[In trang]
Đối thoại xã hội tại các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ở châu Âu
Thứ sáu, 12/08/2016 - 08:41
Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (DNN&SN) chiếm gần 99% tổng số DN tư nhân ở châu Âu, tạo hơn một nửa tổng số việc làm trong khu vực tư nhân

Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (DNN&SN) chiếm gần 99% tổng số DN tư nhân ở châu Âu, tạo hơn một nửa tổng số việc làm trong khu vực tư nhân và có đóng góp quan trọng trong tạo việc làm mới. 

Eurofound (Quỹ châu Âu về Cải thiện sinh hoạt và điều kiện lao động) đã tiến hành một nghiên cứu về quan hệ lao động và đối thoại xã hội trong các DNN&SN.

Dưới đây là một số phát hiện đáng chú ý

- Việc xác định đại diện người lao động khi tham gia đối thoại xã hội tại các DNN&SN là bước đầu tiên và được quy định trong pháp luật các nước. Hai hình thức chủ yếu của đại diện người lao động là: (1) do người lao động bầu trực tiếp hoặc (2) do người lao động bầu từ đại diện công đoàn tại nơi làm việc của mình. Việc bầu đại diện người lao động được quy định khi DN có từ 3 lao động trở lên (Cộng hòa Séc) hoặc nhiều hơn tùy theo quy định từng nước.

- Các DNN&SN ít được bao phủ bởi thỏa ước lao động tập thể hơn các DN lớn bởi quy mô và cấu trúc đại diện (Đức). Tương tự, đối thoại xã hội thực hiện thường xuyên hơn ở các DN nhỏ so với các DN siêu nhỏ (Tây Ban Nha).

- Nội dung của đối thoại xã hội là các vấn đề thường xuyên được thảo luận bao gồm: tiền lương, đào tạo, an toàn lao động (Pháp); an toàn vệ sinh lao động (Hà Lan); tiền lương, hợp đồng lao động (Thụy Điển); bảo hộ lao động 

(Latvia); làm việc linh hoạt, đào tạo, an toàn vệ sinh lao động (Slovenia)…

- Chất lượng đối thoại xã hội tùy thuộc vào đánh giá của từng quốc gia. Tại Bun-ga-ri (chẳng hạn) đánh giá đối thoại xã hội là rất tích cực. Đối thoại xã hội là cơ hội tốt cho việc thông tin và tham vấn, là cơ hội cho phép người lao động thảo luận về quan hệ lao động và việc làm, cũng như được thông tin và bày tỏ quan điểm của mình. Ngược lại, có những quốc gia lại đánh giá tiêu cực về đối thoại xã hội. Ở Ba Lan, đối thoại xã hội chỉ được tiến hành trên quy mô rất hạn chế vì tỷ lệ công đoàn rất thấp và tỷ lệ tổ chức đại diện người sử dụng lao động giảm.

Một số trường hợp cụ thể về đối thoại xã hội hiệu quả của một số nước

Đức: Mức độ bao phủ của công đoàn thấp nhưng đối thoại xã hội và đại diện về lợi ích có ảnh hưởng mạnh mẽ ở các cấp khác nhau

Mặc dù việc thiết lập tổ chức đại diện cho nngười lao động (Hội đồng lao động - HĐLĐ) chỉ yêu cầu tối thiểu 5 nhân viên, thủ tục bầu cử được đơn giản hóa, tuy nhiên, tỷ lệ HĐLĐ ở các DNN&SN vẫn còn rất thấp; chỉ có khoảng 10% người lao động và 6% các DN có từ 5 đến 50 lao động chịu ảnh hưởng của Hội đồng này.

Trái ngược với tỉ lệ bao phủ thấp của công đoàn và HĐLĐ, thỏa thuận về điều kiện làm việc không yêu cầu thành lập HĐLĐ hoặc tham gia công đoàn mà là kết quả trực tiếp của thương lượng tập thể và đối thoại xã hội giữa người lao động và các tổ chức công đoàn ở cấp ngành. Tiền lương và các thỏa thuận khung tại Đức đều được ký kết theo hệ thống thương lượng trên.

Ngay cả các DN không thuộc vùng bao phủ chính thức của kết quả thương lượng ngành (38% các DN siêu nhỏ, 55% các DN nhỏ ở Tây Đức và 44% -48% ở Đông Đức) cũng vẫn định hướng các thỏa thuận cấp DN theo kết quả này. Ngoài mức lương, các khía cạnh mà các DN thường xuyên áp dụng nhất là thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi.

Tây Ban Nha: Tham khảo kết quả thương lượng cấp ngành và cấp khu vực

Tỉ lệ tham gia công đoàn ở Tây Ban Nha được ước tính là thấp hơn 20% (Ủy ban châu Âu, 2013). Theo Điều tra quốc gia về chất lượng cuộc sống tại nơi làm việc (ECVT), trong năm 2010 có khoảng 58% người lao động làm việc trong các DN nhỏ và 32% người lao động trong DN siêu nhỏ có đại biểu của mình. Những con số cho thấy sự tham gia của các DNN&SN trong quan hệ lao động là tương đối cao liên quan đến tỉ lệ các DN tham gia tổ chức của người sử dụng lao động là hơn 70% và tỉ lệ các DN có thoả ước lao động tập thể là khoảng 90%.

Thương lượng cấp ngành và cấp khu vực thiết lập như lưới an toàn hoặc nguồn tham khảo để thỏa thuận về điều kiện làm việc ở cấp DN. Tất cả các khía cạnh không nằm trong thỏa thuận nội bộ của DN sẽ áp dụng theo các thoả ước lao động tập thể cấp ngành và cấp khu vực.

Đan Mạch: Hợp tác và đối thoại xã hội là một cấu phần được xây dựng trong khuôn khổ của quan hệ lao động

Hợp tác và đối thoại xã hội là truyền thống lâu đời ở Đan Mạch, mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Tỉ lệ tham gia công đoàn, tỉ lệ tham gia các tổ chức của người sử dụng lao động cũng như tỉ lệ các DNN&SN được có thỏa ước ở Đan Mạch tương đối cao.

Theo quy định ở hầu hết các thoả ước lao động tập thể ngành (không được quy định bởi luật), các DN có hơn 5 người lao động có thể bầu một đại diện cho mình. Người này không chỉ đại diện người lao động mà còn đại diện công đoàn trong DN, thực hiện chức năng đại diện của công đoàn (đàm phán nhân danh công đoàn). Tỉ lệ DNN&SN có đại diện lao động khá cao: 35% (DN siêu nhỏ với 5 - 9 LĐ), 69% (DN nhỏ với 20 - 49 LĐ) và 57% (DN có 10 -19 LĐ).

Thỏa ước tập thể trong các DNN&SN tuân theo quy định của thỏa ước ngành và được bổ sung bởi quá trình thương lượng hàng năm tại DN (nếu có sự đồng thuận của cả người lao động và người sử dụng lao động), do đó vai trò của đại diện người lao động là rất quan trọng với sự hiểu biết về thực tế tại DN. Trên thực tế, tỉ lệ DN có thỏa ước ở Đan Mạch rất cao: khoảng 67% (DN có 5 - 9 LĐ); khoảng 74% (DN có từ 10 - 19 LĐ) và 82% (DN có 20 - 49 LĐ).

CIRD