Các đại biểu tham dự hội nghị lần 8 Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã tổ chức thảo luận về dự thảo Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động CĐVN trong tình hình đổi mới; việc điều chỉnh thời gian nhiệm kỳ Đại hội XI CĐVN và nhiệm kỳ công đoàn các cấp phù hợp với nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp; vấn đề xin ý kiến Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN về định hướng sửa đổi Điều lệ CĐVN; về việc xây dựng và ban hành Quy định chất vấn tại các kỳ họp Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN; Chương trình hành động của Tổng LĐLĐVN thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và thảo luận về Nghị quyết của Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN về “CĐ tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong tình hình đổi mới”...
Ở cả 5 tổ các đại biểu tích cực thảo luận trên tinh thần xây dựng, cầu tiến để đưa ra ý kiến, đánh giá và các giải pháp nhằm hoàn thiện các nội dung được đưa ra tại Hội nghị.
Các đại biểu tích cực đưa ra ý kiến thảo luận về các nội dung liên quan đến các tờ trình và Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam trong tình hình mới.
Tại tổ thảo luận số 2, đồng chí Trần Thị Ái Nhân -Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang quan tâm đến vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐ: Đối với vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CB, tôi nghĩ đây là một chương trình hết sức cần thiết đối với tổ chức CĐ trong thời gian vừa qua và trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên qua đánh giá quá trình thực hiện của đội ngũ cán bộ CĐ, mặc dù được quan tâm, thực hiện nhiều chỉ đạo trong việc bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ CĐ từ cấp trên cho đến cấp cơ sở nhưng tôi thấy chưa thực sự hiệu quả về năng lực, trình độ, đạo đức... Nguyên nhân là do thực trạng luân chuyển đội ngũ cán bộ quá lớn; thay đổi về cán bộ CĐCS ở những nơi DN có sự thay đổi lớn như phá sản, dừng sản xuất...; sự hấp dẫn của "nghề" CĐ... Đồng chí Ái Nhân cho rằng nếu khắc phục được các nguyên nhân đó thì vấn đề nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ CĐ sẽ đạt hiệu quả.
Tại tổ thảo luận số 3, đồng chí Phan Thị Quyến- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp chia sẻ về việc tổ chức mô hình “truyền thông pháp luật lao động” của LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua để tạo uy tín trong tổ chức CĐ đối với người lao động. Theo đó, "chủ tịch hoặc phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Tháp đã trực tiếp liên hệ với các doanh nghiệp để tổ chức các buổi đối thoại tuyên truyền kiến thức pháp luật, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2016, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, trực tiếp xuống doanh nghiệp tư vấn pháp luật. Khi đi về các công nhân rất phấn khởi, họ hiểu được các vấn đề bấy lâu nay chế độ chính sách họ gặp vướng mắc mà không có ai giải thích, họ không biết được quyền lợi khi tham gia chính sách bảo hiểm, khi vào công đoàn người lao động được gì... nay được lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trực tiếp giải thích. Sau buổi đối thoại còn nhiều câu hỏi mà công nhân đề cập nhưng không thể trả lời kịp thời thì chúng tôi hẹn với công nhân sẽ trả lời trên trang thông tin điện tử của LĐLĐ tỉnh để người lao động nắm bắt”. Đồng chí Quyến nhấn mạnh, là cán bộ lãnh đạo phải trực tiếp xuống cơ sở để người lao động biết được lãnh đạo là ai, tổ chức CĐ làm gì cho đoàn viên, phải thay đổi theo phương pháp từ hành chính chuyển sang phục vụ...
Nhiều đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, đánh giá về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động CĐ Việt Nam trong tình hình đổi mới, các nội dung liên quan đến các tờ trình mà Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa ra...
Sau khi Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp thu ý kiến phản ánh, Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có cuộc họp kiện toàn nhân sự, tặng hoa cho các đồng chí thôi tham gia Ban Chấp hành , Đoàn Chủ tịch... và các đồng chí trúng cử Ban Chấp hành , Đoàn Chủ tịch, Ủy ban kiểm tra ra mắt BCH.
Nguồn Báo Lao động