cán bộ.

Trả lời phỏng vấn báo Thanh niên về vụ việc liên quan đến ông Vũ Đình Duy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Việc nghỉ phép hay nghỉ ốm thì luật Lao động đã có quy định, nhưng việc vắng mặt mà không có sự chuẩn y của lãnh đạo cơ quan là vi phạm.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh:Bộ Công Thương thông tin về vụ 'lợi dụng xúc tiến thương mại trốn sang Đức'; Hóa giải nỗi lo ô nhiễm môi trường: Những “khu phố trắng”; Bộ Công Thương kiểm tra việc vận hành đập thủy điện; Vấn đề xuất khẩu gạo khó về đích.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Bộ Công Thương thông tin về vụ 'lợi dụng xúc tiến thương mại trốn sang Đức'. Sau khi báo Dân trí ngày 03/11 đăng bài viết“Có không việc lợi dụng đoàn xúc tiến thương mại, trốn sang Đức?”, bài viết phản ánh thông tin về việc một số cá nhân lợi dụng chuyến đi của một đoàn "xúc tiến thương mại" của Bộ Công Thương ra nước ngoài để trốn sang Đức. Ngày hôm nay (4/11), Bộ Công Thương đã có thông tin phản hồi.

Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định, 3 cá nhân nghi lợi dụng xúc tiến thương mại trốn sang Đức từ cuối năm 2015 không phải nhân sự của Bộ mà là doanh nghiệp bên ngoài. Đoàn xúc tiến thương mại tại Đức và Ba Lan không có tên các cá nhân như báo chí nêu, đây là những doanh nghiệp nằm ngoài danh sách đã được lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu duyệt tham gia đoàn xúc tiến thương mại hồi cuối năm 2015.

Về phía lãnh đạo Đoàn xúc tiến thương mại đã hợp tác đầy đủ và cung cấp các thông tin liên quan cho cơ quan công an, khẳng định Đoàn không liên quan đến việc các cá nhân trốn ở lại.

2. Hóa giải nỗi lo ô nhiễm môi trường: Bài viết dài kỳ đăng trên Tuổi trẻ tiếp tục kỳ 3 với tiêu đề: Những “khu phố trắng” bài viết phản ánh về một số điểm công nghiệp tuy không nằm trong danh sách các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm của Bộ Công Thương nhưng lại là các điểm công nghiệp có sản xuất ô nhiễm “khủng”.


Bài viết đề cập đến một số điểm như: dọc tuyến quốc lộ 10 từ Thái Bình qua Hải Phòng là điểm nóng về ô nhiễm bụi ở khu vực cầu Nghìn, thị trấn An Bài (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) - nơi có gần 70 lò vôi thủ công ngày đêm thay nhau nhả khói, bụi, hoặc khu vực Nhà máy ximăng Acifa nằm bên quốc lộ 91 ở phường Mỹ Thạnh (An Giang)…

Theo một chuyên gia ngành môi trường, với các ô nhiễm như khói bụi không chỉ có một vài nhà máy cá biệt mà khá phổ biến. Việc giải quyết không quá khó, vấn đề là các địa phương cần làm kiên quyết. Cần gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu với việc để xảy ra ô nhiễm kéo dài. Xử phạt chỉ là một biện pháp, không nên quá lạm dụng. Nếu nhà máy xả thải quá quy định cho phép thì phải tính đến đóng cửa, theo đúng tinh thần mà Thủ tướng đã chỉ đạo là không vì kinh tế mà hi sinh môi trường.

3. Bộ Công Thương kiểm tra việc vận hành đập thủy điện. Trên nhiều báo trong ngày đưa tin: Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, sáng 4/11, hai đoàn công tác của Bộ Công Thương đã vào Phú Yên và Gia Lai để trực tiếp phối hợp với địa phương ứng phó mưa lũ và chỉ đạo các chủ đập thủy điện trong việc xả lũ đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du đập.


Đồng thời, Bộ Công Thương đã ban hành Công điện chỉ đạo các chủ đập thủy điện trên khu vực Trung Bộ vận hành hồ chứa tuân thủ nghiêm quy trình vận hành. 

4. Vấn đề xuất khẩu gạo khó về đích. Báo Nông thôn ngày nay 4/11có bài viết “Hạ mục tiêu, xuất khẩu gạo vẫn khó về đích” phản ánh:  Dù đã hạ mục tiêu cả năm xuống mức 5.65 triệu tấn, xuất khẩu gạo Việt Nam năm nay được dự báo vẫn khó hoàn thành nhiệm vụ, khi thị trường nhập khẩu tới thời điểm hiện tại vẫn trầm lắng. Các thị trường chính của gạo Việt Nam như Trung Quốc, Philippines, châu Phi... cũng đã hết hạn ngạch hoặc tăng thêm rào cản kỹ thuật, tăng cạnh tranh khiến gạo Việt thêm khó.


Đáng nói là hiện có quá nhiều công ty Việt Nam xuất khẩu gạo thơm sang châu Phi. Tuy nhiên, thay vì liên kết để tăng giá trị hạt gạo, một số công ty hạ giá bán để giành thị phần. Một số doanh nghiệp chào giá gạo thơm ở mức 420 -430 USD/tấn, trong khi mức bình quân của các doanh nghiệp khác là 460-470 USD/tấn.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)