[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 20/10
Thứ năm, 20/10/2016 - 16:49
Trong ngày 20 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại đáng chú ý

Trong ngày 20 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại đáng chú ý: Phó Thủ tướng: Yêu cầu Bộ Công Thương không tăng giá điện trong năm nay; Nhà máy thủy điện Hố Hô nộp ngân sách bao nhiêu mỗi năm?; Nhà máy Xơ sợi 7.000 tỷ đồng "đắp chiếu": Thanh tra kiến nghị Bộ Công an điều tra; Chuyện lạ tại Tập đoàn Hóa chất; Doanh nghiệp nước mắm gửi đơn lên Bộ Công Thương, Bộ Y tế; Habeco sẽ phải “hỏi ý” Carlsberg trước khi bán vốn nhà nước; Đầu tư tiền ảo, rủi ro thật.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Phó Thủ tướng: Yêu cầu Bộ Công Thương không tăng giá điện trong năm nay.


Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, chiều ngày 19/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, đánh giá kết quả kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành giá một số mặt hàng cụ thể trong 9 tháng năm 2016 và định hướng điều hành giá 3 tháng cuối năm. Trước những áp lực có thể khiến lạm phát quay trở lại, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương giữ không tăng giá điện trong năm nay; theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn để không tạo ra lạm phát kỳ vọng. Bên cạnh đó, trong tháng 10 mục tiêu sẽ giảm phí BOT ít nhất ở 10 trạm thu phí. 

2. Nhà máy thủy điện Hố Hô nộp ngân sách bao nhiêu mỗi năm?

Theo ước tính nhà máy này nộp ngân sách chưa đến 2 tỉ đồng/năm, nhưng khi xây dựng đã ngốn hết 1.000 ha rừng của địa phương, mà chỉ đáp ứng chưa tới nhu cầu sử dụng điện của 1 huyện. Vậy thu hút đầu tư, kéo về cái nhà máy này, Hà Tĩnh lợi hay thiệt? Và nếu địa phương nào cần 1 nhà máy thủy điện như Hố Hô, cứ tính thử, có nên "rước" về để hứng lũ chồng lũ hay không? 

3. Nhà máy Xơ sợi 7.000 tỷ đồng "đắp chiếu": Thanh tra kiến nghị Bộ Công an điều tra.

Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra về việc đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ do Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) làm chủ đầu tư. Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành hữu quan xử lý về kinh tế 54 tỷ đồng và hơn 22.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp, đồng thời yêu cầu PVTex xử lý dứt điểm các tranh chấp do thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị, vật tư.

Xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tại Bộ Công Thương, PVN và Vinatex vì đã thiếu trách nhiệm trong vai trò quản lý Nhà nước, trong việc góp vốn, nhận góp vốn, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho biết, quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. 

4. Tập đoàn Hóa chất thua lỗ đậm, xin lùi thời gian thanh tra.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sa lầy với những “quả đắng” từ việc đầu tư các dự án khủng bị thua lỗ và đắp chiếu với số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, mới đây phải “cầu cứu” Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng ra tay giải cứu. Bên cạnh đó, Vinachem còn phải đối mặt với những rắc rối khi bổ nhiệm người nhà lãnh đạo vào các vị trí quan trọng tại tập đoàn này.

Báo cáo Bộ Công Thương, lãnh đạo Vinachem thừa nhận tập đoàn đang khó khăn “mọi mặt bủa vây”, trong đó chủ yếu đến từ những dự án thua lỗ như DAP Lào Cai, Hải Phòng, Hóa chất Hà Bắc và dự án đang phải đắp chiếu Đạm Ninh Bình. Bên cạnh việc phải đối mặt với nhiều đơn vị thành viên gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, việc các dự án đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng bị sa lầy trong nợ và thua lỗ đang khiến tập đoàn bị hụt hơi.

5. Doanh nghiệp nước mắm gửi đơn lên Bộ Công Thương, Bộ Y tế.

Bà Hồ Kim Liên, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc, cho biết tổ chức này đã gửi đơn kiến nghị lên UBND huyện Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ Công Thương và Bộ Y tế, yêu cầu làm rõ các thông tin xung quanh công bố của Vinastas về nước mắm của các doanh nghiệp nhiễm asen. Theo bà Liên, việc lấy mẫu kiểm tra bất ngờ và công bố thông tin không rõ ràng của Vinastas đang đẩy các doanh nghiệp nước mắm truyền thống tới bờ vực của việc phá sản.

Ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, cũng cho biết các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tại địa phương đang rất bức xúc vì thông tin nước mắm có asen vượt ngưỡng vừa được công bố. Ông Hiến cho rằng cách làm của Vinastas không chỉ giết chết nước mắm truyền thống mà giết cả ngành thủy sản. "Họ không nói rõ ràng, trong khi ai cũng biết trong cá có asen hữu cơ, là không độc hại. Nhưng họ cứ lập lờ vậy, người tiêu dùng không hiểu đâu, rồi ngư dân đánh cá về bán cho ai", ông Hiến bức xúc.

6. Habeco sẽ phải “hỏi ý” Carlsberg trước khi bán vốn nhà nước.


Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận hồ sơ đăng ký giao dịch của Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco) với mã HBN. Số lượng đăng ký giao dịch 231,8 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch 2.318 tỉ đồng. Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng chỉ là 0,98%, tương đương hơn 2,27 triệu cổ phiếu.

Hiện cổ đông lớn của Habeco có Bộ Công Thương đại diện cổ đông nhà nước nắm 81,79%, Carlsberg giữ 17,23%. Theo Công ty chứng khoán HSC, Habeco có thể phải đàm phán lại quan hệ hợp tác chiến lược với Carlsberg, bởi đơn vị này có một số quyền cổ đông đặc biệt có thể ngăn cản việc thoái vốn nhà nước.

7. Đầu tư tiền ảo, rủi ro thật.

Mới đây nhất, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương đã cảnh báo loại hình kinh doanh huy động tiền ảo theo mô hình đa cấp, thực chất là đội lốt lừa đảo. "Bản chất của hoạt động này chủ yếu là để lôi kéo càng nhiều người tham gia càng tốt. Sau đó người làm chủ hệ thống đó họ sẽ chiếm đoạt số tiền và biến mất" - Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục phó Cục quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết.

Sàn giao dịch luôn có nguy cơ sập, thế nhưng tại Việt Nam, tiền ảo còn biến thành công cụ cho các hình thức huy động tài chính khác vẫn với chiêu bài trả lãi cao, hoạt động trên mạng Internet. Mua tiền ảo, đổ tiền vào các trang huy động vốn dùng tiền ảo... chỉ đến khi mất tiền thật, những nhà đầu tư này mới giật mình trở lại thế giới thực.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)