[In trang]
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 26/5
Thứ sáu, 27/05/2016 - 21:27
Trong ngày 26 tháng 5 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước

Trong ngày 26 tháng 5 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Chưa áp dụng chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu; Doanh nghiệp tôm Việt gặp khó vì thương lái Trung Quốc; Tạo cơ chế để khuyến khích phòng chống hàng giả; Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí bắt đầu có hiệu lực; Doanh nghiệp dệt may than phiền vì Thông tư 37; Công trình đường dây 220KV Trực Ninh (Nam Định) không đảm bảo chất lượng.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Chưa áp dụng chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu.


Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) mới có thông báo gia hạn thời gian ra kết luận sơ bộ, vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Như vậy, đến lúc này, Bộ Công Thương vẫn chưa áp dụng chống bán phá giá với thép mạ nhập khẩu. Các doanh nghiệp cần lưu ý và chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình khi ký kết các đơn hàng nhập khẩu thép. 

2. Doanh nghiệp tôm Việt gặp khó vì thương lái Trung Quốc.

Hiện nay giá tôm nguyên liệu trong nước đang cao hơn nước ngoài 1 USD/kg. Tuy nhiên, lại khó mua do thương lái Trung Quốc tranh mua, họ đến tận ao của nông dân mua cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá thị trường.

Ngoài ra, các yếu tố như thuế chống bán phá giá, rào cản kỹ thuật của các thị trường, một số quy định chính sách không thuận lợi sẽ tiếp tục chi phối hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm nay.

3. Tạo cơ chế để khuyến khích phòng chống hàng giả.

Tại Hội thảo “Chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và vai trò của DN” tổ chức ngày 25/5, các đại biểu nhìn nhận tình hình vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp. Phương thức, thủ đoạn làm hàng giả ngày càng tinh vi. Trong quá trình điều tra các hành vi sai phạm, vấn đề lớn nhất là thiếu sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa cơ quan chức năng, làm việc theo kiểu “mạnh ai nấy làm”.

Một trong những giải pháp quan trọng thời gian tới là Chính phủ sẽ có những cơ chế thuận lợi, khuyến khích để các doanh nghiệp, hiệp hội chủ động điều tra và hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

4. Nghị định 19/2016 về kinh doanh khí bắt đầu có hiệu lực.

Tại Hội nghị phổ biến Nghị định số 19/20216/NĐ-CP (Nghị định 19) và Thông tư số 03/2016/TT-BCT về kinh doanh khí, các doanh nghiệp có mặt tỏ ra khá bức xúc với một số điều luật.

Theo cách tính mà Bộ Công Thương đưa ra thì mỗi tỉnh vùng sâu, vùng xa phải tiêu thụ khoảng 300 tấn/tháng. Do vậy, các doanh nghiệp phải đầu tư thừa khả năng tiêu thụ của thị trường. Đại diện Vụ thị trường trong nước (BCT) cho biết, quy định điều kiện thương nhân phân phối khí mang chế tài chung, sẽ không có những điều kiện đặc thù cho vùng sâu, vùng xa.

Theo giải thích của đại diện Bộ Công thương, quy định về điều kiện tối thiểu vỏ chai và bồn chứa là để các doanh nghiệp phải lớn lên. Doanh nghiệp có thể sáp nhập lại với nhau thành một doanh nghiệp đủ điều kiện hoặc giải thể bán lại cơ sở vật chất cho doanh nghiệp lớn hơn. Doanh nghiệp đừng nghĩ đến cơ chế đặc thù nào sẽ đến với họ, xu thế phát triển là phải theo hướng hình thành những DN lớn đủ năng lực cạnh tranh.

5. Doanh nghiệp dệt may than phiền vì Thông tư 37.


Tại hội nghị “Đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 37 ngày 30.10.2015” do Bộ Công Thương tổ chức, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may than rằng bị gây khó dễ bởi thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí hơn.

Trước những vướng mắc, khó khăn mà DN phản ánh, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) một lần nữa khẳng định, mục đích của của Thông tư nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Nếu không có những quy định kiểm tra nghiêm ngặt, hàng dệt may giá rẻ sẽ tràn vào, hàng Việt sẽ rất khó cạnh tranh. Mặt khác, việc ngăn chặn hàng hóa bằng công cụ kỹ thuật phải bình đẳng nên DN buộc phải tuân thủ.

6. Công trình đường dây 220KV Trực Ninh (Nam Định) không đảm bảo chất lượng.

Theo thiết kế, công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình - Nam Định có tổng chiều dài 29,437km và cần trên 50 cột đỡ. Tuy nhiên, trong quá trình thi công những móng cột tại địa phận xã Đại An, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định), phần lớn bêtông đã bị đánh tráo bằng hỗn hợp đất, cát, bùn... Sự trắng trợn này tại công trình năng lượng trọng điểm đã khiến chính những công nhân thi công cảm thấy bất bình. Sau khi chủ động nghỉ việc, họ quyết đưa toàn bộ sự thật ra ánh sáng bằng cách cung cấp tới Báo Lao Động.

Về vấn đề này, Người phát ngôn của Bộ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã yêu cầu Đơn vị chức năng phụ trách (Tổng Cục Năng lượng) có báo cáo về vụ việc nêu trên.

 LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)