[In trang]
Chăm lo cho người lao động bằng những hành động cụ thể
Thứ ba, 27/09/2016 - 07:26
Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị các Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thành phố; CĐ ngành T.Ư và tương đương, CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN

Ngày 24.9, Tổng LĐLĐVN tổ chức Hội nghị các Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thành phố; CĐ ngành T.Ư và tương đương, CĐ TCty trực thuộc Tổng LĐLĐVN.

Những nội dung được tập trung thảo luận là xây dựng thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX và điều chỉnh giảm tỉ trọng trong chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp CĐ để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX...


Xây dựng thiết chế công đoàn là cần thiết

Hội nghị diễn ra với sự chủ trì của các đồng chí: Bùi Văn Cường - UV T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải; các Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính, Nguyễn Văn Ngàng, Nguyễn Thị Thu Hồng. Thay mặt Thường trực Đoàn Chủ tịch, đồng chí Trần Thanh Hải báo cáo tóm tắt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX”; tờ trình về việc xây dựng Nghị quyết của BCH Tổng LĐLĐVN (khóa XI) về “Điều chỉnh giảm tỉ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp CĐ để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX”; tờ trình về một số chỉ tiêu trong nguyên tắc xây dựng và giao dự toán tài chính CĐ năm 2017. Đồng chí Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - trình bày báo cáo xin ý kiến định hướng đối với các cơ sở dạy nghề và CĐ tham gia khởi kiện.

Thảo luận về Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX”, các đại biểu đều thống nhất việc đầu tư, xây dựng các thiết chế phục vụ thiết thực đoàn viên, CNLĐ tại các KCN, KCX trên toàn quốc là một chủ trương đúng, cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Có những đại biểu khẳng định: Xây dựng thiết chế CĐ là tư duy đột phá; nếu không triển khai xây dựng các thiết chế thì việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết khó đi vào cuộc sống. Đồng chí Trần Danh Chức - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh - bày tỏ mong muốn việc xây dựng thiết chế CĐ sớm triển khai để trở thành hiện thực ở một số KCN. Đồng tình với đề án song đồng chí Phạm Hữu Thư - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hải Phòng - cho rằng, do xây dựng thiết chế ở nhiều KCN, nên việc xây dựng cần xã hội hóa nguồn vốn, trong đó nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư các KCN.

Theo đánh giá của đồng chí Bùi Thanh Nhân - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - Đề án xây dựng thiết chế CĐ trong các KCN là nội dung mới, hay, có sự chuẩn bị công phu, xác định rõ đối tượng chăm lo và địa bàn. “Ở Bình Dương, trên 50% số CĐCS, đoàn viên nằm trong các KCN nên rất thích thú với đề án này. Tuy nhiên, việc xây dựng này cần căn cứ vào đặc điểm của từng địa phương, từng KCN để tính toán kỹ hạng mục đầu tư, chứ không phải nơi nào cũng xây nhà trẻ, siêu thị… Ngoài ra, cần tính toán kỹ phương án bán nhà ở cho NLĐ, vì có thực tế nhiều CN làm một vài năm ở KCN rồi họ trở về quê, nên phải khảo sát dựa trên nhu cầu thực tế.

Giải đáp băn khoăn này, Chủ tịch Bùi Văn Cường cho biết, trước khi xây thiết chế của CĐ tại các KCN cần phải khảo sát kỹ; giới thiệu, phát đơn cho từng đoàn viên CĐ đăng ký nhu cầu thật, từ đó mới có thể tính được quy mô xây dựng bao nhiêu, tránh tính trạng xây ra nhưng không sử dụng hết...

Kiên quyết khởi kiện các DN nợ BHXH, kinh phí CĐ

Đối với nội dung CĐ khởi kiện, đồng chí Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - cho biết, trước mắt, Đoàn Chủ tịch giao cho cấp LĐLĐ tỉnh chịu trách nhiệm khởi kiện trước; tập trung vào hai nội dung kiện là nợ BHXH và kinh phí CĐ.

Theo đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN - trong nhiệm kỳ mới, các cấp CĐ cần phải quyết liệt hơn nữa trong thể hiện vai trò của CĐ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực tới đoàn viên, NLĐ. Đồng chí nhấn mạnh: “Việc khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH không phải là vì góp phần cho BHXH thu tốt, mà chính là để bảo vệ quyền lợi cơ bản của NLĐ. Từ giờ đến cuối năm, tổ chức CĐ phải khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH để CNLĐ thấy rằng, tổ chức CĐ thực sự đứng về phía NLĐ, bảo vệ quyền lợi thiết thân của họ, trước mắt cũng như lâu dài”. Trước mắt, LĐLĐ của 6 tỉnh gồm Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai sẽ đi đầu thực hiện khởi kiện, nhưng nếu đơn vị trong toàn quốc nào thấy cần khởi kiện thì sẽ làm luôn.

Với “Điều chỉnh giảm tỉ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp CĐ để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX”, hầu hết các đại biểu tham gia hội nghị đồng tình điều chỉnh giảm 10% chi hành chính và điều chỉnh giảm 10% chi hoạt động phong trào dành cho đầu tư xây dựng các thiết chế phục vụ thiết thực đoàn viên, CNLĐ tại các KCN, KCX trên toàn quốc.

Về định hướng đối với các cơ sở dạy nghề, các ý kiến hầu hết cho rằng, nơi nào hiệu quả thì cần có đầu tư đúng mức về trang thiết bị, để hiện đại hóa; nơi nào không hiệu quả thì chuyển đổi sang mục đích khác…, đồng thời cần kiên quyết xử lý người đứng đầu cơ sở dạy nghề nếu có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.

Thay mặt Thường trực Đoàn Chủ tịch, đồng chí Bùi Văn Cường tiếp thu những ý kiến của các đại biểu. Đồng chí cũng chỉ đạo các Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, chủ tịch CĐ ngành từ thời điểm này đến hết năm cần thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch công tác năm; chuẩn bị tổng kết năm và kế hoạch công tác năm 2017; Tổ chức Chương trình Vinh quang Việt Nam - dấu ấn 30 năm đổi mới; Bình chọn DN vì NLĐ. Theo đó, chủ đề công tác của năm 2017 sẽ là Năm vì lợi ích đoàn viên CĐ theo như chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Nước Trần Đại Quang trong buổi làm việc với Tổng LĐLĐVN sáng cùng ngày (24.9).

Nguồn Báo Lao động