[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 19/10
Thứ năm, 20/10/2016 - 08:39
Trong ngày 19 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước

Trong ngày 19 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Bộ Công Thương cân nhắc bỏ quy định dán nhãn năng lượng; Thủy điện Hố Hô xả lũ: Không thực hiện đầy đủ quy trình hồ chứa; Tỉnh Hòa Bình xin Bộ Công Công thương thêm 3 dự án thủy điện nhỏ; Phát triển 5 hành lang công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng; Nhập siêu từ ASEAN: Nỗi lo mới; Xuất thuốc lá lậu sang nước thứ 3, không cẩn thận Việt Nam sẽ trở thành nước xuất lậu.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Bộ Công Thương cân nhắc bỏ quy định dán nhãn năng lượng.


Trước phản ứng của doanh nghiệp, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng lập tức tiến hành rà soát nội dung Thông tư số 07/2012/TT-BCT và các văn bản có liên quan để tiến hành sửa đổi, loại bỏ các qui định không phù hợp.

Theo ông Trần Tuấn Anh, so với thông tư 37 mà Bộ Công Thương bãi bỏ cách đây một tuần, “các quy định tại thông tư 07còn rườm rà, khó hiểu và gây bức xúc cho doanh nghiệp hơn rất nhiều”.

Bộ Công thương ước tính nếu gỡ bỏ các quy định dán nhãn năng lượng sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng tỉ đồng.

2. Thủy điện Hố Hô xả lũ: Không thực hiện đầy đủ quy trình hồ chứa.

Ngày 18/10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Nhà máy thủy điện Hố Hô. Qua báo cáo về quy trình cho thấy một số điểm bất cập cần phải rút kinh nghiệm trong vận hành nhà máy và phối hợp trong công tác phòng chống lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.

Sau khi đi thị sát gặp gỡ người dân, kiểm tra nhà máy, nghe đoàn công tác của Bộ Công Thương báo cáo và ý kiến phía nhà máy và chính quyền địa phương, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng kết luận: "Đối với Nhà máy Hố Hô công tác kiểm tra đảm bảo an toàn công trình chưa được thực hiện tốt”.

Trước những vẫn đề được đoàn công tác Bộ Công thương nêu trên, phía Công ty thuỷ điện miền Bắc cho biết sẽ triển khai, khắc phục. Phía nhà máy khẳng định sẽ phối hợp tốt hơn với địa phương, người dân trong thời gian tới.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng đoàn công tác mới vào làm việc hơn 1 ngày nên để có một kết luận thì còn quá sớm. Thứ trưởng yêu cầu đoàn công tác tiếp tục thu thập thông tin, chứng cứ, tài liệu báo cáo về lãnh đạo Bộ Công thương để từ đó có kết luận cuối cùng về sự việc vừa qua. 

3. Tỉnh Hòa Bình xin Bộ Công Công thương thêm 3 dự án thủy điện nhỏ.

Bao gồm: Dự án So Lo 2 - Suối Rút, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu; Dự án Suối Cái 1, huyện Tân Lạc và xã Yên Thượng huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình; Dự án thủy điện Suối Cái 2, Xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc tỉnh Hòa Bình. Đáp lại đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, ngày 13/7/2016, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 6436/BCT-TCNL gửi UBND tỉnh Hòa Bình.

4. Phát triển 5 hành lang công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.

Theo Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, có 5 hành lang công nghiệp sẽ được phát triển gồm hành lang kinh tế Hà Nội-Hải Phòng; Hà Nội-Nội Bài-Hạ Long; Hà Nội-Việt Trì qua thành phố Vĩnh Yên; Hà Nội-Lạng Sơn và hành lang kinh tế ven biển.

Kèm theo Quy hoạch này là một danh mục các chương trình, dự án đầu tư chủ yếu vùng ĐBSH Hồng, bao gồm các dự án trong 7 ngành công nghiệp chủ yếu gồm cơ khí, luyện kim; sản xuất thiết bị điện, điện tử; chế biến nông, lâm sản, thực phẩm; hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất vật liệu xây dựng; dệt may-da giày; khai thác và chế biến khoáng sản.

5. Nhập siêu từ ASEAN: Nỗi lo mới.


Trong báo cáo nửa đầu năm nay của Tổng cục Hải quan về cán cân thương mại hàng hoá giữa Việt Nam và ASEAN đưa ra nhận định mức thâm hụt tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam với mức 3,3 tỷ USD, bằng 45,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Những số liệu này gần như “trùng khớp” với những lo lắng của giới chuyên gia trước đây khi cho rằng Việt Nam có rủi ro sẽ trở thành trung tâm tiêu thụ hàng hoá của khu vực ASEAN khi AEC có hiệu lực từ đầu năm 2016 với việc loại bỏ dần hàng rào thuế quan.

6. Xuất thuốc lá lậu sang nước thứ 3, không cẩn thận Việt Nam sẽ trở thành nước xuất lậu.

Sáng 18/10, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu thuốc lá tại những địa bàn trọng điểm. Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc phối hợp cùng các doanh nghiệp chống thuốc lá lậu trong thời gian vừa qua.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng, cần phải có đề án kiểm soát bán lẻ thuốc lá. Đồng thời, cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân thấy được tác hại của thuốc lá, vì nếu giảm cầu thì cung cũng sẽ giảm, đây mới là biện pháp cơ bản nhất. "Việc xuất thuốc lá lậu sang nước thứ 3, không cẩn thận Việt Nam sẽ trở thành nước xuất lậu", ông Hà lưu ý về đề xuất của tỉnh Long An.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương nghiên cứu tính khả thi của từng phương án.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)