[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 17/10
Thứ ba, 18/10/2016 - 12:37
Trong ngày 17 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước

Trong ngày 17 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Bộ Công Thương điều tra việc xả lũ của thủy điện Hố Hô; Bộ Công Thương phát động cuộc thi về bảo vệ môi trường; Hà Nội chấm dứt hoạt động của 2 công ty bán hàng đa cấp; Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản thế giới; Quản lý phân bón về một mối, cần sửa đổi Nghị định 202-CP cho phù hợp.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Bộ Công Thương điều tra việc xả lũ của thủy điện Hố Hô.


Theo thông tin phản ánh trên các báo, chiều 14.10, thủy điện Hố Hô (Hương Khê, Hà Tĩnh) xả lũ nhưng trước đó không thông báo cho chính quyền và người dân. Nước ào về dâng nhanh nhất trong lịch sử từ trước tới nay. Trước tình hình đó, nhiều hộ không kịp di chuyển tài sản, nhiều đồ dùng giá trị như ti vi, tủ lạnh bị nước ngâm hỏng, trâu bò, lợn gà bị chết và cuốn trôi.

Trước đó, chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Hố Hô có báo cáo gửi về Bộ Công Thương khẳng định việc xả nước được báo trước và bảo đảm tuân thủy các quy định về an toàn kỹ thuật.

Tuy nhiên, trước phản ánh của dư luận và báo chí, chiều 16/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã triệu tập cuộc họp khẩn giữa các đơn vị chức năng yêu cầu báo cáo tình hình thực tế. Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh quyết định thành lập tổ công tác điều tra việc xả lũ tại Nhà máy thủy điện Hố Hố.

Từ sáng nay, 17/10, Tổ công tác điều tra đã lên đường vào Hà Tĩnh để tiếp cận nhà máy, khảo sát hiện trường, nghiên cứu hồ sơ tài liệu, đồng thời chỉ đạo khắc phục sự cố nếu có.

Cùng với đó, Bộ trưởng vừa quyết định Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công đoàn Công Thương Việt Nam ủng hộ cho người dân vùng chịu ảnh hưởng lũ lụt ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình, mỗi tỉnh 350 triệu đồng. Tổng 2 tỉnh là 700 triệu đồng. Số tiền này được Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trao luôn trong ngày 17/10.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng tiếp tục khẳng định “sẽ kiên quyết xử lý với tập thể, cá nhân nếu để ra sai phạm”.

2. Bộ Công Thương phát động cuộc thi về bảo vệ môi trường.

Cổng TTĐT Bộ Công Thương vừa phát động cuộc thi “Bảo vệ môi trường ngành Công Thương” bắt đầu từ ngày 15/10 đến hết ngày 15/12/2016. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, phóng sự ảnh, video, clip. Tác phẩm có thể mô tả thực trạng môi trường, như ô nhiễm không khí, nước... ; đề xuất các sáng kiến bảo vệ hoặc nâng cao chất lượng môi trường sống tại các nhà máy điện, than, xi măng, dầu khí, hóa chất, thép… Đồng thời, hiến kế các giải pháp cho ngành Công Thương bảo vệ môi trường tại các dự án, nhà máy, khu công nghiệp của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ Công Thương.

Song song với cuộc thi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng phát động phong trào thi đua Bảo vệ môi trường trong toàn ngành. Đây được coi là động thái tiếp theo mà người đứng đầu ngành Công Thương thực hiện sau tuyên bố “Không đổi dự án lấy môi trường”. 

3. Hà Nội chấm dứt hoạt động của 2 công ty bán hàng đa cấp.

Cụ thể, 2 công ty bị Sở Công Thương Hà Nội ra quyết định chấm dứt bán hàng đa cấp và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp là CTCP Đầu tư Sản xuất Thương mại Bông Sen Vàng và công ty TNHH NETWORK Hoàng Kim.

Lý do cho quyết định của Sở Công Thương Hà Nội là do CTCP Đầu tư Sản xuất Thương mại Bông Sen Vàng do không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bán hàng đa cấp. Trong khi, công ty TNHH NETWORK Hoàng Kim xin chấm dứt vì muốn thay đổi phương thức kinh doanh để đảm bảo phù hợp với thị trường Việt Nam.

4. Việt Nam trở thành trung tâm chế biến thủy sản thế giới.


Nhiều nhà chế biến và nhập khẩu hàng đầu thế giới đang chuyển nhà máy hoặc dịch vụ từ các quốc gia châu Âu, Trung Quốc đến VN để chế biến thủy sản xuất khẩu. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho rằng VN hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chế biến thủy sản của thế giới.

Theo các DN thủy sản, để trở thành một trung tâm chế biến thủy sản của thế giới, VN bắt buộc phải trở thành nước nhập khẩu thủy sản lớn. Tuy nhiên, những chính sách về nhập khẩu nguyên liệu thủy sản đến nay còn nhiều trở ngại. Nhiều cơ quan chức năng vẫn còn tâm lý bảo hộ nuôi trồng thủy sản trong nước, nên không muốn mở cửa cho nhập khẩu.

Nhà nước cần xây dựng các chính sách để phát triển bền vững nguồn nguyên liệu trong nước, nhất là với con tôm, để cải thiện sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.

5. Quản lý phân bón về một mối, cần sửa đổi Nghị định 202-CP cho phù hợp.

VIệc giao cho cả Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cùng quản lý mặt hàng phân bón đã tạo sự chồng chéo trong quản lý, gây phiền hà cho địa phương, DN sản xuất, cơ sở buôn bán trong việc thanh tra, kiểm tra, cấp phép.

Hiệp hội phân bón Việt Nam kiến nghị cần phải sửa đổi, chỉ giao cho một trong hai Bộ nêu trên quản lý lĩnh vực này. Đồng thời tăng mức xử phạt, xử lý nghiêm đối với những hành vi sai phạm. Đồng thời, thay vù hàng nghìn loại phân bón như hiện nay, cần chuẩn hóa khoảng 100 loại phân bón  và các doanh nghiệp chỉ được phép sản xuất, kinh doanh các loại phân bón theo quy định.   

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)