Ngày 17.7, Hội đồng tiền lương Quốc gia do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân – Chủ tịch Hội đồng dẫn đầu cùng đại diện Tổng LĐLĐVN, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) đã đi thăm, nắm tình hình việc làm, đời sống của công nhân khu công nghiệp tại Hà Nội và Bắc Ninh.
Chuyến đi thăm, nắm tình đời sống, việc làm, thu nhập của lao động khu công nghiệp là cơ sở tham khảo để chuẩn bị cho kỳ họp về mức tăng lương tối thiểu vùng của Hội đồng vào 20.7 tới đây.
Hội đồng tiền lương Quốc gia nắm tình hình đời sống công nhân KCN Bắc Thăng Long
Theo đó, đoàn đã tới thăm công nhân đang sinh sống tại khu nhà ở xã hội ở Kim Chung, Đông Anh; thăm công nhân Công ty Sam Sung hiện đang trọ trong ký túc xá Công ty và thuê trọ tại các hộ dân ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Tại mỗi nơi đến thăm, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐVN và VCCI đã tìm hiểu về việc làm, tiền lương, mức sống, khả năng chi trả sinh hoạt... của người lao động.
Trao đổi bên lề cuộc khảo sát đời sống công nhân, ông Lê Đình Quảng- Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) cho biết, mức đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2017 không thể cao như năm 2016, nhưng phương án tăng sẽ không dưới mức 10-11%.
Cũng theo ông Quảng, đời sống của người lao động đang gặp quá nhiều khó khăn, mức lương hiện nay mới đảm bảo được 80% mức sống tối thiểu của người lao động. Vì vậy, Tổng LĐLĐVN mong muốn có một lộ trình tăng lương tối thiểu vùng phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân – Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia thăm công nhân Công ty Sam Sung thuê trọ tại hộ dân ở Yên Phong, Bắc Ninh
Chia sẻ về chuyến khảo sát trước thềm kỳ họp Hội đồng tiền lương, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân – Chủ tịch Hội đồng cho biết: Cuộc khảo sát nhằm thực hiện yêu cầu của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Trước đó, Hội đồng đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe những tác động của việc tăng lương tối thiểu tới doanh nghiệp và hôm nay đi khảo sát, nắm tình hình đời sống người lao động.
“Rõ ràng mặt bằng tiền lương của chúng ta chưa cao nhưng nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh nhu cầu của người lao động thì sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng nếu chúng ta vì doanh nghiệp mà không chú ý đến người lao động thì cũng chưa trọn vẹn. Chúng tôi cũng rất trăn trở khi đời sống người lao động còn nhiều khó khăn. Nếu chúng ta có chính sách đồng bộ hơn về an sinh xã hội, tổ chức thực hiện tốt hơn để có thêm nhiều nhà ở hơn cho người lao động, cải thiện đời sống người lao động thì đời sống của họ sẽ bớt khó khăn hơn”, Thứ trưởng Phạm Minh Huân chia sẻ.
Cũng theo ông Huân, dự báo năm nay độ nóng về đàm phán sẽ giảm bớt so với năm 2016 vì căn cứ đề xuất mức lương tối thiểu của các bên đã gần với nhau hơn.
Theo Báo Lao Động Thủ Đô