[In trang]
Nhật ký miền Trung (phần 2)
Thứ bảy, 04/01/2014 - 09:47
Ngày thứ hai của cuộc hành trình, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lý Quốc Hùng nói vui nhưng cũng là mệnh lệnh: Chúng ta học tập cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp “hành quân thần tốc”, đảm bảo đến các điểm nóng cần hỗ trợ được nhanh nhất và đặc biệt là không để những nơi mình đến phải mất thời gian tiếp đón. Và thế là sáng sớm chúng tôi lại lên đường.
Ngày thứ hai của cuộc hành trình, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lý Quốc Hùng nói vui nhưng cũng là mệnh lệnh: Chúng ta học tập cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp “hành quân thần tốc”, đảm bảo đến các điểm nóng cần hỗ trợ được nhanh nhất và đặc biệt là không để những nơi mình đến phải mất thời gian tiếp đón. Và thế là sáng sớm chúng tôi lại lên đường.

Ngày thứ hai

Mất trắng hàng nghìn hec ta “cây ATM”

Quảng Bình là trung tâm của cơn bão số 10 với gần 5 giờ bão hoành hành. Bão đi, cảnh vật điêu tàn còn lại. Khắp nơi cây cối đổ ngổn ngang. Các tòa nhà tốc mái, kính rơi nát vụn. Ông Lê Thuận Văn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Bình đau xót cho biết, ước tính thiệt hại của Quảng Bình vào khoảng hơn 8.100 tỉ đồng, tương đương với 4 năm, nhân dân Quảng Bình chỉ làm việc mà không được ăn. Đại đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều bị thiệt hại nặng nề. Thời điểm chúng tôi đến là đã 8 ngày sau bão, nhưng mới chỉ có một công ty bia đi vào sản xuất trở lại, còn tất cả các doanh nghiệp khác vẫn tiếp tục dọn dẹp, sửa chữa lại cơ sở sản xuất, mức thiệt hại sau bão còn to lớn hơn nhiều.

Bên cạnh các công trình về điện, đường, trường, trạm bị hư hỏng nặng thì ngành Nông nghiệp Quảng Bình chịu ảnh hưởng nặng nhất với hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng, đặc biệt có tới 13.797 ha cao su bị bão vặn gãy ngang thân, đổ rạp, thiệt hại hơn 2.259 tỉ đồng. Ông Văn cho biết, Quảng Bình vẫn gọi cây cao su là “cây ATM”, bởi sáng cạo mủ cao su, chiều là có tiền. “Cây ATM” đã mang lại cuộc sống sung túc cho biết bao gia đình thì sau bão số 10, những vườn cao su đổ nát lại là món nợ khổng lồ của ngần ấy gia đình khi họ đã đầu tư hàng tỉ đồng vào vườn cao su từ vốn vay ngân hàng. Biết bao gia đình từ Quảng Bình vào Quảng Trị khóc ròng trên vườn cao su, với nỗi lo gánh nợ trên vai.
 

Rừng cây cao su bị bão vặn đổ ngang thân


Tiếc là thời gian có hạn, chúng tôi không thể đến trực tiếp được một gia đình nào để chia sẻ thiệt hại mà chỉ nghe con số thống kê cũng có thể hình dung ra được nỗi tuyệt vọng của bà con nơi đây. Khó càng chồng thêm khó. Nghèo lại càng thêm nghèo.

Tiếp nhận 30 triệu đồng từ Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam cho CNVC LĐLĐ tỉnh, 50 triệu đồng cho nhân dân tỉnh và 15 triệu đồng cho Sở Công Thương tỉnh, ông Lê Hùng Phi - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã rất cảm động vì sự quan tâm của CBCNV ngành Công Thương đến Quảng Bình nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung trong đợt bão lũ lịch sử vừa qua. Sự quan tâm chia sẻ của ngành Công Thương cũng là động lực to lớn để nhân dân Quảng Bình đứng dậy, khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân.
 

Ông Lý Quốc Hùng trao quà cho UBND tỉnh Quảng Trị


Rời Quảng Bình, chúng tôi chạy tiếp vào Quảng Trị. Hai bên đường, cây cối tả tơi, đổ rạp, bật gốc. Dọc đường quốc lộ 1A, các cột điện bằng bê tông cốt thép cũng bị quật đổ, các trạm xăng tốc mái là cảnh không hiếm. Qua rừng cao su của huyện Gio Linh, tận mắt chứng kiến vườn cao su bị phạt ngang thân, người dân thì lặng lẽ đi thu gom những cành cây gãy đổ về làm củi, tôi càng thấm thía nỗi đau không gì có thể diễn tả được của những người nông dân trồng “cây ATM” – loại cây đã phần nào thay đổi bộ mặt của Quảng Bình và Quảng Trị, thay đổi cơ cấu cây trồng của hai tỉnh này trong những năm qua.
 

Cột điện đổ ngổn ngang trên quốc lộ

Tại Quảng Trị, tình hình cũng tương tự như ở Quảng Bình với hơn 8.000 ha cao su bị phạt đổ ngang thân, nhưng thiệt hại lớn nhất là tại Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị. Hàng chục ngôi nhà bị tốc mái, đời sống công nhân rất khó khăn. Vì thế, các hỗ trợ cũng được ưu tiên chuyển về đây sớm nhất có thể.

Khẩn trương khắc phục hậu quả

Liên tục trong 2 ngày qua, những nơi Đoàn chúng tôi đi qua đều có thành lập Ban tiếp nhận hỗ trợ và khi nguồn tiền đổ về, lập tức được phân chia đến các cơ sở cần được hỗ trợ. Biết là tiền hỗ trợ chỉ như “muối bỏ bể” so với những mất mát to lớn về người và của của đồng bào miền Trung, nhưng với tấm lòng “lá lành đùm lá rách”, nhân dân cả nước đều hướng về miền Trung với sự sẻ chia chân thành, thiết thực.
 

Ông Lý Quốc Hùng trao quà cho Sở Công Thương Quảng Trị

Lãnh đạo các cơ quan ban ngành các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão đều làm việc hết công suất, làm thế nào để trong thời gian ngắn nhất, hỗ trợ tối đa để người dân có thể ổn định cuộc sống. Tại Quảng Bình, tất cả các lực lượng đoàn thể đều chia nhau ra hỗ trợ các đơn vị trường học, tổng vệ sinh nhà cửa, thu gom quần áo, sách vở để ngày 7/10, toàn bộ 100% các trường học đã mở cửa trở lại. Các trường bị sập hoặc tốc mái, học sinh được huy động đến học tại các trường PTCS, hoặc các nhà văn hóa thôn, xã… Riêng đối với các hộ trồng cao su, LĐLĐ cũng kiến nghị ngân hàng tỉnh khoanh nợ và tiếp tục cho người nông dân vay vốn, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp…
 

Trạm xăng 27/7 bị tốc mái

Tại Quảng Trị, khi tỉnh thành lập đoàn cứu trợ, LĐLĐ đã xin phép lập đoàn riêng để cùng lúc có thể đi cứu trợ được nhiều nơi. Toàn bộ lực lượng được huy động để giúp các đơn vị chịu thiệt hại nặng nề nhất nhanh chóng ổn định.

Chia sẻ cùng Quảng Bình, Quảng Trị, Chủ tịch Lý Quốc Hùng đánh giá cao sự nỗ lực của các tỉnh, đồng thời khẳng định, Bộ Công Thương, Công đoàn Công Thương Việt Nam luôn sát cánh cùng người lao động cả nước, động viên người lao động vượt qua khó khăn, cùng đoàn kết bên nhau để sớm ổn định kinh tế xã hội trên địa bàn các tỉnh.

Rời Quảng Trị, toàn bộ thời gian còn lại của buổi chiều xe chạy về Hà Tĩnh. Ngày mai, Đoàn tiếp tục làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, Thanh Hóa để kết thúc cuộc hành trình đầy ý nghĩa này.

(còn nữa)


                                                                                                         Hồ Nga