[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 21/7
Thứ năm, 21/07/2016 - 20:50
Trong ngày 21 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước

Trong ngày 21 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Ô tô nhập khẩu náo loạn vì bế tắc; Đảm bảo lành mạnh thị trường tôn thép; Tạo khan hiếm ảo đẩy giá đường tăng cao; Đề nghị điện, nước đầu tư hệ thống hạ tầng; Tư thương Trung Quốc thao túng thị trường, thanh long rớt giá thảm hại; Kiểm toán nêu bức tranh tài chính 38 tập đoàn, tổng công ty.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Ô tô nhập khẩu náo loạn vì bế tắc.

Trên Vietnamnet 21/7 đưa tin: Những quy định tại Thông tư 20 về nhập khẩu xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống có bị bãi bỏ hay không đến giờ vẫn chưa rõ ràng - điều này khiến cả doanh nghiệp ô tô lẫn cơ quan quản lý, người tiêu dùng đều bối rối.

Ngày 15/7, Tổng cục Hải quan đã có công văn thúc giục Bộ Công Thương nhanh chóng có câu trả lời về Thông tư 20/2011/TT-BTC quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống có còn hiệu lực áp dụng nữa hay không.

Bài viết phản ánh do chính sách không rõ ràng không chỉ khiến cơ quan quản lý bị động mà ngay thị trường cũng méo mó, cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều bối rối không biết đâu mà lần, gánh chịu nguy cơ rủi ro cao.

2. Đảm bảo lành mạnh thị trường tôn thép.

Quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với các mặt hàng tôn mạ màu nhập khẩu vào Việt Nam cho thấy, một lần nữa Bộ Công Thương quyết tâm bảo vệ lợi ích chính đáng và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ Việt Nam.

Tôn mạ màu nhập khẩu hiện đang đẩy nhiều doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều chuyên gia nhận định không chỉ là sự gia tăng về sản lượng và sức cạnh tranh của các nước xuất khẩu, mà còn có thể gắn với những chiêu thức khuyến mại, những hoạt động mang tính chất bán phá giá khác. Đặc biệt, đối với Trung Quốc thì mục tiêu cũng như ý đồ bán phá giá rất rõ ràng. Trong khi đó, để tháo gỡ khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải mang sản phẩm đi xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu gặp nhiều hạn chế do vướng phải các biện pháp phòng vệ thương mại.

Trước thực trạng tôn mạ Trung Quốc ồ ạt tràn vào thị trường và có ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường trong nước, một số doanh nghiệp đã quyết định khởi kiện. Đáp lại, ngày 06/7/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với các sản phẩm tôn lạnh màu, tôn kẽm màu và tôn đen màu. Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong quá trình ký kết hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra cần lưu ý về khả năng biện pháp tự vệ tạm thời sẽ được áp dụng.

3. Tạo khan hiếm ảo đẩy giá đường tăng cao.

Theo ông Đỗ Thành Liêm - quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tồn kho đường tại các nhà máy còn khá cao nhưng có hiện tượng khan hiếm giả tạo và giá đường được đẩy lên cao không phù hợp với mặt bằng thị trường. Trước thực tế này, một số công ty sản xuất sữa, bánh kẹo và nước giải khát đã phản ánh lên Bộ Công Thương không mua được đường để sản xuất và đề nghị cho nhập khẩu.

Tại Hội nghị tổng kết ngành mía đường do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 19/7 tại TP.HCM, nhiều ý kiến bức xúc về tình trạng nhập lậu đường ở biên giới Tây Nam, chủ yếu từ Thái Lan với giá rẻ hơn đường trong nước 500-1.000 đồng/kg.

4. Đề nghị điện, nước đầu tư hệ thống hạ tầng.

Ngày 21/7, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có công văn khẩn gửi Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty điện lực TP.HCM, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn nêu lên vấn đề bất hợp lý trong đầu tư hệ thống cấp điện, cấp nước đến đồng hồ căn hộ dự án.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, đơn vị này đã nhiều lần báo cáo về việc các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản đã phải đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, trạm biến thế, lưới điện hạ thế; hệ thống đường ống cấp nước sạch đến đồng hồ căn hộ; sau đó bàn giao toàn bộ tài sản này cho công ty điện lực, công ty cấp nước sở hữu, vận hành, khai thác kinh doanh mà không được bồi hoàn. Toàn bộ chi phí thực hiện các công trình này do doanh nghiệp bất động sản bỏ ra và được phân bổ vào giá bán mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà.

Từ thực tế trên, HoREA kiến nghị công ty điện đầu tư toàn bộ hệ thống lưới điện đến đồng hồ từng căn nhà, căn hộ để bán điện cho người tiêu dùng, tương tự như cách làm của các doanh nghiệp điện thoại, truyền hình, internet, để người mua nhà không phải gánh chi phí bất hợp lý này.

Đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương chỉ đạo việc hạch toán tài sản hệ thống điện, nước mà doanh nghiệp đã bàn giao cho ngành điện nước như quản lý nguồn thu khác của ngân sách.

5. Tư thương Trung Quốc thao túng thị trường, thanh long rớt giá thảm hại. 

Gần đây, giá thanh long ở một số tỉnh rớt thê thảm do có sự can thiệp về giá từ hoạt động kinh doanh bất hợp pháp của một số tư thương Trung Quốc. Nguyên nhân chính là do thị trường xuất khẩu (chủ yếu là Trung Quốc) nhập số lượng có hạn và chất lượng thanh long đạt chuẩn lại không nhiều. Do rớt giá, người dân đã đổ đống rao bán thanh long dọc theo các tuyến Quốc lộ hoặc các chợ nhỏ.

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, người Trung Quốc đã núp bóng các doanh nghiệp Việt để đầu cơ trục lợi trái phép thông qua hoạt động mua bán thanh long với giá thấp. Các hoạt động này diễn ra rất khéo léo với sự tiếp tay của một số doanh nghiệp trong nước nên rất khó phát hiện để ngăn chặn dù sự việc đã diễn ra liên tục và kéo dài. Từ đầu năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã xử phạt hành chính 17 cá nhân người Trung Quốc liên quan đến hoạt động mua bán thanh long với mức phạt từ 20 - 50 triệu đồng/trường hợp.

6. Kiểm toán nêu bức tranh tài chính 38 tập đoàn, tổng công ty. 

Trên nhiều báo ra ngày hôm nay 21/7 phản ánh nhiều vấn đề xung quanh báo cáo của Kiểm toán nhà nước về kết quả kiểm toán các doanh nghiệp (DN) nhà nước và các tổ chức tài chính - ngân hàng năm 2014. Thông tin được khai thác nhiều nhất là nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ khó đòi lớn, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi, sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ...

Kết quả kiểm toán cho thấy nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Cơ quan kiểm toán cũng chỉ ra một số đơn vị xóa nợ chưa đủ điều kiện, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định, chưa ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu; nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi… Một số khoản cho vay, bảo lãnh tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao.

Về đầu tư tài chính, đáng lưu ý, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư 800 tỉ đồng vào Oceanbank và mất toàn bộ quyền, lợi ích cũng như tư cách cổ đông. Cũng tại báo cáo của Kiểm toán nhà nước, liên quan đến hoạt động của PVN, Kiểm toán nhà nước cho biết, hiệu quả sản xuất kinh doanh của PVN giảm sút, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu năm 2014 của là 15,56%, giảm 10,45%. PVN cũng được chỉ ra, quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn tới nợ khó đòi ở mức cao. PVN, các công ty thành viên như PVOil, PVEP, PVECCo cũng nằm trong danh sách doanh nghiệp trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, PVN cũng là một trong số tập đoàn, tổng công ty có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, với 4.562,81 tỷ đồng, là một trong số những doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế đạt mức cao với 43.818 tỷ đồng

KTNN cũng chỉ ra Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam trích lập và sử dụng các quỹ chưa đúng quy định: trích vượt Quỹ môi trường năm 2012 là 113,74 tỉ đồng; sử dụng quỹ để đầu tư cho các dự án, đề án không đúng quy định từ năm 2010-2014 là 238,68 tỉ đồng; sử dụng Quỹ thăm dò để đầu tư cho hoạt động khai thác khoáng sản ngoài than lớn hơn số trích lập 371,1 tỉ đồng.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)