[In trang]
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam
Thứ năm, 05/11/2015 - 15:45
Hãy chú trọng công tác nhân sự đào tạo và tuyển dụng, mỗi lao động mới được tuyển dụng hãy cho họ cơ hội được đào tạo bổ sung nghiệp vụ và kỹ năng cho vị trí lao động của họ.

Hiện nay, nước ta đang phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc phấn đấu để năm 2020 VN trở thành nước công nghiệp không những là một thách thức lớn về đầu tư, mà còn là thách thức lớn về chất lượng nguồn nhân sự liệu có đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quyết liệt của nền kinh tế, thị trường lao động và quá trình toàn cầu hóa hay không?

 

Quá trình chuyển từ thói quen tùy tiện sang kỷ luật công nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cao

Được biết, đa số những người thợ, công nhân được đào tạo từ thời Pháp thuộc có trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp rất cao, rất cẩn thận và chau chuốt công việc. Nhiều người nhận xét là các thợ được đào tạo từ thời Pháp hoặc ở Châu Âu và ở các nước công nghiệp tiên tiến, đều có thái độ nghiêm túc trong lao động, dịch vụ. Xem động tác cẩn thận khi họ tháo lắp xe máy, đồng hồ, lau chùi và để gọn gàng dụng cụ, chi tiết trên vải hoặc trong khay mà thấy yên tâm. Còn thợ ta đào tạo bây giờ thì sao? Quăng dụng cụ tháo lắp và các chi tiết máy xuống đất, sau đó chẳng lau bụi đất bám đầy, cứ thể lắp vào. Do ảnh hưởng của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, người Việt Nam không dễ dàng chuyển đổi một số thói quen, nếp nghĩ và hành động để phù hợp với cơ chế kinh tế mới và sự đòi hỏi phong cách, kỷ luật lao động công nghiệp mới và văn hóa lao động mới. Ở nước ta vô khối chuyện làm ẩu, gian dối gây nguy hiểm về điện, về nhiệt, về vật có cạnh sắc, nhọn, về hóa chất độc hại ,…cho người tiêu dùng mà hàng hóa loại này vẫn bầy bán tràn lan trên thị trường nước ta mà chả ai kiểm tra, phạt, tịch thu…, trong khi đó, trong thời gian vừa qua, nhiều công ty của Pháp trước đây thầu xây dựng cầu Long Biên, nhà cửa biệt thự, đã gửi thông báo đến nước ta về thời hạn sử dụng an toàn của các công trình họ làm từ đầu thế kỷ 20 đã hết hạn sử dụng và họ tuyên bố không còn trách nhiệm nếu ta vẫn còn dùng mà xảy ra sự cố đổ gẫy. Đó là trách nhiệm đối với khách hàng, đối với người tiêu dùng mà các nước công nghiệp tiên tiến họ có.

Tuy nhiên, từ khi có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, người lao động phải làm theo các quy chế của các Cty có vốn FDI đã tiến bộ hơn về kỷ luật và chất lượng lao động. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, phong cách lao động và kỷ luật công nghiệp sẽ nâng cao theo mức chung của khu vực và các nước công nghiệp tiên tiến.

Nhân lực được đào tạo trong trường hiện nay và vấn đề đào tạo bổ sung sau khi ra trường.

Qua một số hội thảo về đào tạo nhân lực, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề có chất lượng đào tạo kém và người học xong tốt nghiệp đa số không làm được việc, mà các doanh nghiệp phải đào tạo lại. Tuy nhiên, ý kiến nói trên chưa thật chính xác, một là các trường không thể đào tạo chuyên sâu đến từng vị trí lao động, hai là các cán bộ ở các công ty doanh nghiệp làm sao trình độ bằng các giáo sư tiến sỹ, giáo viên giảng dạy ở các trường được mà nói họ phải đào tạo lại? Chẳng qua đó chỉ  là đào tạo bổ sung kỹ năng nghề, thậm chí kể cả bí quyết nghề tại từng vị trí lao động mà đôi khi đó lại là yếu tố cạnh tranh của từng doanh nghiệp.

Nhưng thực tế người ta vẫn kêu tại sao đào tạo ra không dùng được? Tôi cho là các doanh nghiệp không muốn bỏ thêm chi phí trong đào tạo bổ sung, muốn có người làm việc được ngay ở chất lượng cao nên tìm cách thu hút người tài đã qua đào tạo ở nước ngoài hoặc kinh qua công tác trong nước có nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Điều đó là đúng quy luật cung cầu và cạnh tranh trong thị trường lao động. Tuy nhiên, khách quan mà nói thì nhiều sinh viên, học sinh tốt nghiệp ra trường chưa viết được một văn bản hành chính cẩn thận và đúng quy cách. Họ bị yếu về kiến thức Luật pháp nói chung và Luật hành chính nói riêng. Trong Trường cũng không quan tâm đủ thời gian về đào tạo đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm trước pháp luật và trước khách hàng. Nhiều em không có triết lý lao động, mà cái gốc lại là không ít em trong thời gian đi học lại không chịu học môn triết học và kinh tế chính trị, để khi ra trường không có trong đầu phương pháp luận cho tư duy một cách khoa học.

Bên cạnh đó, tiền lương thấp, không có nhà trẻ tử tế, thiếu chăm sóc y tế, phương tiện sinh hoạt, phương tiện thông tin thiếu thốn, làm sao để có một đội ngũ nhân lực lao động như mong muốn? Cuộc sống khó khăn của công nhân lao động của các khu công nghiệp, khu chế xuất trong các nhà trọ không thể dẫn tới một nền văn hóa xã hội công nghiệp cao cấp được

Một vài giải pháp nâng cao chất lượng nhân sự lao động

- Đề nghị trong trường chú trọng hướng dẫn động viên cho các em học môn triết học, học các quy luật kinh tế, cạnh tranh, trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp.

- Bổ sung dậy một số môn về Luật pháp hành chính và Luật pháp khác liên quan đến nghề nghiệp và qua hệ xã hội trực tiếp như Luật giao thông, quan hệ lao động theo Luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, chống ô nhiễm môi trường….

- Các trường đầu tư cho việc đào tạo bằng những trang thiết bị học nghề tương đương mức trung bình của xã hội trở lên, bỏ qua các trang thiết bị lạc hậu không còn dùng hoặc còn dùng rất ít.

- Đào tạo khả năng sử lý tình huống, kỹ năng lao động , kỹ năng bảo vệ khỏi tai nạn,…

- Đào tạo về văn hóa doanh nghiệp văn minh

- Các doanh ngiệp liên kết với các trường bằng các hợp đồng đào tạo nhân lực.

- Thi đầu ra cho các trường với tất cả các môn học- học theo chứng chỉ.

- Các doanh nghiệp có chương trình đào tạo bổ sung về kỹ năng lao động tại nghề cụ thể và vị trí lao động cụ thể cho người mới được nhận vào làm việc.

Thị trường lao động ngày càng phát triển đầy cạnh tranh nghiệt ngã. Ai thất nghiệp một lần mới thấy khi có việc làm nó quý thế nào.

Hãy chú trọng công tác nhân sự đào tạo và tuyển dụng, mỗi lao động mới được tuyển dụng hãy cho họ cơ hội được đào tạo bổ sung nghiệp vụ và kỹ năng cho vị trí lao động của họ.