[In trang]
CĐ Habeco: Nâng cao kỹ năng thương lượng và đàm phán TƯLĐTT
Thứ ba, 14/06/2016 - 08:14
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai về công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT

Đến nay, đã có 21/22 đơn vị trực thuộc Công đoàn TCty CP Bia - Rượu - NGK Hà Nội (Habeco) đã xây dựng và thực hiện TƯLĐTT, trong đó 01 đơn vị mới thành lập cuối năm 2015 mới bắt đầu xây dựng TƯLĐTT), góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp phát, chính đáng cho công nhân, lao động.

Nhìn chung, nội dung các bản TƯLĐTT đã ký kết đều đảm bảo quyền và nghĩa vụ giữa hai bên trong quan hệ lao động, có những điểm có lợi hơn đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động, như: Mức lương tối thiểu, phụ cấp đi lại, phụ cấp ăn ca, ngày nghỉ việc riêng được hưởng nguyên lương, phương tiện đi thăm hỏi, việc hiếu CNVCLĐ.


Tuy nhiên, vẫn còn có một số doanh nghiệp đã ký TƯLĐTT nhưng còn mang tính hình thức; nội dung của TƯLĐTT chủ yếu là sao chép một số điều khoản quy định của Bộ luật Lao động, chưa cụ thể hóa vào tình hình cụ thể của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với đơn vị liên doanh với nước ngoài thì việc ký kết TƯLĐTT rất khó khăn. Quá trình thương lượng để ký kết có khi kéo dài 2 đến 3 năm, người lao động muốn mọi thứ phải được ghi chi tiết, rõ ràng, như: Lương hàng năm tăng bao nhiêu, tiền thưởng ra sao các chế độ phúc lợi khác thế nào? Trong khi đó, người sử dụng lao động lại chỉ muốn ghi chung chung tùy kết quả sản kinh doanh sẽ xem xét quyết định.

Nguyên nhân chung là do cán bộ công đoàn cơ sở chưa nắm vững quy trình, thủ tục thương lượng, ký kết TƯLĐTT; cán bộ chủ yếu kiêm nhiệm công tác công đoàn, phụ thuộc vào người sử dụng lao động, nên không chủ động đề xuất với người sử dụng lao động về nội dung thương lượng TƯLĐTT. Công tác chuẩn bị nội dung, tập hợp ý kiến của người lao động trong thương lượng TƯLĐTT chưa được chú trọng và chuẩn bị chu đáo. Việc tổ chức lấy ý kiến của tập thể người lao động vào dự thảo TƯLĐTT trước khi ký kết làm chưa tốt, mang tính hình thức. Việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thương lượng, ký kết TƯLĐTT và công tác kiểm tra, giám sát thực hiện TƯLĐTT chưa được quan tâm đầy đủ. NLĐ mặc dù đã được tuyên truyền, học tập về Luật Lao động nhưng nhận thức về TƯLĐTT chưa đầy đủ, nhiều công nhân lao động không phân biệt được TƯLĐTT với hợp đồng lao động; chưa phân biệt được những nội dung nêu trong TƯLĐTT thế nào là có lợi hơn so với các quy định của pháp luật lao động. Năng lực hoạt động công đoàn của nhiều cán bộ công đoàn cơ sở còn yếu; thiếu kiến thức pháp luật lao động và bản lĩnh, kỹ năng trong đàm phán thương lượng TƯLĐTT...

Theo đó, để nâng cao chất lượng TƯLĐTT ở các doanh nghiệp, thời gian tới Công đoàn Habeco tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai về công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT, đồng thời tổ chức kiểm tra, đôn đốc các công đoàn cơ sở trong việc thực hiện; tổ chức tập huấn chuyên đề chính sách - pháp luật trong đó có nội dung TƯLĐTT cho cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở và cán bộ CĐCS.

Công đoàn cấp trên cơ sở ngoài việc chỉ đạo, tổ chức tập huấn, tư vấn cho CĐCS; hỗ trợ CĐCS trong việc đưa ra yêu cầu và nội dung thương lượng, nhất là trong quá trình đàm phán, thương lượng; giáo dục, nâng cao hiểu biết về pháp luật lao động cho cán bộ công đoàn và NLĐ; đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật lao động cho NLĐ, để NLĐ tự bảo vệ các quyền, lợi ích của bản thân trong quan hệ lao động với người sử dụng lao động, trước hết là các kiến thức pháp luật về TƯLĐTT, hợp đồng lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, kỷ luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Công đoàn cần động viên người lao động tích cực tham gia vào các hoạt động của công đoàn cơ sở để phát huy hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn; có ý thức xây dựng mối quan hệ hài hòa đối với người sử dụng lao động.