[In trang]
Công tác Công đoàn trong thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ trong các cơ quan, tổ chức
Thứ ba, 27/09/2016 - 10:12
Việc xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng

Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, phụ nữ Việt Nam trong đã và đang có đóng góp to lớn trên các lĩnh vực và từng vị trí công tác. Nhận thức và đánh giá đúng vị trí, vai trò của phụ nữ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác phụ nữ, chăm lo, tạo điều kiện để bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, phát huy vai trò của phụ nữ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đồng thời đã khẳng định rõ việc xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng.

Tuy nhiên, đến nay việc áp dụng các quy định về bình đẳng giới giữa nam và nữ còn chưa đạt được yêu cầu đề ra. Với chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, trong đó có lao động nữ, nhiều năm qua, tổ chức Công đoàn đã rất quan tâm và có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy bình  đẳng giới trên các lĩnh vực.

Chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ thông qua hoàn thiện các chế độ chính sách liên quan

Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham gia nghiên cứu sửa đổi bổ sung Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, trong đó đề xuất lồng ghép giới vào trong các dự thảo Luật. Bộ luật Lao động năm 2012 đã dành hẳn 1 chương X quy định dành riêng cho nhóm đối tượng lao động nữ và doanh nghiệp sử dụng lao động nữ như không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa đối với lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 7 được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương (Khoản 1,2 điều 155 BLLĐ). Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30’; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60’ trong thời gian làm việc (Khoản 5 điều 155 BLLĐ), lao động nữ được nghỉ trước và sau sinh con là 6 tháng ( Khoản 1 Điều 157 BLLĐ). Tất cả các quy định này đều hướng tới mục tiêu đảm bảo sức khoẻ cho lao động nữ để thực hiện thiên chức làm mẹ của họ.  Bộ Luật cũng quy định các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu tiên vay vốn, được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Luật Công đoàn năm 2012 đã quy định dành một mục cho các hoạt động về giới, bình đẳng giới, đưa nội dung công tác nữ, bình đẳng giới vào trong chương trình đào tạo bồi dưỡng với các khoá học ngắn hạn, trong các hội thảo, chuyên đề.

Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã xác định công tác vận động nữ CNVCLĐ là một trong 8 nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ mới; Đại hội đã đề ra 11 chỉ tiêu phấn đấu, trong đó có chỉ tiêu phấn đấu “Có 100% số cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp, 100% số cán bộ nữ công công đoàn cấp trên cơ sở trở lên được bồi dưỡng, tập huấn nội dung về bình đẳng giới, lồng ghép giới trong hoạt động công đoàn”.

Một trong những chỉ tiêu của Đại hội XI Công đoàn Việt Nam: Phấn đấu tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành công đoàn đạt 30% trở lên đã đạt và vượt kế hoạch. Cụ thể là tính đến tháng 6/2015: số nữ ủy viên Ban chấp hành công đoàn các cấp đạt 34,6%.

Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã thông qua dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam sửa đổi, bổ sung, trong đó dành riêng Chương VI với 2 điều 35 và 36 quy định về Công tác nữ công (so với Điều lệ cũ chỉ có 01 Điều, không có chương). Quyền đại diện cho lao động nữ của Ban Nữ công được quy định trong pháp luật và Luật Công đoàn, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ là tổ chức công đoàn, trong đó vài trò tham gia đại diện trực tiếp là Ban Nữ công công đoàn.

Tổng Liên đoàn đã ban hành Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể”. Kết quả nổi bật của các bản thỏa ước lao động tập thể là đã có nhiều nội dung cao hơn pháp luật có lợi cho người lao động như: thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, bảo đảm việc làm, mức lương cơ bản, chế độ nâng bậc lương, lương tháng thứ 13, tiền thưởng, cải thiện điều kiện làm việc, chế độ ăn ca, tổ chức tham quan nghỉ mát, thăm hỏi khi ốm đau…và một số chế độ đối với lao động nữ như tặng quà nhân ngày 8/3, ngày 20/10, hỗ trợ lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, hỗ trợ chí phí gửi con ở nhà trẻ, mẫu giáo, khám sức khỏe, khám chuyên khoa phụ sản…

Từ năm 2012, Tổng Liên đoàn cũng đã triển khai mô hình phòng vắt trữ sữa nhằm hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc, nhằm hỗ trợ lao động nữ có điều kiện nuôi dưỡng con tốt hơn và trở lại làm việc ổn định sau khi nghỉ chế độ thai sản. Đến nay đã lắp đặt được 130 phòng từ nguồn của doanh nghiệp ( mỗi phòng từ 30 triệu – 35 triệu đồng), đã có gần 10.000 lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi và khoảng 40.500 lao động nữ trong độ tuổi sinh đẻ được truyền thông kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ.

Khen thưởng, xây dựng Quỹ hỗ trợ người lao động nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ

Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được triển khai từ năm 1989, là phong trào xuyên suốt của hoạt động nữ công các cấp. Để phong trào phù hợp với từng ngành, nghề các cấp công đoàn đã cụ thể tên gọi, xây dựng nội dung phong trào, phát động trong nữ CNVCLĐ. Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” tiếp tục gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng người CBCCVC “Trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu”, xây dựng cơ quan văn hoá, “Ngày làm việc 8 giờ có chất lượng hiệu quả” và phong trào “thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”…Từ đó, nữ CBCC xác định rõ ý thức trách nhiệm của mình trong công việc, tận tụy, gương mẫu, có nhiều đề tài khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đạt năng suất, chất lượng hiệu quả cao, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Với nhận thức “Đảm việc nhà” là cơ sở, là tiền đề, động lực thúc đẩy chị em “Giỏi việc nước”, các chị đã không ngừng học hỏi, rèn luyện, tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, vượt qua mọi khó khăn, sắp xếp công việc khoa học, dành thời gian chăm lo cho gia đình, tạo sự cảm thông, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên để có điều kiện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xã hội và công việc gia đình, nuôi dạy con chăm ngoan học giỏi.

Quỹ Tài năng sáng tạo nữ Tổng Liên đoàn được thành lập từ năm 1996, Hội đồng Quỹ đã Quyết định chuyển hình thức hỗ trợ sang trao Giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ mang tên FAWIC, trao giải thưởng hàng năm cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động sáng tạo, ở các thành phần kinh tế, đặc biệt là cán bộ nữ khoa học kỹ thuật có nhiều thành tích trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và phục vụ đời sống, góp phần thúc đẩy phòng trào thi đua “ Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và phong trào thi đua “ Lao động giỏi”, “ lao động sáng tạo” trong nữ CNVCLĐ.

Tổng Liên đoàn đã tổ chức trao các giải thưởng: Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, Giải thưởng Vì người lao động, Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam nhằm tôn vinh những công nhân có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, các sản phẩm tiêu biểu của các doanh nghiệp đã có tác dụng tích cực, thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và của người lao động.

Công đoàn các cấp đã quan tâm xem xét cho các đối tượng lao động nữ thiếu việc làm được vay vốn từ Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP), từng bước hỗ trợ giúp nữ CNVC-LĐ thoát nghèo bền vững. Đến nay các cấp công đoàn đã tổ chức trợ vốn 214.795 lượt chị, với số tiền 406 tỷ 610 triệu đồng từ các nguồn: quỹ tương trợ nội bộ, quỹ trợ vốn CEP...

Việc phát động phong trào thực hành tiết kiệm đã vận động và thành lập các nguồn quỹ giúp nhau phát triển kinh tế như: Quỹ xoay vòng vốn, Quỹ vì nữ CNLĐ nghèo, Mái ấm Công đoàn… được đa số CNVCLĐ đồng tình hưởng ứng, đã góp phần hỗ trợ các trường hợp khó khăn, ổn định cuộc sống.

Quỹ Bảo trợ Trẻ em của Công đoàn Việt Nam ra đời đến nay đã 22 năm từ tấm lòng của tổ chức Công đoàn đã kết nối tấm lòng của các nhà hảo tâm để vun đắp ước mơ của nhiều gia đình công nhân lao động. Chặng đường hai thập kỷ vừa qua của Quỹ Bảo trợ Trẻ em của Công đoàn Việt Nam đã ghi dấu ấn những hoạt động của Quỹ ngày càng hiệu quả, thiết thực: đã khởi xướng chương trình tặng cặp phao cứu sinh cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều địa bàn sông nước, vùng thường xuyên bị lũ lụt; trao tặng hàng vạn suất học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó, học giỏi trên cả nước, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ mẫu giáo cho con CNLĐ…với số tiền hỗ trợ trên 30 tỷ đồng.  Chương trình “ Vì trái tim và nụ cười trẻ thơ” mới triển khai từ năm 2014, đến nay đã hỗ trợ 143 trường hợp con công nhân, lao động mổ tim và mổ hở môi, vòm miệng với tổng số tiền trên 2 tỷ đồng.

Có 4.500 câu lạc bộ nữ công được duy trì sinh hoạt thường xuyên với nhiều đối tượng, chủ đề sinh hoạt khác nhau, như: CLB nữ trí thức, CLB các nữ cán bộ quản lý, CLB không sinh con thứ 3, CLB nữ nhà giáo sinh con một bề...

Những nỗ lực của tổ chức Công đoàn đang góp phần thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới tại Việt Nam, cũng như thực hiện Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua năm 2006.

Nguồn TLĐLĐVN