Đề án Thư viện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) do Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về TƯLĐTT trong hệ thống CĐ; giới thiệu cho các cấp CĐ những bản TƯLĐTT có chất lượng tốt đã được ký kết và đang thực hiện, qua đó giúp đội ngũ cán bộ CĐ, các cấp CĐ thuận lợi trong việc chia sẻ thông tin trong quá trình thương lượng tập thể.
Nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng Thư viện thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), CĐCTVN đã đề nghị các Công đoàn (CĐ) cấp trên cơ sở tiếp tục tập hợp, phân loại những bản TƯLĐTT (còn hiệu lực đến năm 2016) gửi về Thư viện điện tử. Đến nay, CĐCTVN đã nhận được 205 TƯLĐTT, nhiếm khoảng 41% tổng số TƯLĐTT toàn Ngành, trong đó có 79 TƯLĐTT khối doanh nghiệp Nhà nước, 101 TƯLĐTT khối doanh nghiệp tư nhân, 25 TƯLĐTT khối doanh nghiệp FDI, tập trung chủ yếu tại một số công đoàn cấp trên cơ sở như: Thép, Giấy, Thuốc lá... và một số ít CĐCS trực thuộc.
Trên thực tế, 88% các doanh nghiệp có CĐ trực thuộc CĐCTVN đã thực hiện ký TƯLĐTT; tuy nhiên, việc triển khai TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp mới chỉ có TCty Thép VN. TƯLĐTT đạt loại A, B chỉ khoảng 30% và ít đơn vị sử dụng TƯLĐTT để giải quyết các mối quan hệ về lao động như chức năng của nó.
Thực trạng trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do phần lớn NSDLĐ, kể cả Ban Chấp hành CĐCS chưa nhận thức được tầm quan trọng của TƯLĐTT. Kỹ năng đối thoại, thương lượng của cán bộ công đoàn còn nhiều hạn chế. Nhiều doanh nghiệp chỉ chú trọng tìm kiếm lợi nhuận, chưa quan tâm đến người lao động.
Trong thời gian tới, nhằm đảm bảo hoạt động công đoàn thực sự đi vào chiều sâu, các cấp công đoàn cần ý thức vai trò của mình trong việc nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT; tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động. Mặt khác, cần có những biện pháp chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, như vậy, doanh nghiệp mới có điều kiện đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.
Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn cơ sở cần tìm hiểu và nắm rõ đặc điểm tâm lý, tính cách, quan điểm của người sử dụng lao động và văn hóa của chủ đầu tư nước ngoài để lựa chọn phương pháp đối thoại, thương lượng phù hợp; xử lý nhanh các tình huống phát sinh.
Trong quá trình thương lượng tập thể, cần tăng cường sự tham gia của người lao động bằng nhiều hình thức, như: Lấy ý kiến (trực tiếp hoặc bằng phiếu hỏi); tổ chức họp tổ, nhóm hoặc toàn thể người lao động; cử đại diện của tổ, đội, bộ phận, phân xưởng tham gia vào tổ thương lượng của công đoàn; qua đó, nâng cao nhận thức và hiểu biết của người lao động đối với TƯLĐTT. Ban Chấp hành CĐCS cần thường xuyên giám sát việc thực hiện TƯLĐTT của người sử dụng lao động và người lao động, định kỳ phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các cuộc họp để cùng nhau đánh giá việc thực hiện các điều khoản, nếu phát hiện có vấn đề không phù hợp thì chủ động yêu cầu người sử dụng lao động tiến hành thương lượng, đối thoại để điều chỉnh, bổ sung; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phải coi TƯLĐTT là công tác trọng tâm chủ yếu trong hoạt động của mình, không khoán trắng cho cơ sở. Đối với CĐCS, cần tăng cường vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong việc chỉ đạo, hỗ trợ CĐCS thương lượng, xây dựng TƯLĐTT, đặc biệt quan tâm những doanh nghiệp thường xuyên xảy ra tranh chấp lao động; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cán bộ CĐCS nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng đối thoại và thương lượng với doanh nghiệp; định kỳ hàng năm kiểm tra, đánh giá kết quả ký kết và thực hiện TƯLĐTT; tổ chức sơ kết, tổng kết vào giữa và cuối nhiệm kỳ.
Mặt khác, công đoàn các cấp cần tích cực tham gia vào việc xây dựng Thư viện TƯLĐTT theo hướng dẫn của Tổng LĐLĐVN, từ đó có thể trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm hay để nâng cao chất lượng TƯLĐTT.
Hoàng Anh