[In trang]
Phủ nhận một quy định tốt cho người lao động - mục đích gì?
Thứ hai, 16/05/2016 - 08:16
Vì lý do gì mà VCCI đã phủ nhận những nỗ lực của Luật CĐ?

XUNG QUANH CUỘC BÌNH CHỌN “CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT TỐT NHẤT VÀ TỒI NHẤT” CỦA VCCI

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sắp công bố kết quả “Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất”. Trong số các đề cử “quy định tồi”, theo VCCI, quy định “doanh nghiệp phải đóng tài chính cho công đoàn (CĐ) bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH” nằm trong hạng mục quy định tồi.

Điều này đã gây ngạc nhiên bởi chính quy định “đóng tài chính 2%” nằm trong Luật CĐ là nhằm đảm bảo những quyền lợi cơ bản đối với người lao động. Vì lý do gì mà VCCI đã phủ nhận những nỗ lực của Luật CĐ?

Cơ quan, doanh nghiệp trích nộp kinh phí công đoàn 2% quỹ lương đã được pháp luật quy định cụ thể trong Luật Công đoàn. Nhiều năm qua, kinh phí công đoàn đã góp phần mang lại quyền lợi thiết thực cho người lao động (ảnh minh họa).

Vì sao VCCI tiến hành bình chọn?

Từ cuối năm 2015, VCCI đã quyết định tiến hành một cuộc bầu chọn mang tên “Các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất - Top ten Regulations”. Đây là cuộc bình chọn được đánh giá là một cuộc bình chọn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đối với các quy định pháp luật về kinh doanh được ban hành bởi các cơ quan nhà nước cấp T.Ư trong thời gian qua. Kết quả của cuộc bình chọn sẽ chỉ ra 10 quy định tốt nhất và 10 quy định tồi nhất đối với môi trường kinh doanh.

VCCI đã lập ra một website mang tên http://topten.vibonline.com.vn/ và một trang fanpage trên Facebook mang tên “Cuộc bình chọn 10 quy định tốt nhất và tồi nhất” để lấy ý kiến. Cuộc bình chọn này nhận đề cử từ tháng 12.2015 tới 29.2.2016. Thời gian bình chọn từ tháng 3.2016 đến cuối tháng 4.2016 và dự kiến công bố kết quả trong tháng 5. Theo VCCI, hiện tổng số đề cử nhận được là 9.297 nhưng tổng số quy định hợp lệ được đề cử là 237 quy định do nhiều đề cử trùng lặp về nội dung, loại bỏ các đề cử không phải là quy định trong văn bản quy phạm pháp luật và các quy định nằm ngoài khoảng thời gian 2011-2015. Trong số đó số quy định tốt có 114 quy định và số quy định tồi là 123.

Thực tế thì cuộc bình chọn đã nhắc đến một số quy định bất cập, chẳng hạn như Thông tư 57 của Bộ Công an quy định phải có bình chữa cháy trên xe ôtô, quy định giám đốc/người đứng đầu cơ sở in phải có bằng cao đẳng ngành in… Thế nhưng, VCCI đã gây ngạc nhiên và bức xúc khi “chấm” quy định tại khoản 2, Điều 26 Luật Công đoàn năm 2012 với nội dung DN phải đóng tài chính cho CĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ bị đề cử là tồi chỉ vì quy định ấy đã và đang cố gắng chăm lo cho NLĐ.

Cố “lờ” đi quyền lợi của người lao động!

Ngày 5.5.2016, Tổng LĐLĐVN nhận được công văn số 1013/PTM-PC của VCCI về việc cung cấp thông tin thêm cho “Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất”. Công văn này cho hay, DN phải đóng tài chính cho CĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ bị đề cử là tồi bởi 3 lý do sau: Thứ nhất, người đề cử cho rằng CĐ là tổ chức tự nguyện của NLĐ nhưng lại yêu cầu NLĐ đóng CĐ phí là không cần thiết, chưa xuất phát từ tính chất, vai trò của CĐ; thứ hai, việc yêu cầu DN đóng CĐ phí sẽ làm giảm tính độc lập của CĐ; thứ 3, khoản tiền 2% quỹ lương của toàn bộ NLĐ là chi phí xã hội rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng.

Phủ nhận một quy định tốt cho người lao động - mục đích gì?


Trong suốt thời gian qua, nguồn kinh phí công đoàn 2% đã được dùng để chăm lo tốt hơn quyền lợi và đời sống của hàng triệu người lao động. 

Nếu số tiền đó được chủ sử dụng lao động giữ lại thì có thể giúp tăng lương cho NLĐ hoặc tăng đầu tư cho tư liệu sản xuất giúp tăng năng suất lao động. Trong công văn, VCCI mong muốn nhận được phản hồi, ý kiến của Tổng LĐLĐVN về lý do của việc ban hành/soạn thảo quy định trên. Rõ ràng từ 3 lý do trên có thể thấy Ban tổ chức cuộc bình chọn đã cố tình không hiểu đúng ý nghĩa, vai trò của Luật CĐ, đặc biệt là ý nghĩa của việc đóng tài chính cho CĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ chính là nhằm để DN có trách nhiệm hơn với NLĐ.

Về vấn đề này, ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch CĐCS Cty Taekwang Vina - cho biết: “Từ nguồn kinh phí CĐ 2%, CĐCS Cty Taekwang Vina đã nâng cao đời sống của CNLĐ của Cty lên rõ rệt, chúng tôi có thêm điều kiện nâng cao chất lượng đời sống của CN toàn Cty. CN Cty đã có bữa ăn tươm tất hơn, nhà ăn tập thể thoáng mát, bảo đảm vệ sinh môi trường và điều kiện an toàn thực phẩm... Đối với công nhân nữ nuôi con nhỏ, mỗi tháng Cty còn hỗ trợ thêm 100.000 đồng/cháu.

Đặc biệt, trước đây khi CN khuyết tật mới vào làm chưa ổn định được cuộc sống cũng như phương tiện đi lại, Cty còn bố trí ký túc xá cho CN thuộc đối tượng này. Để giúp CN giảm bớt khó khăn trong đời sống hằng ngày, Cty còn cho mở siêu thị mini với các mặt hàng thiết yếu, bán với giá rẻ hơn thị trường và cho CN mua hàng trả chậm. Để giúp NLĐ yên tâm công tác, hằng năm, CĐCS Cty còn tổ chức cho CN vay vốn “hỗ trợ khó khăn” không lãi suất, mỗi năm cho CN vay hàng tỉ đồng..”.

Hay ở một Cty khác, Chủ tịch CĐ Cty Pou Yuen Việt Nam (Q.Bình Tân, TPHCM) Củ Phát Nghiệp cho hay, hằng tháng Cty đều trích nộp đủ 2% kinh phí CĐ cho LĐLĐ quận với tổng kinh phí khoảng 60 tỉ đồng. Sau đó LĐLĐ quận chuyển lại phần kinh phí theo quy định của Tổng LĐLĐVN cho CĐCS. Từ khoản tiền này, CĐ chăm lo đủ thứ về đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ: Tổ chức các lớp học kỹ năng, ngoại ngữ, tổ chức sinh hoạt văn hoá, thể thao miễn phí cho NLĐ. Chính việc làm này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của DN, thể hiện rõ nhất là số lượng CN tăng lên qua các năm và hiện Cty đã có trên 90.000 CNLĐ. Việc thực hiện nghiêm trích nộp kinh phí CĐ góp phần không xảy ra tranh chấp giữa chủ sử dụng LĐ và NLĐ”.

Có thể thấy từ ý nghĩa này, những lập luận từ VCCI khi nhắc đến “quy định đóng tài chính cho CĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ” không thuyết phục, nghiêng hẳn về phía DN mà lờ đi quyền lợi thực sự của NLĐ.

Nguồn Báo Lao động