“Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp” được Công đoàn ngành Công Thương Lào Cai xác định rõ là một trong những chương trình đặc biệt quan trọng đối với công đoàn ngành, bởi các công đoàn cơ sở trực thuộc chủ yếu là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Công đoàn ngành Công Thương Lào Cai hiện đang quản lý 35 công đoàn cơ sở với tổng số gần 2.000 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động (CNVCaLĐ). Thời gian qua, các đơn vị thuộc công đoàn ngành gặp không ít khó khăn do năm 2015, thị trường tiêu thụ sản phẩm chậm, hàng tồn kho, ứ đọng khó tiêu thụ, đặc biệt là các đơn vị khai khoáng khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Lực lượng lao động trong các doanh nghiệp thuộc ngành luôn có sự biến động phức tạp, 97% là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, quy mô nhỏ, vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh còn hạn chế.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, do một số cán bộ công đoàn còn trẻ, thiếu kinh nghiệm trong công tác, nhất là trong các công đoàn cơ sở mới thành lập, cũng như nhiều chủ doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm pháp luật lao động… đã gây không ít khó khăn cho hoạt động công đoàn cũng như việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của người lao động.
Vượt lên tất cả những khó khăn đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, cấp ủy Đảng, sự phối hợp tốt với chuyên môn đồng cấp…, Công đoàn ngành Công Thương Lào Cai đã đẩy mạnh nhiều mặt công tác, chương trình nên vẫn bảo đảm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động. Đặc biệt, thực hiện Chương trình số 1025/CTr- LĐLĐ của Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai về “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp giai đoạn 2013 - 2018”, Công đoàn ngành Công Thương Lào Cai xác định rõ đây là một trong những chương trình đặc biệt quan trọng, bởi các công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Công Thương Lào Cai hiện đang quản lý chủ yếu là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước… Do đó, Ban Thường vụ Công đoàn ngành đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình, xây dựng bản dự thảo Mẫu Thỏa ước lao động tập thể để các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp tham khảo và vận dụng linh hoạt, mềm dẻo. Mặt khác, Công đoàn ngành hướng dẫn, chỉ đạo sát sao các công đoàn cơ sở thực hiện đúng các quy trình từ việc tham gia xây dựng Thỏa ước lao động tập thể, lấy ý kiến từ các tổ công đoàn, bàn bạc thống nhất trong Ban chấp hành công đoàn cơ sở các nội dung của bản Thỏa ước lao động tập thể, cử đại diện Ban chấp hành thương lượng cùng với chuyên môn đi đến thống nhất từng chương, điều. Đặc biệt, Công đoàn ngành Công Thương Lào Cai đã chú trọng việc thương lượng những điều, khoản có lợi hơn cho người lao động như: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương; công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; thực hiện nội quy lao động và một số nội dung khác mà hai bên quan tâm.
Việc người sử dụng lao động cùng với đại diện tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cùng nhau xây dựng, thương lượng và ký kết Thỏa ước lao động tập thể là cơ sở pháp lý trong việc chấp hành tốt pháp luật lao động. Qua đó, người lao động an tâm, phấn khởi làm việc và thêm tin tưởng vào tổ chức công đoàn; bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động, góp phần tạo mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, nâng cao được uy tín và vị thế của tổ chức công đoàn.
Năm 2015, đã có 17/20 đơn vị thuộc Công đoàn ngành Công Thương Lào Cai có Thỏa ước lao động tập thể với điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Các điều khoản tập trung vào thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, trợ cấp và nâng lương; công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động…