[In trang]
Hoàn thiện cơ chế "3 bên" góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa
Thứ hai, 01/02/2016 - 10:48
Hiện nay vẫn chưa có một quy định nào ràng buộc các cơ quan này có sự phối hợp thống nhất

Thông qua thực tiễn, quan hệ lao động đã hình thành và từng bước phát triển, đó là mối quan hệ “3 bên” không thể thiếu được giữa người lao động - Nhà nước - người sử dụng lao động. Các chủ thể đại diện cho mối quan hệ “3 bên” là: Cơ quan lao động (Nhà nước), Công đoàn (đại diện người lao động), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Liên minh HTX (đại diện người sử dụng lao động). Mặc dù hiện nay vẫn chưa có một quy định nào ràng buộc các cơ quan này có sự phối hợp thống nhất.


Thông qua thực tiễn, quan hệ lao động đã hình thành và từng bước phát triển, đó là mối quan hệ “3 bên” không thể thiếu được giữa người lao động - Nhà nước - người sử dụng lao động. Các chủ thể đại diện cho mối quan hệ “3 bên” là: Cơ quan lao động (Nhà nước), Công đoàn (đại diện người lao động), Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam và Liên minh HTX (đại diện người sử dụng lao động). Mặc dù hiện nay vẫn chưa có một quy định nào ràng buộc các cơ quan này có sự phối hợp thống nhất. Tuy vậy, cơ chế “3 bên” đã và đang tồn tại như một hiện tượng phổ biến và có tính khách quan, nó đánh dấu sự phát triển của xã hội công nghiệp. Ở nước ta, cơ chế “3 bên” đang cần được hoàn thiện.

Có thể nói trong quá trình lao động sản xuất, các chủ thể kinh tế có thuê mướn, sử dụng lao động đã làm xuất hiện mối quan hệ “3 bên”. Xã hội càng phát triển thì mối quan hệ này càng chặt chẽ. Ở nước ta, Bộ luật Lao động đã thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về lao động, về sử dụng và quản lý lao động; quy định quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động; bảo vệ quyền làm việc, lợi ích và các quyền khác của người lao động, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tạo điều kiện cho quan hệ lao động được hài hòa và ổn định, góp phần phát huy trí sáng tạo và tài năng của người lao động, người sử dụng lao động, nhằm đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả lao động.

Theo chúng tôi để xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp. Các bên phải phát huy vai trò, vị trí phối hợp thực hiện các nhiệm vụ cơ bản của mình.

Một là, cơ quan quản lý nhà nước về lao động phải chủ trì và phối hợp với Công đoàn, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động, chú trọng các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có nhiều khả năng xảy ra tranh chấp, đình công; tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp, nhất là việc thương lượng và ký kết thoả ước lao động tập thể, xây dựng và đăng ký thang lương, bảng lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; hướng dẫn công tác hoà giải lao động; kịp thời giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể về quyền theo đúng quy định của pháp luật; định hướng hoạt động dạy nghề, gắn liền với giáo dục pháp luật và ý thức, tác phong lao động công nghiệp cho người lao động; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra lao động, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật lao động; tham mưu thành lập Uỷ ban Quan hệ lao động; xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động “3 bên” giữa đại diện người lao động, đại diện người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động.

Hai là, cơ quan đại diện người lao động cần có kế hoạch cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn. Đào tạo nâng cao năng lực hoạt động, kỹ năng đàm phán, thương lượng cho cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp. Xây dựng tổ chức công đoàn thực sự là người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Phát triển tổ chức công đoàn và đoàn viên trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế ngoài nhà nước. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật lao động, Luật Công đoàn cho người lao động. Chỉ đạo công đoàn các cấp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật lao động và phối hợp với các bên liên quan giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.

Ba là, cơ quan đại diện người sử dụng lao động có kế hoạch và định kỳ tổ chức gặp gỡ, làm việc với người sử dụng lao động trên địa bàn để nghe ý kiến và phản ánh kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp cho các cơ quan chức năng. Hướng dẫn các quy định của pháp luật có liên quan cho người sử dụng lao động, đồng thời đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người sử dụng lao động trong việc tham gia giải quyết các cuộc đình công không đúng trình tự pháp luật quy định.

Với vị trí và vai trò nêu trên, các cơ quan, đơn vị đại diện “3 bên” phải cùng xây dựng và thông qua chương trình phối hợp hằng năm nhằm góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khoá X) về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Nhìn lại một năm thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư cho thấy trước khi có Chỉ thị này tình hình doanh nghiệp chấp hành pháp luật lao động tuy có chuyển biến, nhưng còn chậm, một số doanh nghiệp thực hiện pháp luật lao động chưa nghiêm túc. Quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chậm được cải thiện, tranh chấp lao động diễn ra ngày càng nhiều, đình công không đúng trình tự pháp luật diễn ra với quy mô, tính chất ngày càng lớn, phức tạp. Quan hệ cung cầu lao động mất cân đối, tình trạng chuyển dịch lao động diễn ra mạnh, với tỷ lệ chuyển dịch ngày càng cao cho thấy tính ổn định về nhân lực trong từng doanh nghiệp không cao, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Sau khi được quán triệt Chỉ thị số 22 của Ban Bí thư TW, các cấp uỷ đảng, chính quyền, công đoàn các cấp và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công nhân; tổ chức có hiệu quả, thiết thực cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn cuộc vận động với việc xây dựng nếp sống văn hoá trong công nhân và người lao động; tổ chức cho công nhân tham gia xây dựng Đảng. Các ngành chức năng tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, học tập pháp luật lao động, pháp luật có liên quan của Nhà nước và Công ước Quốc tế về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong quan hệ lao động, việc làm, tiền lương, qua đó huy động ngày càng nhiều doanh nghiệp và người lao động tham gia. Nhiều nơi, người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh lên diễn đàn đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động ngày càng được các cấp chính quyền và doanh nghiệp quan tâm. Chương trình giải quyết việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo và sử dụng được nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả. Chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được triển khai kịp thời, bảo đảm được quyền tham gia của doanh nghiệp và lợi ích của người lao động. Lực lượng thanh tra lao động được củng cố và tăng cường, đã tiến hành thanh tra theo chuyên đề, hướng dẫn các doanh nghiệp tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động. Nhiều địa phương hình thành và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình Trung tâm Trợ giúp pháp lý. Phong trào xây dựng văn hoá doanh nghiệp, Chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp bắt đầu được khởi động ở các tỉnh, thành phố lớn, khu công nghiệp tập trung.

Những kết quả bước đầu nêu trên đã thực sự góp phần cải thiện quan hệ lao động trong các doanh nghiệp. Kết quả này tuy chưa được nhiều so với mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, song nó cũng cho thấy dấu hiệu tích cực, tạo đà cho những năm tiếp theo. Mặc khác, đã thúc đẩy quan hệ phối hợp giữa “3 bên” ngày càng chặt chẽ hơn. Trong thời gian qua, các cơ quan đại diện cho “3 bên” đã có nhiều hoạt động và phối hợp hoạt động trong một số nội dung như: giải quyết đình công, tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp, tổ chức các hội nghị tập huấn, hướng dẫn pháp luật lao động, tổ chức các hội thảo để lấy ý kiến đề xuất chính sách về tiền lương, nhà ở, cải thiện điều kiện làm việc... 

Để hoàn thiện cơ chế “3 bên”, theo chúng tôi nhà nước cần xem xét luật hoá nội dung quan hệ “3 bên” trong Bộ luật Lao động, nếu chưa đưa vào luật được ngay thì cũng cần xem xét ban hành Nghị định của chính phủ về vấn đề này. Mặc khác, đề nghị Chính phủ xem xét thành lập Uỷ ban Quan hệ lao động ở Trung ương và cho phép thành lập Uỷ ban Quan hệ lao động cấp tỉnh ở một số địa phương phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ.