[In trang]
Tuyên truyền để người lao động gia nhập công đoàn
Thứ hai, 30/05/2016 - 10:00
Tuyên truyền để người lao động biết, hiểu và tự nguyện gia nhập công đoàn là hết sức quan trọng, cần được đổi mới

Để tổ chức Công đoàn ngày càng phát triển mạnh mẽ, cần kết nạp thêm nhiều đoàn viên. Vậy công tác tuyên truyền để người lao động  gia nhập Công đoàn cần phải làm gì?

Trước kia, việc gia nhập Công đoàn như là điều “đương nhiên” khi người lao động khi được nhận vào làm việc ở các đơn vị, nhà máy thuộc Nhà nước. Khi đó nếu ai không là đoàn viên Thanh niên (nếu còn trong tuổi đoàn), không phải là đoàn viên Công đoàn thì sẽ coi là một “hiện tượng” là “người chậm tiến bộ” ý nghĩa tự nguyện gia nhập các tổ chức này ít được chú ý. Hiện nay, việc gia nhập Công đoàn là rất cần thiết và mang “tính tự nguyện” của người lao động. Pháp luật nghiêm cấm việc “ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn” (khoản 2 Điều 190 Bộ Luật Lao động) và Điều 5 Luật Công đoàn quy định người lao động “có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn”. Như vậy, người lao động tự tìm hiểu thấy Công đoàn thật sự cần thiết thì họ sẽ tự nguyện gia nhập vào tổ chức đó.


Để người lao động hiểu về Công đoàn, trước hết hoạt động của Công đoàn phải vì người lao động, để người lao động gửi gắm tâm tư tình cảm, là chỗ dựa khi khó khăn, tự hào khi mình được là thành viên. Cho nên, yếu tố quan trọng đầu tiên thu hút người lao động phải từ ảnh hưởng của hoạt động tại cơ sở. CĐCS có thực sự vì người lao động, đấu tranh cho quyền lợi người lao động, giải quyết được các bức xúc của người lao động thì người lao động mong muốn tham gia công đoàn.

Thời gian qua, chúng ta chưa phân định rõ ràng quyền lợi “đoàn viên” và “không phải đoàn viên” ở đơn vị, doanh nghiệp. Vì coi “thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động và tập thể lao động”, nên việc chăm lo cho đoàn viên (hay không phải đoàn viên) đều như nhau. Dẫn đến việc khó trả lời cho câu hỏi “Thế đoàn viên với không phải đoàn viên khác nhau cái gì ?!”. Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn năm 2012 đã quy định rõ quyền và trách nhiệm của đoàn viên. Khi tuyên truyền để người lao động gia nhập công đoàn cần chú ý tập trung vào những quy định này để người lao động biết và hiểu có sự so sánh khi tham gia tổ chức.

Trước hết gia nhập công đoàn, người lao động là thành viên (được cấp Thẻ đoàn viên) của tổ chức chính trị - xã hội được pháp luật công nhận và quy định chức năng nhiệm vụ trong những Bộ luật, Luật riêng. Tổ chức này nằm trong hệ thống chính trị có những quyền và chức năng mà các tổ chức chính trị - xã hội (không nằm trong hệ thống chính trị) không có được (ví dụ quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế-xã hội; trình các dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị xây dựng chính sách pháp luật; tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt độngcủa cơ quan, tổ chức doanh nghiệp …). Một tổ chức có truyền thống, lịch sử phát triển gắn liền với lịch sử của cách mạng Việt Nam, tham gia tích cực công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước. Người lao động được hưởng các quyền lợi sau đây mà tổ chức công đoàn mang lại nếu họ gia nhập là thành viên.

Đoàn viên có quyền yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm. Người lao động có quyền, lợi ích được quy định trong pháp luật, song không phải tất cả người lao động đều biết hết các quy định này. Những vướng mắc, tranh chấp, trù dập cần được giải quyết theo luật định. Chỉ là đoàn viên thì người lao động mới có quyền yêu cầu Công đoàn và Công đoàn phải có trách nhiệm đại diện bảo vệ người lao động khi bị xâm hại. Đoàn viên còn được Công đoàn tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí về lao động, công đoàn. Hiện nay, thời đại sống làm việc theo hiến pháp, pháp luật, mọi vấn đề đều được luật pháp quy định, điều chỉnh các mối quan hệ liên quan. Ngoài Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn còn có khá nhiều Luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến người lao động. Nếu trở thành đoàn viên ngoài việc được tư vấn miễn phí, người lao động còn được yêu cầu Công đoàn đại diện cho mình trước pháp luật, trước tòa án, được Công đoàn hỗ trợ án phí những việc liên quan đến lao động, công đoàn.

Là đoàn viên, người lao động có quyền đề xuất với Công đoàn kiến nghị với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật với người lao động. Chính sách, chế độ ban hành có thể chưa phù hợp, chưa sát với thực tiễn, hoặc qua thời gian cần được sửa đổi bổ sung, từ việc triển khai thực hiện, đoàn viên phản ánh, đề nghị với tổ chức Công đoàn tổng hợp, xem xét kiến nghị với các cơ quan liên quan kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.                 

Ngoài những quyền lợi như trên, là đoàn viên, người lao động còn được thông tin, thảo luận và biểu quyết công việc của Công đoàn, thông tin về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; Được tham gia ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp, chất vấn cán bộ công đoàn, kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ công đoàn có sai phạm; Tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch do Công đoàn tổ chức. Nếu “Khi người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ. Khi người sử dụng lao động dơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ công đoànkhông chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với BCH CĐCS hoặc BCH công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở” (Khoản 6,7 Điều 192 Bộ Luật Lao động).

Người lao động có khá nhiều “Quyền” khi trở thành đoàn viên. Vậy đoàn viên có trách nhiệm gì? Đoàn viên phải chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn, nghị quyết của Công đoàn, tham gia các hoạt động công đoàn và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Bản thân phải học tập nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; đoàn kết giúp đỡ đồng nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, đồng nghiệp và tổ chức công đoàn.  Như vậy trách nhiệm của đoàn viên là những việc thường ngày mà mọi người đang làm, đang phấn đấu.

Người lao động được bảo vệ bằng những quyền của đoàn viên nếu họ tham gia vào công đoàn. Hoạt động công đoàn ở cơ sở những năm qua chưa thực sự phân định rõ ràng đâu là hoạt động dành cho đoàn viên, đâu là hoạt động vì người lao động. Những vấn đề Công đoàn tham gia như xây dựng nội quy, quy chế, thương lượng ký kết Thỏa ước LĐTT, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách… không chỉ có đoàn viên mà mọi người trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều được hưởng kết quả đó. Song chỉ là đoàn viên mới được hưởng những quyền được quy định ở phần trên. Vì thế, trong hoạt động công đoàn cần có sự phân định rõ ràng để đoàn viên thấy phần “hơn” khi gia nhập tổ chức. 

Tuyên truyền để người lao động biết, hiểu và tự nguyện gia nhập công đoàn là hết sức quan trọng, cần được đổi mới, cụ thể có sự so sánh bằng chính hoạt động vì đoàn viên của công đoàn cơ sở.

Nguyễn Xuân Thái