Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN (khóa XI), đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đã đưa ra những định hướng quan trọng cũng như triển khai tổ chức các hoạt động phong trào CNVC và hoạt động công đoàn trong thời gian tới. Dưới đây là tóm lược nội dung phát biểu của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường phát biểu tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI
Về Chương trình hành động của Tổng LĐLĐVN thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của công nhân; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, nhà ở cho công nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... để bảo vệ quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân” và “Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ, thực sự đại diện quyền lợi cho NLĐ, giải quyết kịp thời các tranh chấp… Có cơ chế để CĐ, tổ chức đại diện cho NLĐ và tổ chức đại diện người sử dụng lao động giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể”.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống, đặc biệt cụ thể hóa nghị quyết của Đảng vào phong trào công nhân và hoạt động CĐ, việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết là hết sức cần thiết. Tờ trình của Đoàn Chủ tịch về vấn đề này đã có, đề nghị các đồng chí thảo luận cho ý kiến, nhất là về một số chỉ tiêu chủ yếu và các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện nghị quyết…
Về xây dựng Nghị quyết của BCH Tổng LĐLĐVN về “CĐ tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong tình hình mới”.
Năm 2005, BCH Tổng LĐLĐVN đã ban hành Nghị quyết 4a về “nâng cao hiệu quả CĐ tham gia xây dựng thực hiện quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp” qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 4a đã góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, nâng cao dân chủ trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, đến nay thực tiễn quan hệ lao động và các quy định pháp luật đã có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải ban hành một nghị quyết mới phù hợp với yêu cầu tình hình mới. Trên cơ sở dự thảo do bộ phận soạn thảo xây dựng, Đoàn Chủ tịch đã thảo luận và nhất trí trình xin ý kiến BCH về các nội dung cơ bản của nghị quyết, đề nghị các đồng chí nghiên cứu cho ý kiến về tên gọi và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết.
Về việc xây dựng và ban hành Quy định chất vấn tại các kỳ họp BCH Tổng LĐLĐVN
Nhằm phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm, năng lực lãnh đạo của BCH, Đoàn Chủ tịch, Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN, đề cao chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan lãnh đạo cấp Trung ương và từng đồng chí Ủy viên BCH Tổng LĐLĐVN; tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong BCH Tổng LĐLĐVN và trong tổ chức hệ thống CĐ Việt Nam. Việc xây dựng và ban hành Quy định chất vấn tại các kỳ họp BCH Tổng LĐLĐVN là cần thiết. Trên cơ sở quy định này, Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố, CĐ ngành trung ương và tương đương xây dựng quy định cụ thể của mình để tổ chức chất vấn tại các kỳ họp BCH.
Để quy định này có tính khả thi, công khai, dân chủ, đề nghị các đồng chí Ủy viên BCH phát huy trí tuệ, với tinh thần trách nhiệm đóng góp ý kiến thẳng thắn, khách quan, có tính thực tiễn về: Chủ thể, đối tượng, nội dung, phương thức chất vấn và trả lời chất vấn; Quyền, trách nhiệm của chủ thể chất vấn, đối tượng chất vấn và người chủ trì chất vấn; tổ chức thực hiện.
Về những nội dung trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII:
Vấn đề thứ nhất, về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam trong tình hình mới
Việc Việt Nam tham gia ký kết, thực hiện cam kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi CĐ Việt Nam phải tiến hành đổi mới mạnh mẽ và toàn diện để đáp ứng được yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động CĐ trong tình hình mới.
“Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam trong tình hình mới” nhằm chủ động đề ra những giải pháp cơ bản với những lộ trình thực hiện cụ thể nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐ Việt Nam trước tình hình mới, đồng thời đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước tăng cường quan tâm lãnh đạo, tạo điều kiện cho CĐ Việt Nam giữ vững vị trí thành viên trong hệ thống chính trị nước ta trong điều kiện đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Để kịp thời hoàn thiện đề án trình Trung ương, đề nghị các đồng chí tập trung cho ý kiến về 5 nhiệm vụ và 7 nhóm giải pháp. Trong đó lưu ý: Đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ các cấp theo hướng lấy lợi ích mà CĐ mang lại cho đoàn viên, NLĐ làm điểm tập hợp, lấy đoàn viên và NLĐ làm trung tâm để xác định nhiệm vụ của các cấp CĐ; Đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của CĐ cơ sở, nâng cao chất lượng hoạt động của CĐ cơ sở gắn với lợi ích của đoàn viên và NLĐ; Đổi mới phương thức chỉ đạo của CĐ cấp trên đối với CĐ cấp dưới; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ chuyên trách; Cơ cấu lại nguồn lực tài chính, tập trung đầu tư vào những lĩnh vực đáp ứng yêu cầu hoạt động CĐ trong tình hình mới và trực tiếp mang lại nhiều lợi ích thiết thân trước mắt cũng như lâu dài cho đoàn viên và NLĐ. Đổi mới nhận diện thương hiệu của CĐ Việt Nam (Trang phục, mẫu biểu, thẻ đoàn viên…).
Vấn đề thứ hai, về điều chỉnh thời gian nhiệm kỳ Đại hội CĐ phù hợp với nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp.
Đại hội CĐ là hoạt động chính trị trọng đại của tổ chức CĐ. Trong thời gian qua, nhiệm kỳ Đại hội CĐ các cấp được tổ chức không cùng với nhiệm kỳ Đại hội của Đảng, dẫn đến việc Nghị quyết Đại hội CĐ không cụ thể hóa được Nghị quyết Đại hội Đảng. Đồng thời cũng khó khăn trong việc bố trí cán bộ chủ chốt CĐ các cấp. Do vậy, rất cần thiết phải nghiên cứu, điều chỉnh thời gian nhiệm kỳ Đại hội CĐ Việt Nam và Đại hội CĐ các cấp cho phù hợp với thời gian Đại hội Đảng các cấp. Tuy nhiên nên điều chỉnh kéo dài hay rút ngắn nhiệm kỳ hiện tại; các căn cứ pháp lý; căn cứ thực tiễn. Đặc biệt các giải pháp thực hiện trong thực tiễn ra sao, đề nghị các đồng chí cho ý kiến.
Vấn đề thứ ba, về định hướng sửa đổi Điều lệ CĐ Việt Nam.
Điều lệ CĐ Việt Nam được Đại hội XI CĐ Việt Nam thông qua tháng 7.2013, theo quy định chỉ được sửa đổi bổ sung tại Đại hội CĐ toàn quốc kỳ tới. Như đã trao đổi ở phần trên, nếu chúng ta thực hiện điều chỉnh nhiệm kỳ Đại hội CĐ, có thể là rút ngắn, có thể là kéo dài thì ngay từ bây giờ những định hướng sửa đổi điều lệ cũng đã rất cần phải đặt ra.
Tại tờ trình gửi BCH đã đề cập những quan điểm, nguyên tắc sửa đổi điều lệ; những định hướng cơ bản cần sửa đổi như tên gọi, mô hình tổ chức, các quy định cụ thể, đề nghị các đồng chí nghiên cứu cho ý kiến vào định hướng làm cơ sở để Đoàn Chủ tịch chỉ đạo chuẩn bị trình BCH để báo cáo Đại hội hoặc Đại hội bất thường”.
Nguồn Báo LĐ