[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 06/9
Thứ tư, 07/09/2016 - 08:40
Trong ngày 06 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước

Trong ngày 06 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Hàng loạt sai phạm tại Petrolimex; Tìm 269.000 tỉ đồng cho ngành than; Bộ Công Thương sẽ thay đổi một loạt nhân sự quan trọng; Doanh nghiệp xuất khẩu "mất ngủ" vì đại gia vận tải biển phá sản; Miền Nam căng thẳng điện vì ngừng cấp khí Nam Côn Sơn; Nhập khẩu ô tô: Bỏ Thông tư 20 lại ưu ái cho nhà sản xuất ngoại; Hải quan gặp khó với quy định tạm nhập, tái xuất.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Sai phạm tại Petrolimex.


Trích lập Quỹ bình ổn không đúng đối tượng, đầu tư ngoài ngành không đúng quy định, vi phạm trong việc quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước... là những nội dung Thanh tra Chính phủ công bố đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ đã “điểm huyệt” hàng loạt khuyết điểm, vi phạm trong việc quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước của Petrolimex và liên Bộ Tài chính - Công Thương. Cụ thể, quá trình thực hiện Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15-9-2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, trong thời gian từ tháng 1-2010 đến tháng 6-2013, khi xây dựng giá cơ sở để quyết định giá bán lẻ xăng dầu, Petrolimex và liên Bộ Tài chính - Công Thương đã đưa chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm vào giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu theo mức cố định, thiếu cơ sở, cao hơn chi phí thực tế của Petrolimex.

2. Tìm 269.000 tỉ đồng cho ngành than.

Theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 lên đến hơn 269.000 tỉ đồng. Dự kiến sẽ thu xếp từ vốn tự có, vốn thương mại, vay ưu đãi, huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), cho biết hiện ngành than đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trước hết, ngày càng khai thác xuống sâu dưới lòng đất, vận tải ngày càng xa nên chi phí cho ngành sẽ rất lớn. Với những nhiệm vụ mà ngành than phải thực hiện, theo Bộ Công Thương, nhu cầu đầu tư vốn cho ngành này rất lớn. Giải pháp là đa dạng hóa hình thức huy động; tập trung thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng như hệ thống vận chuyển, các cảng biển…

Giải thích thêm về nguồn vốn cho ngành than, ông Lê Văn Duẩn, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin, cho rằng bình quân mỗi năm phải đầu tư 18.000 tỉ đồng để ngành than bảo đảm an ninh năng lượng.

Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cần chia sẻ với ngành than về câu chuyện vốn đầu tư bởi nhiệm vụ Chính phủ giao cho ngành này là phải xây dựng 48 mỏ than mới. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Chính phủ phải có cách hỗ trợ về vốn như trái phiếu, vốn ODA, vốn song phương… Tuy nhiên, do ngành than còn nhiều yếu kém bởi hậu quả của thời kỳ bao cấp để lại nên cần cân nhắc những giải pháp khắc phục để nâng cao năng suất lao động, tránh lãng phí vốn đầu tư. 

3. Bộ Công Thương sẽ thay đổi một loạt nhân sự quan trọng.


Kế hoạch rà soát bộ máy hành chính nhân sự của Bộ Công Thương đang triển khai, một số vị trí chủ chốt đứng đầu vụ, cục sẽ được điều chuyển, bố trí công việc phù hợp hơn hoặc bãi nhiệm.

Theo dự kiến, danh sách nhân sự sẽ được lãnh đạo Bộ chốt và công bố ngay trong tháng 9 này. "Cải cách bộ máy hành chính là cấp bách cần làm ngay, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc cải cách nhân sự được tiến hành công khai, minh bạch đúng quy định nhằm đảm bảo bộ máy được vận hành hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội", thông điệp của Bộ Công Thương nêu rõ.

Ngoài việc cải cách bộ máy nhân sự, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát một loạt các văn bản pháp luật, quy chế quản lý bị đánh giá là chưa thực sự thông thoáng, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tận dụng được cơ hội do hội nhập mang lại.

4. Doanh nghiệp xuất khẩu "mất ngủ" vì đại gia vận tải biển phá sản.

Việc đệ đơn phá sản của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.

 

Theo Bộ Công Thương, việc đệ đơn phá sản của Hãng tàu biển Hanjin Shipping Global (Hàn Quốc) đã, đang và sẽ có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, một số doanh nghiệp Việt Nam đã phản ánh gặp khó khăn không nhỏ. Với thị phần chiếm khoảng 5%, việc Hanjin phá sản cũng khiến tất cả các ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động. Ngoài ra, nhiều trường hợp, hàng đang long đong trên biển và không biết có lấy được không bởi hiện nhiều cảng trên thế giới đã không cho tàu Hanjin cập cảng hoặc đã thu giữ tàu.

Bộ Công Thương cho biết sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chỉ đạo các cảng vụ có phương án bố trí phương tiện hợp lý và điều tiết kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng hóa và gây ùn tắc tại các cảng biển.

5. Miền Nam căng thẳng điện vì ngừng cấp khí Nam Côn Sơn.

Tập đoàn điện lực (EVN) đã lên kế hoạch huy động nguồn điện để bù đắp trong thời gian hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn sẽ giảm, ngừng cấp..

 

EVN đã chuẩn bị các phương án vận hành như: hỗ trợ công suất từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam; huy động tối đa các nguồn nhiệt điện than; chuẩn bị phương án huy động các tổ máy chạy khí sang chạy dầu DO (nhiên liệu phụ), huy động thêm các tổ máy chạy dầu (FO) và tuabin khí chạy dầu; tích nước các hồ thủy điện để có thể huy động tối đa trong thời gian này.

Với các giải pháp nêu trên, EVN cho hay việc cung cấp điện cho miền Nam được đảm bảo nhưng sẽ vận hành trong tình trạng căng thẳng. 

6. Nhập khẩu ô tô: Bỏ Thông tư 20 lại ưu ái cho nhà sản xuất ngoại.

VCCI cho rằng Dự thảo quy định về xe nhập khẩu của Bộ GTVT đã trao một thương quyền quá lớn cho các nhà sản xuất tại nước ngoài.

Góp ý về Dự thảo Thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu của Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đề xuất bỏ quy định hồ sơ xe nhập khẩu phải có "Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu” hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng".

Sở dĩ VCCI đưa ra đề xuất này vì nhận thấy, trong các trường hợp xe phải kiểm tra thực tế tại Việt Nam, quy định này trong Dự thảo là không cần thiết, gây khó khăn, phức tạp về thủ tục hành chính, không có tác dụng bảo đảm chất lượng xe theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cũng theo VCCI, yêu cầu có “Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất” hoặc “Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng” đối với mọi phương thức kiểm tra gây ra khó khăn, thậm chí đến mức không thể đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua phân phối.

7. Hải quan gặp khó với quy định tạm nhập, tái xuất.


Theo đánh giá của các chuyên gia, kinh doanh tạm nhập tái xuất là hoạt động còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về buôn lậu, gian lận thương mại, gây tồn đọng lớn hàng hoá, nhất là hàng cấm, nguy hại tới môi trường. Trong khi đó, hoạt động quản lý của hải quan còn gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định hiện hành về tạm nhập tái xuất.

Theo kết luận thanh tra về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong hoạt động tạm nhập tái xuất của Bộ Công Thương do Thanh tra Chính phủ công bố mới đây cho thấy, việc kiểm tra xác suất “luồng đỏ” với hàng hóa tạm nhập, tái xuất chiếm tỷ lệ rất thấp, có đơn vị không có container phải kiểm tra. Thực tế, hàng tạm nhập tái xuất thường được đi qua “luồng xanh” nên kể cả những mặt hàng rủi ro cao cũng không ít bị kiểm soát trực tiếp như hàng rơi vào “luồng đỏ”. Do đó không hiếm trường hợp hàng hóa này khai là hàng hóa khác vẫn “qua ải”.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật cũng gây khó khăn cho cơ quan hải quan khi kiểm tra, giám sát hoạt động này. Tới thời điểm hiện nay, Bộ Công Thương thiếu văn bản bổ sung chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động tạm nhập tái xuất theo hướng tăng nặng; thiếu văn bản yêu cầu doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan báo cáo tình trạng vi phạm, kết quả kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý và thu hồi mã số kinh doanh nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.

8. Lọc hóa dầu Dung Quất được tự chủ tài chính.


Ngày 3/9, Thủ tướng ký Quyết định số 1725/QĐ-TTg về việc đồng ý chấp thuận cho Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) được hoạt động theo cơ chế tự chủ kể từ ngày 1/1/2017. Đây là cơ hội hay thách thức của BSR?

Ông Trần Ngọc Nguyên - Tổng Giám đốc BSR cho rằng, với cơ chế này, chắc chắn các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước sẽ mua hàng của BSR chứ không phải đi mua hàng nhập khẩu vì chi phí vận chuyển và bảo hiểm nếu mua từ Dung Quất sẽ rẻ hơn, được thanh toán bằng VND và đặc biệt sẽ được nộp thuế sau 30 ngày thay vì phải nộp thuế ngay nếu nhập khẩu.

Cũng theo ông Nguyên: “Việc được hoạt động theo cơ chế tự chủ cũng là cơ hội để chúng tôi minh bạch hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo tiền đề trong việc thu hút vốn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi BSR sẽ IPO vào cuối năm 2017 theo lộ trình Chính phủ đặt ra”.

Cùng với vấn đề hoạt động theo cơ chế tự chủ, BSR và Nhà máy lọc dầu Dung Quất được Chính phủ cam kết ưu đãi về giá bán, bao tiêu sản phẩm.

Theo Bộ Tài chính, với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, việc xử lý những cam kết với nhà đầu tư dự án này như thế nào thuộc trách nhiệm Bộ Công Thương. Bộ Tài chính chỉ đưa ra những đánh giá và cảnh báo. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng hồi tháng 3/2015, đề nghị hệ thống giải pháp trên nguyên tắc không vi phạm các cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư, các hiệp định quốc tế; không vi phạm các cam kết chống phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu và sản xuất nội địa; không dùng ngân sách bù lỗ cho doanh nghiệp; giảm thiểu tác động của các cam kết tới ngân sách. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)