[In trang]
Đổi mới quan hệ lao động khi tham gia TPP: Cơ hội và thách thức mới
Thứ tư, 15/06/2016 - 17:55
Đi kèm với quyền lợi, cơ hội, những thách thức mới cũng sẽ đến với NLĐ

Người lao động (NLĐ) sẽ có quyền tự do liên kết và thỏa ước lao động tập thể; xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử trong lao động... là những tiêu chuẩn lao động cơ bản được thực hiện khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đi kèm với quyền lợi, cơ hội, những thách thức mới cũng sẽ đến với NLĐ.

 

Người lao động sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Người lao động được phép lập tổ chức riêng

TPP chính là thỏa thuận thương mại tự do đầu tiên bao gồm các điều khoản về lao động, đòi hỏi Việt Nam thông qua và duy trì trong luật pháp, quy định và thực hành những quyền được nêu trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), bao gồm tự do liên kết, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Hiệp định TPP cũng bao gồm các nội dung nhằm bảo vệ tổ chức của NLĐ để không bị chủ sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền lợi của NLĐ. 

Sau khi gia nhập TPP, NLĐ sẽ được hỗ trợ tạo công ăn việc làm và nhiều cơ hội mới. Các quy định về điều kiện lao động, lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động… sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Các doanh nghiệp (DN) tham gia buộc phải tuân thủ nguyên tắc, không được viện lý do không đủ nguồn lực để hoạt động kém hiệu quả, bảo đảm thông tin minh bạch về luật pháp.

Điểm mới đáng lưu ý là NLĐ được tự do thành lập tổ chức của mình trong doanh nghiệp. Kể từ khi Bộ luật Lao động năm 1994 được thông qua, Việt Nam đã ghi nhận hơn 5.500 cuộc đình công và tất cả đều là đình công tự phát, nghĩa là không có cuộc đình công nào do Công đoàn tổ chức. Vì vậy, việc NLĐ được tự do thành lập tổ chức là hoàn toàn phù hợp. Sau khi thành lập, tổ chức đó có thể tự do lựa chọn hoặc gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc có thể tự chủ cho tổ chức của mình. 

Nếu tự chủ, tổ chức đó bắt buộc phải bầu ra đại diện, có điều lệ và nội quy của tổ chức, thu phí và quản lý tài chính, tài sản của tổ chức; đối thoại, thương lượng tập thể theo quy định của pháp luật; tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của pháp luật. Sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước, tổ chức này có thể được phép hoạt động ngay. Đặc biệt, chủ sử dụng lao động không được phép can thiệp vào hoạt động của tổ chức tự chủ này. 

Cạnh tranh lao động sẽ gay gắt

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng Việt Nam tham gia TPP là cơ hội vàng để cải thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý lao động, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của DN và NLĐ. Tuy nhiên, thật không dễ dàng thay đổi trong một sớm một chiều. 

Điểm qua diễn biến về thị trường lao động những năm qua cho thấy, các cuộc đình công, ngừng việc tập thể xảy ra liên tiếp (trong đó ngành dệt may, da giày chiếm đến trên 40%), do lương thấp, tăng ca, do văn hóa ứng xử của DN… NLĐ nói chung và đoàn viên Công đoàn nói riêng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của năm 2015 là 2,31% và tỷ lệ thiếu việc làm là 1,82%, nhiều nơi cuộc sống bấp bênh, mạng lưới an sinh xã hội không được bảo đảm. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, việc gia nhập TPP sẽ tạo thuận lợi cho NLĐ và DN đề ra các giải pháp để xử lý các vấn đề trong quan hệ lao động, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.

Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, về thực tiễn, quan hệ lao động trên bình diện cả nước nói chung là ổn định, nhưng do quan hệ lao động là lĩnh vực chịu tác động nhiều chiều của các yếu tố kinh tế - xã hội nên cũng có những biến động khác nhau ở các địa phương, ngành nghề và ở những thời điểm khác nhau trong năm. 

Tại một số địa phương có mức độ tập trung sản xuất công nghiệp cao như Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh… và những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày dép, chế biến gỗ, chế biến thủy hải sản thì tỷ lệ tranh chấp lao động và đình công vẫn cao tuy đã có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Khi chính thức tham gia TPP các ngành nghề nói trên sẽ được hưởng lợi do sản phẩm xuất khẩu tăng mạnh, có thể tạo thêm hàng triệu cơ hội việc làm mới. Tuy nhiên, có thể tạo ra những thách thức lớn về quan hệ lao động vì đây luôn là những ngành có độ nhạy cảm cao về quan hệ LĐ. 

Hơn nữa, hội nhập, tự do di chuyển lao động sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh gay gắt, đặc biệt đòi hỏi về lao động có kỹ năng, trình độ cao, khả năng ngoại ngữ tốt. Vì vậy, nếu không có những giải pháp, hướng đi đúng đắn, một bộ phận không nhỏ NLĐ sẽ bị thất nghiệp, khó cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh do không đáp ứng được yêu cầu.

Nguồn Báo HN mới