[In trang]
Viện Nghiên cứu Thương mại: 45 năm xây dựng và trưởng thành
Thứ hai, 20/06/2016 - 11:12
Viện Nghiên cứu Thương mại là một trong các viện khoa học quốc gia của Nhà nước

Ngày 17/6/2016, Viện Nghiên cứu Thương mại tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện và đón nhận Cờ thi đua xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2015 của Chính phủ, Công đoàn Viện được tặng cờ thi đua xuất sắc của Tổng Liên đoàn.

Viện Nghiên cứu Thương mại là một trong các viện khoa học quốc gia của Nhà nước. Viện Nghiên cứu Thương mại vừa thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, vừa thực hiện chức năng đào tạo trình độ tiến sĩ kinh tế, chuyên ngành kinh doanh thương mại. Sau 45 năm xây dựng và phát triển, hệ thống tổ chức của Viện Nghiên cứu Thương mại hiện nay gồm 04 Ban nghiên cứu khoa học chuyên ngành thương mại, 02 trung tâm (Trung tâm tư vấn và đào tạo kinh tế thương mại, Trung tâm tham vấn về WTO), Chi nhánh Viện Nghiên cứu Thương mại tại TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Nghiên cứu Thương mại, Phòng Thông tin - thư viện và 02 đơn vị thực hiện chức năng hỗ trợ quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo của Viện (Văn phòng và Phòng Quản lý khoa học và đào tạo). Về tổng thể, hệ thống tổ chức của Viện đã được kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ được Bộ giao như xây dựng các đề án, chiến lược phát triển, các dự án quy hoạch và các vấn đề về chính sách phát triển thương mại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương và đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Cùng với sự phát triển về tổ chức, đội ngũ cán bộ viên chức của Viện cũng ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Hiện nay, tổng số CBVC của Viện là 80 người, trong đó có 03 PGS.TS, 08 TS, 30 Thạc sĩ, 38 cử nhân; có 09 cán bộ đang theo học trình độ tiến sĩ, 02 cán bộ theo học trình độ thạc sĩ. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ viên chức của Viện có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nâng cao trình độ, phương pháp nghiên cứu khoa học, trau dồi kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của Bộ Công Thương và Nhà nước giao.

Đ/c Tạ Thị Vân Anh - Phó Chủ tịch CĐCTVN trao cờ của Tổng LĐLĐVN cho Công đoàn của Viện 

45 năm qua, công tác xây dựng Đảng, các tổ chức đoàn thể như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… đang ngày càng hoàn thiện, đổi mới và không ngừng phát triển. Đảng bộ Viện Nghiên cứu Thương mại có 08 Chi bộ và 44 đảng viên, liên tục được đánh giá là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Các tổ chức chính trị - xã hội luôn đoàn kết, đồng thuận, sát cánh cùng cấp ủy và lãnh đạo Viện triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả, không ngừng nỗ lực học tập, làm việc và phấn đấu vì sự phát triển liên tục và vững chắc của Viện Nghiên cứu Thương mại.

Hiện nay, Viện Nghiên cứu Thương mại tập trung vào các nhiệm vụ nghiên cứu chủ yếu:

- Nghiên cứu luận cứ khoa học để xây dựng đề án tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng thương mại, chiến lược phát triển thị trường trong nước và hệ thống phân phối ở nước ta đến 2020 và tầm nhìn 2030.

 - Nghiên cứu luận cứ khoa học để hoạch định chính sách thương mại trong nước, song phương và đa phương.

- Nghiên cứu, cung cấp cơ sở khoa học và tham gia thực hiện Chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương.

- Tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác nghiên cứu giữa Viện Nghiên cứu Thương mại với các nghiên cứu kinh tế, thương mại quóc tế có uy tín của các nước trong khu vực Đông Nam Á và các nước khác.

- Nghiên cứu, lựa chọn và từng bước mở rộng các nội dung cung cấp dịch vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực kinh tế thương mại cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Trong thời gian tới, Viện sẽ sẽ tập trung vào những vấn đề chủ yếu:

Thứ nhất, phát triển Viện Nghiên cứu Thương mại trở thành tổ chức khoa học và công nghệ hàng đầu về nghiên cứu chiến lược và chính sách thương mại để cung cấp luận cứ khoa học trong xây dựng chiến lược phát triển và tham mưu chính sách cho Bộ Công Thương, Đảng và Nhà nước cũng như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về các lĩnh vực thương mại, có những đóng góp thực sự quan trọng trong sự nghiệp tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước; có vị thế và uy tín cao trong nước và quốc tế.

Thứ hai, ưu tiên tập trung đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ có hiểu biết rộng về khoa học thương mại, sâu về chuyên ngành, có khả năng và đủ sức giải quyết những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra; tập trung xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành về thương mại, đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Thứ ba, công bố những công trình nghiên cứu có giá trị cao để khẳng định vai trò, uy tín và tầm ảnh hưởng của Viện đối với đời sống khoa học nước nhà, được sử dụng, phục vụ cho các hoạt động lãnh đạo, quản lý của Bộ Công Thương, của Đảng và Nhà nước, góp phần phát triển lĩnh vực thương mại trong nước và quốc tế.

Thứ tư, nâng cao vai trò lãnh đạo và năng lực của Đảng bộ Viện, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận và đổi mới hoạt động trong toàn Viện, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Viện Nghiên cứu Thương mại tiếp tục phấn đấu để đến năm 2020 đưa chất lượng nghiên cứu các vấn đề trong lĩnh vực thương mại đạt trình độ khu vực và quốc tế.

Trong giai đoạn tới, Viện Nghiên cứu Thương mại sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp đột phá:

Thứ nhất, phát triển đồng bộ tiềm lực khoa học vững mạnh, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nghiên cứu và quản lý khoa học có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành trong từng lĩnh vực khoa học thương mại; thực hiện chính sách cán bộ đúng đắn, chú trọng phát triển hài hòa giữa đào tạo lực lượng chuyên gia và cán bộ kế cận, qui tụ và thu hút các nhà khoa học có trình độ cao ở trong và ngoài nước nhằm phát triển đội ngũ cán bộ khoa học cả về số lượng và chất lượng, đủ sức giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra.

Thứ hai, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại phục vụ ngày càng tốt hơn công tác nghiên cứu, đào tạo, tham mưu và tư vấn chính sách thương mại.

Thứ ba, thực hiện đổi mới cơ chế quản lý khoa học nhằm phát huy tính dân chủ, tự chủ và sáng tạo của các phòng, ban chức năng, cũng như của các nhà khoa học, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác tổ chức và quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội.

Thứ tư, trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, Viện tiếp tục tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác, các tổ chức khoa học quốc tế nhằm tiếp thu những phương pháp nghiên cứu mới, các thành quả nghiên cứu để xây dựng và phát triển hoạt động khoa học về thương mại.

Đặc biệt nhân dịp này, Viện đã vinh dự đón nhận Cờ của Chính phủ cho đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2015; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ công đoàn cơ sở vững mạnh.

Lê Thị Tâm