[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 27/6
Thứ hai, 27/06/2016 - 17:18
Trong ngày 27 tháng 6 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin đáng chú ý về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước
Trong ngày 27 tháng 6 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin đáng chú ý về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Khó thu hút nhà đầu tư vào xử lý tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện; Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo về dự án nhà máy giấy; Bán than giá đắt đỏ, lãi vẫn “lèo tèo”: Ông lớn TKV nói do gánh nặng thuế phí; Ngành dệt may: Thị trường bị bỏ quên; Kiến nghị áp thuế 80% với đường ngoài hạn ngạch.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Khó thu hút nhà đầu tư vào xử lý tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện.


Đầu tư lớn nhưng khó tìm được đầu ra cho vật liệu xây dựng không nung được cho là nguyên nhân khó thu hút nhà đầu tư xử lý tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện. Đây không chỉ là một sự lãng phí lớn mà còn là một hiểm họa đối với môi trường.

Một trong những nguyên nhân chính là do hiệu suất đốt than của các nhà máy nhiệt điện hiện nay chưa đạt chất lượng, điều đó khiến cho các chất phát thải có chất lượng kém, không đồng đều, khó sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành vật liệu không nung một cách rộng rãi. Dự báo đến năm 2022, sẽ có 43 nhà máy điện đốt than được đưa vào hoạt động, số vật liệu phát thải ra mỗi năm sẽ là 29 triệu tấn. Hiện nhiều bãi chứa tại các nhà máy nhiệt điện đã bị lấp đầy và đứng trước nguy cơ dừng phát điện nếu không có phương án tiêu thụ tro, xỉ. 

2. Bộ Công Thương yêu cầu báo cáo về dự án nhà máy giấy.

Ngày 24/6, ông Võ Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hậu Giang cho biết, Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) vừa yêu cầu sở báo cáo về dự án Nhà máy giấy Lee & Man (xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, Hậu Giang).

Theo ông Thắng, trước khi phê duyệt dự án Nhà máy Giấy Lee&Man, đã có đoàn kiểm tra đi Quảng Châu để lấy mẫu nước thải của Nhà máy này tại đây về kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm đạt, tỉnh Hậu Giang sau đó đã báo cáo với Bộ TN&MT và Chính phủ. Chính phủ đồng ý cho chủ đầu tư làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).Ông Thắng cũng cho biết thiết bị tại Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang hiện đại hơn công nghệ xử lý nước thải của Tập đoàn Lee & Man Paper tại Quảng Châu vì lắp đặt sau.

Theo chủ đầu tư, sau báo cáo ĐTM của dự án được phê duyệt năm 2008, chủ đầu tư chỉ lập báo cáo ĐTM cho từng hạng mục chứ chưa có báo cáo lại ĐTM cho cả dự án. Lúc dự án Nhà máy giấy Lee & Man triển khai đến nay, năm nào cũng có đoàn giám sát của Bộ hoặc Sở TN-MT.

Hệ quả của việc bức tử sông Hậu nói riêng và hệ quả của các dòng sông bị chết vì ô nhiễm, vì bị đầu độc được nói rất nhiều trong những năm qua, nhưng đáng lo ngại hơn là việc thẩm định cấp phép cũng như việc giám sát các dự án có khả năng bức tử các dòng sông lại hết sức lỏng lẻo. Nguyên nhân chính xuất phát từ cuộc chạy đua thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở nhiều tỉnh, thành nên các địa phương đã dễ dãi chấp nhận cấp phép các dự án FDI gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, dự án bức tử dòng sông, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương, dự án khai thác tài nguyên giá rẻ... mà dự án Nhà máy giấy Lee & Man là minh chứng rõ ràng nhất.

3. Bán than giá đắt đỏ, lãi vẫn “lèo tèo”: Ông lớn TKV nói do gánh nặng thuế phí.

Liên quan đến vấn đề giá than, tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 25/6, Lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, một trong những lý do giá bán than của tập đoàn vẫn ở mức cao là vì bị áp nhiều loại thuế, phí (khoảng 15%) và do sự thay đổi của nhu cầu sử dụng than trong nước, cùng với đó là việc Nhà nước đã cho phép một số ngành khác cũng được nhập khẩu than để phục vụ nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, trên thực tế, TKV là doanh nghiệp được nhiều ưu ái trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Có thể thấy TKV có nhiều ưu thế, có thị trường tiêu thụ... không hoàn toàn “khó khăn” như lời lãnh đạo tập đoàn này nói. Trong khi đó, với mức doanh thu lớn song lợi nhuận thu về lại khá bèo bọt, đó cũng là một vấn đề đáng bàn hiện nay của TKV. 

4. Ngành Dệt May: Thị trường bị bỏ quên.


Nhiều năm nay, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu thì các doanh nghiệp dệt may đã nhen nhóm kế hoạch nâng thị phần ở trong nước. Tuy nhiên, đến nay có thể nói kế hoạch này vẫn chưa thành công.

Theo các chuyên gia về thời trang, hàng dệt may Việt Nam yếu thế không chỉ về kiểu dáng, mẫu mã mà cả chất lượng đường kim, mũi chỉ. Có ý kiến cho rằng, hàng đẹp thì các DN dành để xuất khẩu còn hàng xấu thì bán cho người tiêu dùng trong nước. Đối với phân khúc cao, những sản phẩm của DN có thương hiệu lại gặp khó ở chính khâu phân phối. Có những DN đã rất nỗ lực để mở kênh phân phối của riêng mình nhưng không hiệu quả.

5. Kiến nghị áp thuế 80% với đường ngoài hạn ngạch.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) vừa có kiến nghị Bộ Tài chính liên quan đến biểu thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng đường. Theo VSSA, ngành mía đường là ngành bị tổn thương cao nhất khi hội nhập, nên Bộ Tài chính cần áp dụng và duy trì mức bảo hộ cao nhất các cam kết theo lộ trình đã ký.

VSSA cho rằng, với đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch, cần áp mức cao nhất trong WTO và luôn cao hơn mức thuế nhập khẩu ưu đãi trong hạn ngạch. Theo đó, với đường ngoài hạn ngạch cần thuế 85% với đường trắng, đường thô 80%. VSSA cho biết, trong các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký, chỉ có Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với mức  thuế 5% từ năm 2010 đến nay tác động mạnh nhất, gây khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam.

LH (Nguồn VP Bộ Côg Thương)