[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 14/7
Thứ năm, 14/07/2016 - 20:34
Trong ngày 14 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước

Trong ngày 14 tháng 7 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Kiến nghị cấp phép các khu công nghiệp dệt may quy mô 500 - 1.000ha; Ngân sách hụt thu lớn từ lọc dầu Dung Quất; Doanh nghiệp dệt may gặp khó trong việc tìm đơn hàng; Thuốc trừ sâu dởm tung hoành ở thôn quê; Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam chống hàng giả; Hàng Việt chịu thiệt khi xuất khẩu 'núp bóng' thương hiệu lớn; Nhập giày từ Trung Quốc: Đánh thuế 0% giày nguyên đôi, 20% cho đế giày.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Kiến nghị cấp phép các khu công nghiệp dệt may quy mô 500 - 1.000ha. 

Các báo trong ngày đăng nhiều thông tin liên quan đến việc Bộ Công Thương vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ xem xét, thống nhất quy hoạch và cấp phép khu công nghiệp dệt may lớn từ 500 - 1.000ha để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước về sản xuất vải, sợi, nhuộm hoàn tất cao cấp. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép hỗ trợ với mức tối đa đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Việc này nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp thông qua hoạt động đầu tư phát triển các cụm công nghiệp.

Việc Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ cấp phép các khu công nghiệp dệt may quy mô 500 - 1.000ha nhằm tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo. Đồng thời phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng kết nối giao thông thủy, bộ giữa các khu công nghiệp dệt may lớn với các cảng, trung tâm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo điều kiện giảm chi phí vận chuyển.

2. Ngân sách hụt thu lớn từ lọc dầu Dung Quất. 

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: tổng thu cân đối ngân sách Quảng Ngãi 6 tháng ước khoảng 8.960 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước Trung ương chiếm chủ yếu trong tổng thu ngân sách trên địa bàn khoảng 6.731 tỷ đồng, giảm gần 58% so với cùng kỳ 2015, trong đó thu chủ yếu từ nhà máy lọc dầu Dung Quất. 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, nguyên nhân nguồn thu ngân sách Nhà nước địa phương giảm mạnh là dầu thô thế giới rớt giá liên tục dẫn đến giá bán sản phẩm nhà máy lọc dầu Dung Quất giảm theo. Mặt khác thuế suất thuế nhập khẩu dầu giảm từ 10% xuống 7% từ giữa tháng 3/2016 cũng tác động giảm từ nguồn thu điều tiết. Từ nay đến cuối năm, Quảng Ngãi tập trung hỗ trợ thúc đẩy nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất đạt kế hoạch hơn 6,6 triệu tấn/năm; chuẩn bị quỹ đất sạch thu hút đầu tư các dự án lớn.

3. Doanh nghiệp dệt may gặp khó trong việc tìm đơn hàng.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp dệt may nội địa đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng. Ngay cả các doanh nghiệp lớn, có nhiều khách hàng quen, cũng chưa đủ đơn hàng cho đến cuối năm. Đặc biệt khó tìm các đơn hàng mới về sơ mi, quần áo Jacket. Theo Bộ Công Thương, tuy kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tăng 6% trong nửa đầu năm nay, nhưng chủ yếu đến từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

4. Thuốc trừ sâu dởm tung hoành ở thôn quê.

Hiện nay, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ hoặc đã quá hạn sử dụng đang trôi nổi trên thị trường Bình Định khiến nhà nông khó khăn khi mua. Với hình thức bán dạo lén lút, hoạt động tận những vùng sâu, vùng xa… nên ngành chức năng tại địa phương này đang đau đầu trong việc xử lý triệt để.Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, hiện nay việc quản lý và thanh kiểm tra các cơ sở có kinh doanh thuốc BVTV tại các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn do lực lượng thanh tra mỏng trong khi đó địa bàn hoạt động lại quá rộng.

Theo bà Lê Thị Kim Mai – Chủ tịch Hội nông dân Bình Định, việc mua phải thuốc BVTV dỏm, hết hạn sử dụng… sẽ gây ảnh hưởng đến sản xuất và khiên người nông dân lâm vào cảnh “tiền mất, tật mang”. Công dụng của thuốc không những không phát huy mà còn gây nhiều hệ lụy dai dẳng như ô nhiễm môi trường, tác hại đến cây trồng… Bà Mai khuyến cáo khi nghi ngờ thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc hết hạn sử dụng… thì nông dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bà con.

5. Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam chống hàng giả. 


Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung hỗ trợ các hộ kinh doanh Việt Nam nâng cao kỹ năng phát hiện hàng giả trên thị trường. Nhật Bản sẽ giúp các hộ kinh doanh Việt Nam, đặc biệt là các hộ kinh doanh tại chợ Đồng Xuân, nâng cao kỹ năng phát hiện hàng giả từ các sản phẩm hàng thật, hợp pháp; tạo khuôn khổ cần thiết để các nhà quản lý tham gia cùng những ngành công nghiệp bán lẻ ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. 

Hoạt động này sẽ tạo tiền đề để nhà quản lý tham gia cùng các ngành công nghiệp bán lẻ ngăn chặn hàng giả, hàng nhái. Theo Cục Quản lý Thị trường, hiện tình trạng hàng giả xuất xứ đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam; Nhật Bản là một trong những tên nước thường bị sử dụng để làm giả xuất xứ.

6. Hàng Việt chịu thiệt khi xuất khẩu 'núp bóng' thương hiệu lớn. 

Thực tế sản phẩm Việt xuất khẩu nhiều nhưng lại không định vị được thương hiệu, phải chịu sự "núp bóng" dưới một thương hiệu nổi tiếng khác... là nỗi băn khoăn được các chuyên gia nêu lên tại diễn đàn “Thương hiệu quốc gia với sản phẩm địa phương” ngày 13/7.

​Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thịnh - chuyên gia Ban tư vấn chương trình thương hiệu quốc gia nhìn nhận, Việt Nam sẽ khó có một thương hiệu quốc gia cạnh tranh nếu các doanh nghiệp sản xuất vẫn duy trì sự gắn kết lỏng lẻo, “mạnh đường ai người nấy chạy” và cứ mãi gia công, xuất hàng "núp" dưới tên thương hiệu nổi tiếng nước ngoài...

​7. Nhập giày từ Trung Quốc: Đánh thuế 0% giày nguyên đôi, 20% cho đế giày. 

Ngành giày Việt Nam đang gặp một nghịch lý lớn đó là phải nhập nguyên liệu, phụ kiện với thuế nhập khẩu từ Trung Quốc là 5% đến 20%, riêng đế giày là 20%, trong khi từ tháng 1/2015, một đôi giày nhập nguyên đôi thành phẩm về Việt Nam là 0% thuế.

​Theo phản ánh của Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (HHDG) trong công văn gửi Bộ Tài chính mới đây, hiện nay có một số vướng mắc và bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh ảnh hưởng đến việc cung ứng nguồn vật tư phục vụ sản xuất giày dép, gây khó khăn cho các doanh nghiệp (DN).

​“Ngành hàng da giày, trong đó ngành giày nói riêng, đang gặp một nghịch lý lớn đó là phải nhập nguyên liệu, phụ kiện với thuế nhập khẩu từ Trung Quốc là 5% đến 20%, riêng đế giày là 20%, trong khi từ tháng 1/2015, thuế một đôi giày nhập nguyên đôi thành phẩm về Việt Nam lại chỉ là 0%”, HHGD cho hay.

​Điều này vô tình đã khuyến khích nhập khẩu, đẩy ngành này càng khó khăn. Trước thực tế trên, HHDG cho rằng, việc điều chỉnh lại thuế nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành da giày là hết sức cần thiết, tạo cơ hội lớn cho các công ty sản xuất, tạo hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)