[In trang]
Bình đẳng giới: Mối quan tâm của mỗi chúng ta
Thứ năm, 03/03/2016 - 16:04
Những năm vừa qua, vấn đề bình đẳng giới đã đạt được một số kết quả quan trọng, song để đạt được bình đẳng giới một cách thực chất và bền vững quả là không đơn giản.

Những năm vừa qua, vấn đề bình đẳng giới đã đạt được một số kết quả quan trọng, song để đạt được bình đẳng giới một cách thực chất và bền vững quả là không đơn giản.

Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định rõ quan điểm và mục tiêu, vấn đề còn lại là việc tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, trong đó có các cấp công đoàn phải đồng bộ, thậm chí phải quyết liệt. Mặt khác, bản thân người phụ nữ phải không ngừng nỗ lực vươn lên để khẳng định mình, đó là điều rất quan trọng nếu không nói là có ý nghĩa quyết định. 


Trong những năm qua, bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ đã có nhiều tiến bộ đáng kể, song khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại, lao động nữ vẫn còn nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, cơ hội được đào tạo, đào tạo lại, thăng tiến, việc làm và thu nhập. Khi các doanh nghiệp gặp khó khăn, khi chuyển đổi công nghệ, sắp xếp lại doanh nghiệp và sau khi nghỉ chế độ thai sản thì lao động nữ thường có nguy cơ bị mất việc làm hoặc thu nhập thấp hơn so với lao động nam. Điều này có nhiều nguyên nhân từ phía khách quan nhưng cũng có nguyên nhân từ chính đặc thù của lao động nữ về sức khoẻ, tâm lí, về thiên chức của người phụ nữ.

Mặc dù chúng ta đã có luật Bình đẳng giới nhưng trên thực tế vẫn còn định kiến giới, phân biệt đối xử với lao động nữ trong tuyển dụng, khi bố trí sắp xếp nhân sự, chưa kể đến vấn nạn bạo lực gia đình đang xảy ra khá phổ biến và rất đa dạng ở các mức độ khác nhau. Đây là những áp lực lớn tác động đến lực lượng lao động nữ.

Hiện nay, trong nhiều doanh nghiệp của một số ngành như: Dệt May, Da giày, Chế biến thuỷ sản… ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, lực lượng lao động nữ chiếm từ 80-90%. Do đặc điểm lao động, do điều kiện, thời gian làm việc nên đời sống văn hoá tinh thần và giao tiếp xã hội của lao động nữ ở đây còn gặp nhiều khó khăn, kể cả nguyện vọng chính đáng là có được hạnh phúc gia đình với nhiều chị em cũng khá mong manh. Khi đã được có mái ấm gia đình thì việc nuôi dạy con lại gặp không ít khó khăn thách thức như: Nơi gửi trẻ ở khu công nghiệp, khu chế xuất không có, thu nhập thấp không đủ để nuôi con, nhiều chị em phải đành gửi con về nhà ông bà nội ngoại chăm sóc, đành chịu xa cách tình mẫu tử… Bộ phận lao động nữ còn nhiều thiệt thòi về tiền lương, điều kiện làm việc, cơ hội được đào tạo, thăng tiến. 

Giải pháp quan trọng là lồng ghép có hiệu quả yếu tố giới vào các chính sách, chương trình hành động từ cấp quốc gia đến các ngành, địa phương. Cùng với việc tiếp tục tuyên truyền nâng cao hơn nữa nhận thức về bình đẳng giới thì phải chú trọng thực hiện các biện pháp để đảm bảo phụ nữ được tiếp cận các cơ hội học tập, đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tỉ lệ nữ ở các vị trí lãnh đạo, quản lí ở các cấp, các ngành. Mặt khác, phải quan tâm cải thiện điều kiện làm việc tại các cơ quan, đặc biệt ở các doanh nghiệp, chăm sóc sức khoẻ trong đó có vấn đề sức khoẻ sinh sản cho lao động nữ, nhà nước phải có đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng phúc lợi xã hội ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để đảm bảo cho lao động nói chung, trong đó có lao động nữ được thụ hưởng các thành quả của các dịch vụ phúc lợi xã hội.

Tổng LĐLĐ Việt Nam trong nhiều năm qua đã có nhiều chủ trương, kế hoạch vì sự tiến bộ phụ nữ, có chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, về công tác vận động nữ CNVCLĐ và bố trí nguồn lực, nhân sự cho công tác này.

Tổng Liên đoàn đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức việc khảo sát về lao động nữ trong các doanh nghiệp, đi sâu điều kiện lao động, tiền lương, thu nhập, chính sách đặc thù cho lao động nữ, chính sách thai sản, dinh dưỡng trong các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp có đông lao động nữ, vấn đề chăm sóc SKSS cho lao động nữ, để một mặt tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi trong Bộ luật Lao động. Mặt khác, kiến nghị với Chính phủ, với người sử dụng lao động đảm bảo thực thi các quy định hiện hành về chính sách cho người lao động; điều chỉnh các chính sách khi giá cả tiêu dùng có thay đổi như mức lương tối thiểu; tham gia ý kiến vào đề án xây dựng nhà ở, nhà trẻ, thiết chế văn hoá ở các khu CN, khu CX; đề xuất nghiên cứu sửa đổi thời gian nghỉ thai sản để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và con; lồng ghép vấn đề giới, hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ trong các hoạt động chung của công đoàn các cấp nhằm tiếp tục tạo sự chuyển biến sâu sắc hơn nữa về bình đẳng giới, quan tâm đến lao động nữ.

Trong phong trào chung đó, ngành Công Thương là một trong số những ngành có lực lượng lao động nữ chiếm tỉ lệ cao, khoảng hơn 40% lực lượng lao động toàn Ngành, lực lượng lao động nữ đã và đang đóng góp sức lao động của mình trên tất cả các lĩnh vực của Ngành, từ công tác quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp đến trực tiếp sản xuất, gia công; chế biến sản phẩm xuất khẩu, xây lắp, dịch vụ kho vận; tham gia nghiên cứu khoa học, giảng dạy và làm báo chí… Nữ CBCNVC LĐ ngành Công Thương Việt Nam đã phấn đấu, rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng hiện nay.

Phong trào nữ CNVC LĐ  ngành Công Thương đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận và đóng góp vào kết quả chung của phong trào nữ CNVC LĐ cả nước. Ban NC các cấp đã chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống gia đình, giới…, tổ chức nhiều hoạt động phong phú đa dạng phù hợp với đặc điểm ngành nghề và các đơn vị cơ sở. CĐCTVN cũng đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác nữ, các vấn đề về giới, chức năng, nhiệm vụ của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ; chuẩn mực người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước; về đổi mới phương pháp hoạt động nữ công đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Công Thương trong giai đoạn mới.