[In trang]
Nhiều thay đổi về công đoàn, đình công
Thứ năm, 22/09/2016 - 19:58
Trong lần sửa đổi này, Luật Lao động sẽ có những thay đổi căn bản về tiêu chuẩn và quan hệ lao động

Ngày 21/9, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục sơ kết thi hành Luật Lao động 2012, để chuẩn bị sửa đổi bộ luật này trình Quốc hội thông qua vào năm tới. Trong lần sửa đổi này, Luật Lao động sẽ có những thay đổi căn bản về tiêu chuẩn và quan hệ lao động.

Đặc biệt, lần đầu tiên, các quy định về công đoàn độc lập sẽ được đưa vào luật để đồng bộ với các hiệp ước quốc tế Việt Nam tham gia.


Xem xét sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản về tiền lương, chế độ, thời gian làm việc

Không  ít lần Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (Samsung Việt Nam) gửi kiến nghị tới Bộ LĐ-TB&XH về những khó khăn khi thực hiện Luật Lao động 2012. Như về giờ làm thêm, mỗi lao động chỉ được tăng ca không quá 200 giờ/năm (trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm). “Công ty chúng tôi hoạt động theo các đơn đặt hàng, thời gian cao điểm việc làm thêm quá giờ theo quy định không thể tránh khỏi”, ông Han Myoung Sup, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam thừa nhận trong văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH.

Theo Samsung Việt Nam, số giờ làm thêm và thu nhập bình quân của Việt Nam thuộc loại thấp nhất khu vực. Như Nhật Bản thu nhập bình quân 33.000 USD/người/năm cũng cho làm thêm tối đa tới 720 giờ/năm, Hàn Quốc cho 624 giờ/năm, thậm chí Malaysia cho làm thêm tới 1.248 giờ/năm, Thái Lan là 1.728 giờ/năm… Vì vậy, Cty Samsung Việt Nam kiến nghị tăng giờ làm thêm lên 600 giờ/năm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) Hưng Yên lại nhiều lần kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH sửa các quy định về công đoàn. Theo ông Dương, hiện mức phí công đoàn 2% lương tháng là quá cao, trong khi sự hỗ trợ của công đoàn với công nhân và DN không nhiều. Ông nhẩm tính, cả nước có khoảng 5 triệu công đoàn viên, mỗi năm phí nộp lên công đoàn cấp trên khoảng 5.500 tỷ đồng. “Chừng ấy tiền chi gì hết, phải thừa rất nhiều, nên lâu lâu rủ nhau đi chơi là chính, còn có giúp gì cho DN đâu”, ông Dương nói.

Theo báo cáo tổng kết 3 năm (2013-2016) thi hành Luật Lao động của Bộ LĐ-TB&XH, thực tế không ít DN lợi dụng các quy định của pháp luật tự ý chấp dứt hợp đồng lao động, kéo dài thời gian thử việc… nhằm lách các khoản đóng góp (như bảo hiểm xã hội), tận dụng lao động trẻ (như trường hợp Cty Honda Vĩnh Phúc sa thải hàng ngàn lao động mới đây). Cùng với đó, dù đối thoại giữa DN và người lao động (NLĐ) là xu thế trong thời kỳ hội nhập, nhưng việc đối thoại với Việt Nam còn ít, nặng hình thức, chủ yếu diễn ra ở các DN nhà nước.

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Bộ luật Lao động đã bộc lộ rất nhiều vấn đề phải sửa đổi. Đặc biệt các quy định về tiền lương, thỏa ước Lao động tập thể, thời gian làm thêm, đình công, tổ chức công đoàn độc lập... Do đó, việc sửa đổi Luật Lao động không thể chậm trễ thêm nữa.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đánh giá: Luật Lao động hiện hành bước đầu bảo đảm cho quan hệ lao động hài hòa hơn theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Việt Nam- Liên minh châu Âu (EU) sắp có hiệu lực, đặt ra yêu cầu phải hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về lao động. “Quốc hội quyết định sửa đổi, bổ sung Luật Lao động vào năm 2017 là nhằm đáp ứng yêu cầu tiến trình hội nhập đó”, ông Huân nói.

Về quyền tự do lập hội theo cam kết trong TPP, ông Bùi Sỹ Lợi cho hay, khi TPP có hiệu lực, lao động có quyền tự thành lập tổ chức đại diện cho mình. Tổ chức này tồn tại song song, bình đẳng với tổ chức công đoàn hiện nay. “Tổ chức này (công đoàn độc lập - PV) có quyền bảo vệ quyền lợi hội viên. Được tham gia xây dựng chính sách như tổ chức công đoàn, như tham gia ý kiến về kinh phí công đoàn, đóng góp, tiếp nhận các điều kiện kỹ thuật từ ngoài theo quy định. Được đối thoại với chủ sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi hội viên”, ông Lợi nói.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Luật Lao động có 14/17 chương có vấn đề phải chỉnh sửa (gồm nhóm về tiêu chuẩn lao động và nhóm về quan hệ lao động). Trong đó, quy định về đình công còn nhiều tranh luận. Theo luật, đình công là giải pháp cuối cùng giải quyết tranh chấp (sau hòa giải, trọng tài, tòa án), nhưng thực tế, đây đang là giải pháp đầu tiên người lao động chọn khi có tranh chấp với giới chủ. Nếu đúng quy trình các bước, phải mất khoảng 20 ngày mới được đình công, nhưng lao động xem đình công là con đường ngắn nhất để đạt được nguyện vọng của mình, nên tới nay, chưa cuộc đình công nào đúng quy trình.

“Điều này sẽ được nghiên cứu để sửa đổi cho hợp lý. Tuy nhiên, cũng không thể dùng cơ chế để tạo thuận lợi cho đình công, có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của Việt Nam”, ông Huân nói.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho biết, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lần này lên Quốc hội có thể có cả phương án từng được đưa ra khi sửa Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng lên 58 và nam tăng lên 62 tuổi.

CIRD