[In trang]
Nâng cao chất lượng TƯLĐTT ngành Công Thương: Phát huy tính chủ động và kỹ năng của cán bộ công đoàn (Kỳ 2)
Thứ năm, 16/06/2016 - 08:35
“Thương lượng” là khâu quan trọng và khó nhất trong quá trình xây dựng TƯLĐTT

Bên cạnh vấn đề chất lượng còn có không ít TƯLĐTT đã hết hạn nhưng chưa gia hạn hoặc ký mới, cá biệt có TƯLĐTT có thời hạn không phù hợp với quy định của pháp luật (3 năm); Tỉ lệ doanh nghiệp (DN) tiến hành thương lượng, ký kết TƯLĐTT theo đúng trình tự, thủ tục quy định chưa cao và chỉ mang tính hình thức, đối phó.

Nhà ăn ca tự chọn của Công ty CP gang thép Thái Nguyên - một nội dung của thoả ước lao động tập thể được triển khai thực hiện trên thực tế. 

Khó ở năng lực đàm phán, thương lượng

“Thương lượng” là khâu quan trọng và khó nhất trong quá trình xây dựng TƯLĐTT. Để có thỏa ước (TƯ) vừa có lợi cho NLĐ, vừa phù hợp với điều kiện thực tế DN. TCty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp VN (VEAM) là một DN có môi trường việc làm khá ổn định cả về việc làm lẫn thu nhập. Đa số các đơn vị trong TCty đều lấy TƯLĐTT đơn vị mình làm cơ sở để tổ chức các hoạt động SXKD và giải quyết các mối quan hệ LĐ tại cơ sở. Đối với các DN FDI, tổ chức CĐ coi TƯLĐTT là cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp và thực hiện nghĩa vụ của NLĐ. Tuy nhiên, ông Trần Minh Thuân - Chủ tịch CĐ VEAM - cho biết, mỗi lần thương lượng để ký lại TƯLĐTT là những yêu cầu mới của NLĐ luôn được đưa ra để thương thảo - yêu cầu mới này là chính đáng trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động như hiện nay. Trong khi đó, năng lực một số cán bộ CĐCS còn yếu, chưa được tập huấn nghiệp vụ nên kỹ năng thương lượng đàm phán còn hạn chế, thiếu tính chủ động và đặc biệt, còn thiếu bản lĩnh khi tiếp xúc với giới chủ bởi phần lớn trong số họ là cán bộ CĐ kiêm nhiệm, hưởng lương từ giới chủ. Hiện nay, VEAM có 6/25 bản TƯLĐTT đã hết hạn, đang trong quá trình thương lượng sửa đổi nhưng chưa được các bên ký lại.

Ông Nguyễn Xinh - Chủ tịch CĐ TCty Giấy VN - lại nêu ra những khó khăn mới nảy sinh trong DN đang trong quá trình cổ phần hóa (CPH). Theo ông Xinh, trong tiến trình CPH, DN dần tiến tới thoái 100% vốn nhà nước. Mối quan hệ LĐ phân hóa rõ rệt (chủ-thợ); lại thêm những khó khăn mà ngành giấy đang phải đối đầu do sự cạnh tranh từ bên ngoài từ mấy năm nay khiến cho việc làm trở thành vô cùng quan trọng đối với NLĐ. Trong bối cảnh đó, việc thương lượng TƯLĐTT để đảm bảo việc làm, thu nhập cho NLĐ theo đúng luật đã là thành công. Ông Nguyễn Xinh cũng lưu ý rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng trong những DN CPH không có vốn nhà nước cũng tỏ ra khá “mờ nhạt”.

Cần nắm bắt rõ tình hình DN

Ông Phạm Đình Hòa - Chủ tịch CĐ Cty TNHH may Tinh Lợi (Hải Dương), Cty có hơn 15.000 CNLĐ - chia sẻ: Trong khi đối thoại, thương lượng thì người đại diện tổ chức CĐ phải nắm bắt được những khó khăn của DN. Ông Hòa đưa ra một ví dụ: Năm 2013 và 2015, ban lãnh đạo Cty rất lo lắng bởi với tiến độ sản xuất như lúc đó, Cty khó có thể hoàn thành đơn hàng đúng thời hạn. Nhận biết được điều này, CĐ đã đứng ra cùng với DN họp với NLĐ để tìm cách nâng cao năng suất LĐ và Tổng GĐ Cty đã đưa ra cam kết là nếu hoàn thành được đúng tiến độ đơn hàng, Cty sẽ thưởng cho CNLĐ 1 triệu USD. NLĐ và DN đã cùng nhau nỗ lực làm việc và cả 2 lần cam kết đều thực hiện được. Bên cạnh đó, mỗi khi thương lượng một vấn đề gì đó mà NLĐ đưa ra, ông Hòa cũng tìm hiểu những chế độ chính sách của các DN xung quanh xem họ có cái gì hơn mình, cái gì thua mình để công khai, hợp lý chưa. Nếu hợp lý thì DN phải đáp ứng. Qua những thông tin minh bạch như thế, NLĐ thấy thực sự thoải mái, kể cả những khi yêu cầu của mình chưa được đáp ứng. “Sau những lần cùng nhau đối thoại như thế, những kiến nghị của NLĐ bao giờ cũng được ban lãnh đạo Cty hết sức lưu ý và phần lớn đều được đáp ứng…” - ông Hòa cho biết thêm.

Trường hợp của Cty TNHH Công nghiệp Oriental sposts VN (Nam Sách, Hải Dương) lại là một kinh nghiệm về tính chủ động của chính CNLĐ, xuất phát từ nhu cầu thực tế: CN Nguyễn T.L cho biết, đây là Cty 100% vốn của nước ngoài, nhiều khi xung đột trong quan hệ LĐ xảy ra chỉ từ lý do rất đơn giản là CNLĐ và quản lý không hiểu ý nhau do không biết tiếng của nhau. Vì thế, trong khi thương lượng những điều khoản để đưa vào TƯLĐTT, chúng tôi đã đề nghị phải có phụ cấp cho chúng tôi đi học ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Trung) với mức từ 100.000 - 300.000đ/tháng đối với những người thực sự có nhu cầu và có khả năng. Và có lẽ, nhận thấy đây cũng là một yêu cầu chính đáng để giúp cho DN ổn định hơn nên Ban Giám đốc đã đồng ý. Từ đó đến nay, rất nhiều người trong chúng tôi đã có thể trực tiếp giao tiếp với quản lý, quản đốc phân xưởng, tránh được những hiểu lầm không đáng có. Thực tế cho thấy hài hòa lợi ích, minh bạch thông tin giữa hai bên là một trong những yếu tố quan trọng để các cuộc thương lượng đi đến kết quả tích cực. Mấu chốt để TƯLĐTT có chất lượng và thực hiện được, đó là CĐ phải làm sao phối hợp với chuyên môn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của đơn vị.

Nguồn Báo Lao động