[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại 27/10
Thứ năm, 27/10/2016 - 20:31
Trong ngày 27 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước

Trong ngày 27 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Bộ Công Thương xin lùi báo cáo vụ thuỷ điện Hố Hô xả lũ; Bộ Công Thương đề nghị hải quan cho Formosa nhập khẩu than; Nghi vấn gian lận thương mại về nguồn dược liệu đầu vào; Chi phí logistics trong thương mại điện tử còn cao; Tiền Giang: Thương lái mua dừa bứng nguyên cả gốc.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Bộ Công Thương xin lùi báo cáo vụ thuỷ điện Hố Hô xả lũ. 


Theo Bộ trưởng Công Thương, việc kiểm tra sự cố xả lũ của thuỷ điện Hố Hô do hai Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành độc lập, nên hiện cần thống nhất. Ngoài đánh giá sai phạm trong sự cố này, còn có vấn đề liên quan quy trình phối hợp giữa các bộ, ngành, cũng như giữa quản lý ở trung ương và chính quyền địa phương đối với nguồn tài nguyên nước, thuỷ điện và phương án phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho người dân.

2. Bộ Công Thương đề nghị hải quan cho Formosa nhập khẩu than. 

Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Tổng cục Hải quan xem xét, giải quyết khó khăn của Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa trong việc thông quan đối với mặt hàng than nhập khẩu để cung cấp cho Nhà máy nhiệt điện Formosa ở Đồng Nai theo quy định.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự án Nhà máy nhiệt điện Formosa có công suất 2x150MW, sửdụng nguồn than nhập khẩu, đã đi vào vận hành thương mại từ năm 2004.

Nhà máy nhiệt điện Formosa có vai trò quan trọng trong việc cấp điện cho khu vực miền Nam và nhu cầu tiêu thụ điện tại chỗ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép Formosa nhập khẩu than để sử dụng cho mục đích phát điện của nhà máy.

3. Nghi vấn gian lận thương mại về nguồn dược liệu đầu vào. 

Cụ thể, trên phạm vi toàn quốc, do thiếu sự quản lý chặt chẽ trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ thuốc đông y và nguyên liệu làm thuốc nên doanh nghiệp sản xuất thuốc/thực phẩm chức năng không gắn với vùng dược liệu và không loại trừ gian lận thương mại trong sử dụng nguyên liệu đầu vào. Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, đây là nguyên nhân dẫn đến “cầu” lớn (số liệu công bố trên 80% nguyên liệu và thuốc đông y phải nhập khẩu) nhưng tiêu thụ dược liệu sản xuất trong nước vẫn bấp bênh, không kích thích phát triển cây dược liệu.

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo phát triển cây dược liệu tổ chức ngày 26.10 tại tỉnh Quảng Nam.

4. Chi phí logistics trong thương mại điện tử còn cao.

 Một trong những lý do được xác định là do chi phí logistics hay còn gọi là hoàn tất đơn hàng đang chiếm đến 30% trong tổng chi phí của thương mại điện tử.

Hiện các đơn vị đang đưa các ứng dụng di động trong việc vận chuyển hàng hóa, tập trung hệ thống các đơn vị vận chuyển và xây dựng kho hàng ngay tại địa điểm kinh doanh, khách hàng có thể yêu cầu ty giao nhận đóng gói hàng hóa ngay tại công ty, kiểm soát hàng hóa đang trong quá trình vận chuyển bằng điện thoại thông minh... Điều này sẽ giúp tối ưu được chi phí logistics trong thương mại điện tử.

5. Tiền Giang: Thương lái mua dừa bứng nguyên cả gốc.

Đa số người đến mua cây dừa là dân các tỉnh miền ngoài và không biết sử dụng vào mục đích gì. Theo ngành chuyên môn, nông dân cần cân nhắc khi bán cây dừa vì cây dừa hiện tại cho kinh tế khá và tuổi thọ cao. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)