[In trang]
CĐ góp phần đảm bảo việc làm cho lao động trẻ
Chủ nhật, 17/01/2016 - 14:52
Việc đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động nói chung và lao động trẻ nói riêng tại doanh nghiệp là trách nhiệm trực tiếp nhất và quan trọng nhất của công đoàn cơ sở

Việc đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động nói chung và lao động trẻ nói riêng tại doanh nghiệp là trách nhiệm trực tiếp nhất và quan trọng nhất của công đoàn cơ sở.


Theo đó, Công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục.

Công đoàn cơ sở cần tuyên truyền cho lao động trẻ nhận thức đầy đủ về đặc điểm của nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, của Ngành, tình hình thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, để CNVC-LĐ đồng tình, ủng hộ và tập trung ý kiến giải quyết khó khăn, tìm ra những giải pháp mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho lực lượng lao động trẻ trong doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của người lao động với kết quả lao động của mình và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần phát triển sản xuất, đảm bảo cho doanh nghiệp đứng vững và đủ sức cạnh tranh trên thương trường. Ngoài ra, cần phổ biến, hướng dẫn cho thanh niên nắm vững pháp luật, chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết của Công đoàn liên quan đến giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, cần giáo dục cho CNVC-LĐ trẻ tự đào tạo trình độ chuyên môn tay nghề, khoa học kỹ thuật để giành, giữ vững và ổn định việc làm cho bản thân, góp phần cùng với tập thể tạo việc làm cho xã hội. Công đoàn cần sử dụng những biện pháp, hình thức, phương tiện thông tin, tuyên truyền, giáo dục phong phú, đa dạng như: Mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, về pháp luật, chính sách, chế độ cho CNVC-LĐ trẻ; tổ chức hội thảo theo các chuyên đề như sắp xếp lao động, giải quyết việc làm tại doanh nghiệp; sử dụng mạng lưới đoàn viên tích cực, các chuyên viên, cộng tác viên trong và ngoài doanh nghiệp để làm công tác tuyên truyền, giáo dục.

Tham gia xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh.

Công đoàn tham gia với chuyên môn xây dựng phương án đa dạng hóa sản phẩm, loại hình dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường và xã hội, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhằm tạo ra cơ cấu sản phẩm hợp lý và có hiệu quả; tham gia với chuyên môn tổ chức liên doanh, liên kết với các đơn vị kinh tế trong và ngoài nước, tạo thêm việc làm cho người lao động với điều kiện đảm bảo lợi ích các bên và tuân thủ pháp luật; vận động CNVC-LĐ trẻ tích cực học tập nâng cao trình độ nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ, học thêm nghề mới, thực hiện giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu khi chuyển hướng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm. Tham gia với chuyên môn gắn nghiên cứu khoa học với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Công đoàn vận động CNVC-LĐ trẻ tham gia vào quá trình đổi mới kỹ thuật và công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tìm tòi và thực hiện những giải pháp cải tiến tổ chức sản xuất, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, hạ giá thành sản phẩm, tổ chức các hoạt động quảng cáo tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu. Công đoàn cơ sở cần áp dụng các hình thức: Tổ chức Đại hội công nhân, viên chức, Hội nghị chuyên đề về phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể; tổ chức và chỉ đạo hoạt động câu lạc bộ khoa học - kỹ thuật, câu lạc bộ kinh tế trong doanh nghiệp; phối hợp với chuyên môn tổ chức các hội thi sáng tác mẫu mã sản phẩm mới, có chế độ khen thưởng, động viên các đơn vị đạt giải; phát động sâu rộng phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, hợp lý hóa sản xuất, cải tiến nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm; phát động phong trào cá nhân, tập thể tự tìm việc làm, đề xuất với chuyên môn xây dựng quy chế thưởng, phạt hợp lý cho tập thể, cá nhân có thành tích tìm việc làm, tiêu thụ sản phẩm.

Tham gia tổ chức, sử dụng hợp lý lao động

Trên cơ sở phương án sản xuất đã xây dựng, Công đoàn tham gia nghiên cứu xác định số lượng và cơ cấu lao động cần thiết, phương án sử dụng lao động hợp lý, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; chủ động nghiên cứu những đặc điểm quy trình công nghệ, yêu cầu kỹ thuật, kế hoạch sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để làm cơ sở tham gia xác định về cơ cấu, số lượng và chất lượng lao động. Tham gia vào quá trình xây dựng định mức lao động và chuẩn bị tốt các điều kiện để người lao động thực hiện được định mức. Tham gia vào việc phân công, bố trí lao động đúng ngành nghề, trình độ chuyên môn, sở trường, năng lực, nguyện vọng của mỗi lao động trẻ. Tham gia vào việc phân loại lao động, tham gia tạo điều kiện làm việc tốt, đảm bảo ATVSLĐ cho CNVC-LĐ.

Tham gia giải quyết việc làm cho lao động trẻ dôi ra.

 Công đoàn cần nắm số lao động trẻ dôi ra qua phân loại, bố trí sử dụng lao động, chủ động tìm hiểu khả năng, tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh của số lao động này để có phương án sắp xếp sử dụng hợp lý, không gây ra những xáo động lớn về tư tưởng trong đội ngũ lao động trẻ. Kiến nghị với lãnh đạo doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ nghề nghiệp cho số lao động trẻ, có trình độ văn hóa, có sức khỏe, nhưng chưa có nghề phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Công đoàn chủ động bàn với lãnh đạo doanh nghiệp tổ chức đa dạng hóa loại hình sản xuất, tìm kiếm, mở mang các hoạt động dịch vụ, công việc phục vụ ngoài nhiệm vụ chính để giải quyết việc làm cho lao động dôi ra, tham gia giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với lao động trẻ thôi việc theo quy định của pháp luật. 

Tham gia xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho lao động trẻ. Động viên, khuyến khích lao động trẻ tích cực học tập nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham gia với chuyên môn xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, nâng cao nhận thức về nghề, những chuẩn mực, giá trị của người lao động, lòng yêu nghề, khả năng sáng tạo tích cực của người lao động. Xây dựng hình ảnh người lao động mới có văn hoá nghề, có tri thức, tay nghề cao, có tác phong công nghiệp, thái độ làm việc chuyên nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, yêu nghề, say mê làm việc và cống hiến. Tổ chức thi nâng bậc hàng năm cho CNVC-LĐ trẻ theo đúng quy định của pháp luật.

Lập các quỹ tương trợ ở doanh nghiệp. 

Công đoàn đề xuất chủ trương thành lập các quỹ tương trợ nghề nghiệp nhằm bảo vệ có hiệu quả việc làm bền vững cho người lao động trước những tác động xã hội của quá trình hội nhập kinh tế thế giới và phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng quỹ có hiệu quả.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ về lao động và việc làm.

Tham gia và kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng lao động trẻ; tham gia và kiểm tra việc xây dựng những tiêu chuẩn tuyển dụng, số lượng và chất lượng lao động cần tuyển dụng đáp ứng yêu cầu công việc; việc thực hiện quy trình và thủ tục tuyển dụng, giao kết hợp đồng lao động với lao động trẻ được tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật. Công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát việc xử lý kỷ luật lao động, cho thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động… Tham gia giải quyết tranh chấp lao động ở doanh nghiệp, tham gia xây dựng và kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy chế của doanh nghiệp, chú trọng nội quy lao động và quy chế xử lý, kỷ luật lao động. 

Tạo việc làm và việc làm bền vững là chìa khóa để phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo và hội nhập xã hội, thúc đẩy việc làm hiệu quả và đầy đủ cho tất cả mọi người trong bối cảnh tăng trưởng và hội nhập. Hơn lúc nào hết, Công đoàn cần khẳng định vị trí, vai trò, chức năng của mình trước vấn đề tạo việc làm và đảm bảo việc làm bền vững cho người lao động nói chung, cho đối tượng lao động trẻ nói riêng tại doanh nghiệp. Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả những vấn đề trên, chắc chắn việc giải quyết việc làm bền vững cho lao động trẻ trong doanh nghiệp của công đoàn cơ sở sẽ mang lại hiệu quả cao.