[In trang]
“Cây sáng kiến” của Nhà máy Cán thép Thái Nguyên
Thứ hai, 19/09/2016 - 07:26
Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng kỹ sư Trần Đức Mạnh đã là Trưởng phòng Kỹ thuật – công nghệ Nhà máy Cán thép Thái Nguyên

Dù tuổi đời còn khá trẻ nhưng kỹ sư Trần Đức Mạnh đã là Trưởng phòng Kỹ thuật – công nghệ Nhà máy Cán thép Thái Nguyên. Đặc biệt, kỹ sư Mạnh còn sở hữu một gia tài khá đồ sộ sáng kiến phục vụ công tác sản xuất, làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng.

 

Kỹ sư Trần Đức Mạnh say mê nghiên cứu cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản xuất

Tốt nghiệp Khoa Cơ học biến dạng và Cán kim loại (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), anh Trần Đức Mạnh bắt đầu công tác tại Phân xưởng cán thép Nhà máy Cán thép Thái Nguyên từ tháng 10/2006. Bước qua những khó khăn bỡ ngỡ ban đầu để thích nghi với công việc, kỹ sư Mạnh không những nhanh chóng thích nghi nhập cuộc mà còn liên tục đưa ra những sáng kiến mới cải tiến công nghệ tại nhà máy.

Chỉ trong 4 năm đầu công tác, Đức Mạnh đã có tới 15 sáng kiến, làm lợi cho nhà máy ước tính lên đến 2,5 tỷ đồng. Nói đến Mạnh là nói đến những nghiên cứu cải tiến có giá trị như: Thiết kế hệ thống lỗ hình, công nghệ sản xuất sản phẩm D8, D10, D12, d8 –T bằng phối 150.150 mm trên dây chuyền thiết kế cho phôi 120.120mm, 130.130mm; nâng cao năng suất sản xuất từ 50 tấn/giờ lên khoảng 70 tấn/giờ; Sáng kiến thiết kế hệ thống lỗ hình trung gian dùng chung cho các loại sản phẩm thép cán của nhà máy…

Chia sẻ bí quyết để liên tiếp có những sáng kiến mới, anh Mạnh cho biết: Trong suốt quá trình công tác tại đơn vị, anh luôn tìm tòi, tích lũy dần kiến thức qua nhiều vị trí công việc, từ thợ vận hành sản nguội, thợ nung lò, thợ điều chỉnh thép cán, kỹ thuật viên phân xưởng, phó quản đốc phân xưởng… cho đến hiện tại đang là Trưởng phòng Kỹ thuật – Công nghệ của Nhà máy Cán thép Thái Nguyên. “Mỗi vị trí đều đem đến cho mình những kinh nghiệm hữu ích để dần có cái nhìn tổng quan về cả dây chuyền sản xuất, nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của dây chuyền; từ đó tìm ra phương án, hình thức để khắc phục cải tiến chất lượng sản phẩm. Cứ thế, những sáng kiến thay đổi cải tiến cách thức sản xuất, phương pháp công nghệ mới được cho ra đời liên tục. Mình vẫn đang tiếp tục nỗ lực, cố gắng để công tác sản xuất ngày một hoàn thiện, năng suất tăng, chất lượng tốt, anh em công nhân đỡ vất vả” - kỹ sư Mạnh chia sẻ.

Trong năm 2015 - 2016, anh Mạnh đã cho “ra đời” thêm 3 sáng kiến, thiết kế chế tạo hộp dẫn vào K6, thiết kế chế tạo hệ thống vận chuyển xe gòong vận chuyển thép thanh, thiết kế chế tạo hệ thống chống phôi 2 lớp rơi xuống con lăn sàn nạp phôi. Trong đó, việc thiết kế hộp dẫn vào K6 đã giúp giảm chỉ tiêu con lăn dẫn đỡ, giúp chủ động được vật tư, sửa chữa trong sản xuất, làm lợi cho đơn vị xấp xỉ 93 triệu đồng/năm. Thiết kế, chế tạo hệ thống vận chuyển xe goòng đã giúp tận dùng các vật tư thu hồi, giảm chi phí vận chuyển, thuận tiện cho bán hàng bằng đường tàu hỏa, giúp tiết kiệm được 60 triệu đồng. Riêng quá trình sản phôi nóng được cẩu trực tiếp lên sản nạp, phôi bị chồng thành 2 – 3 lớp, quá trình vận hành chuyền phôi vào lò rất dễ bị sự cố phôi rơi ngoài khu vực. Từ khi áp dụng giải pháp chống phôi 2 lớp của anh Mạnh đã giúp không còn sự cố phôi rơi ra ngoài, an toàn cho người và thiết bị, giảm thiểu sự cố, tăng hiệu quả sản xuất. Sáng kiến này cũng được ước tính làm lợi cho đơn vị trên 60 triệu đồng.

Với những đóng góp của mình, kỹ sư Trần Đức Mạnh đã liên tiếp được nhận Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động từ năm 2009 – 2015 và 5 năm liền là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở (2010 – 2015).

Nhà máy Cán thép Thái Nguyên là đơn vị có bề dày thành tích trong phong trào lao động sáng tạo tiết kiệm và cũng là 1 trong những đơn vị thành lập Hội đồng sáng kiến Tiết kiệm sớm nhất của Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Anh Trần Đức Mạnh hiện được giao giữ chức thường trực của Hội đồng sáng kiến tiết kiệm này.

 

Nguồn Báo CT