Thực hiện Nghị quyết 7c/NQ-BCH ngày 25/02/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Khóa XI) về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, Công đoàn ngành Công Thương Quảng Bình đã tổ chức khảo sát bữa ăn ca tại 05 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; cùng đi có đại diện Thường trực và các ban LĐLĐ Tỉnh.
Khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp đã hỗ trợ định mức suất ăn từ 12.000 - 15.000 đồng/suất/người (chưa kể chi phí vận chuyển, gas, điện, nước, phục vụ...). Định mức này phù hợp với giá cả thị trường tại tỉnh Quảng Bình. Qua đó cho thấy, các doanh nghiệp đã coi bữa ăn ca, bếp ăn tập thể là một bộ phận cấu thành của doanh nghiệp chứ không phải là việc làm “bắt buộc” hoặc “làm cho có”. Các chủ sử dụng lao động đã đầu tư thích hợp, thỏa đáng cho bếp ăn tập thể; quan tâm thường xuyên tới bếp ăn, chất lượng bữa ăn, chủ động phối hợp cơ quan y tế kiểm tra, đánh giá an toàn vệ sinh thực phẩm, coi trọng chất lượng bữa ăn ca đối với sức khỏe của người lao động.
Tại các đơn vị được khảo sát, Ban Chấp hành (BCH) công đoàn cơ sở (CĐCS) đã tích cực tham gia chăm lo một cách trực tiếp cho người lao động như: Cử cán bộ công đoàn hàng ngày giám sát nguồn thực phẩm đầu vào và quy trình chế biến, phục vụ tại nhà ăn ca... Trong đó, 03 CĐCS đã tự chăn nuôi lợn, bò và gà cung cấp cho bếp ăn với số lượng lớn thực phẩm tươi an toàn (đặc biệt là CĐCS Xí nghiệp May Hà Quảng mỗi tháng bán cho bếp ăn 2,4 tấn thịt lợn tươi). Phần lớn các doanh nghiệp tự tổ chức bếp ăn, tuyển đội ngũ đầu bếp có tay nghề được đào tạo; trang thiết bị đầu tư cho nhà bếp và nhà ăn ca đáp ứng yêu cầu.
Làm việc với chủ sử dụng lao động và BCH CĐCS tại các đơn vị được khảo sát, Thường trực LĐLĐ Tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp cùng BCH CĐCS cần tiếp tục quan tâm tới chất lượng bữa ăn ca của người lao động, tự tổ chức bữa ăn ca nhằm tiết kiệm chi phí; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thông qua việc lựa chọn nhà thầu có uy tín, nguồn gốc thực phẩm an toàn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của NLĐ; qua đó, hạn chế không để xảy ra đình công hoặc khởi kiện vì vấn đề liên quan.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần ký kết thỏa ước lao động tập thể có nội dung về bữa ăn ca của NLĐ; đảm bảo định lượng trong một suất ăn để người công nhân tái tạo sức lao động. Thông qua việc cải thiện chất lượng bữa ăn hằng ngày, chắc chắn DN sẽ hưởng lợi nhờ năng suất lao động tăng lên của NLĐ.
Phan Mạnh Hùng