[In trang]
Đào tạo nghề: Trước thách thức hội nhập
Thứ hai, 21/03/2016 - 09:19
Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam hiện rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao

Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ, lĩnh vực đào tạo nghề Việt Nam được khuyến nghị phải thay đổi phương pháp giảng dạy tiếp cận với trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế, để cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng theo yêu cầu của thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Nâng cao kỹ năng nghề để lao động nắm bắt cơ hội việc làm

Đào tạo nghề còn hạn chế

Đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam hiện rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Các doanh nghiệp sử dụng lao động đều gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động, bởi các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc vì sự khan hiếm lao động trong một số ngành nghề. Trước thực trạng đáng báo động này, đổi mới giáo dục và dạy nghề, cải tiến chất lượng lao động đang là yêu cầu cấp bách. 

Theo Tổng cục Dạy nghề, hiện cả nước có gần 1.500 cơ sở dạy nghề, chưa kể hơn 1.000 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề của Việt Nam lại đang tồn tại rất nhiều hạn chế. Đó là chưa có khung trình độ quốc gia tương thích với khu vực và quốc tế; mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề, vùng miền; công tác phân luồng học sinh chưa hiệu quả; nhận thức xã hội về dạy nghề chưa tương xứng; gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề còn thụ động... Đặc biệt, học viên ít có cơ hội thực hành, thiếu doanh nghiệp dẫn dắt đào tạo nên thiếu kỹ năng quan trọng mà nhà tuyển dụng cần.

Ông Trần Trọng Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ - cho rằng, chất lượng không đạt hiệu quả một phần là do các trường đào tạo nghề “nở rộ”, chạy đua “vét” học viên để đạt chỉ tiêu. Ngoài ra, theo ông Trần Trọng Sơn, rào cản lớn nhất đối với trường nghề khi hội nhập quốc tế chính là trình độ ngoại ngữ. “Khi thực hiện hợp tác trao đổi đào tạo, bồi dưỡng nghề với các trường, doanh nghiệp trong nội khối ASEAN có một số kỹ năng nghề Việt Nam không thua kém bạn bè, nhưng trình độ ngoại ngữ của cả giáo viên lẫn học sinh hiện rất hạn chế, làm cho cơ hội học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghề gặp khó khăn” - ông Sơn nói.

Cần định hướng đào tạo phù hợp

“Trong quá trình hội nhập, nếu chúng ta không đào tạo được đội ngũ lao động theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế thì sẽ không có cơ hội để công nhận lẫn nhau, cũng như không có cơ hội sử dụng nguồn nhân lực chung trong khối ASEAN” - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm khuyến cáo. Theo phân tích của ông Cao Văn Sâm, từ tiêu chuẩn chung sẽ mở ra thị trường lao động rộng lớn, sinh viên đạt chuẩn khu vực hay quốc tế sẽ tự tin trong bất cứ môi trường làm việc nào.

Để nắm bắt cơ hội cũng như vượt thách thức hội nhập, các trường nghề đang rốt ráo đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng “bắt tay” với doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, có định hướng đào tạo phù hợp với nhu cầu. Bà Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật nghề TP. Hồ Chí Minh - cho rằng, để đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu thị trường, việc gắn với doanh nghiệp là giải pháp ưu tiên hàng đầu của cơ sở đào tạo nghề hiện nay. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường, như vừa giảng dạy vừa xây dựng chương trình đào tạo, tư vấn nghề, kỹ năng phỏng vấn xin việc cho các vị trí…

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm: 

Đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam đang đứng trước yêu cầu và thách thức rất lớn, đó là phải tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, quan trọng hơn là đáp ứng yêu cầu hội nhập của Việt Nam với ASEAN và quốc tế.  

Nguồn Báo Công Thương