[In trang]
Hoạt động CĐCTVN: Năng động đổi mới và thiết thực với người lao động
Thứ sáu, 26/02/2016 - 13:53
Chủ tịch CĐCTVN Lý Quốc Hùng đã nhấn mạnh, hoạt động công đoàn cần thiết thực hướng về cơ sở và người lao động

Tại Hội nghị Sơ kết nửa nhiệm kỳ (2013-2018) và triển khai nhiệm vụ năm 2016 do CĐCTVN tổ chức vào ngày 26/02, Chủ tịch CĐCTVN Lý Quốc Hùng đã nhấn mạnh, hoạt động công đoàn cần thiết thực hướng về cơ sở và người lao động; công tác chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động được đặt lên hàng đầu.

Tình hình kinh tế trong nước năm 2015 có nhiều thuận lợi, tăng trưởng kinh tế đạt bình quân khoảng 7,0%/năm. Hầu hết các doanh nghiệp, đơn vị trong Ngành đều đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Tỷ lệ mất việc làm, nghỉ luân phiên không nhiều, hầu hết người lao động trong Ngành đều có việc làm với tiền lương, thu nhập ổn định, chế độ chính sách liên quan đến người lao động được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần luôn quan tâm đúng mức. Năm 2015 thu nhập bình quân toàn ngành Công Thương là 5.870.000 đồng/người. Hầu hết các đơn vị thanh toán tiền lương đầy đủ, kịp thời cho người lao động.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng trao cờ đơn vị xuất sắc cho CĐCTVN

Bảo vệ quyền, lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động

CĐCTVN đặc biệt quan tâm triển khai các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của người lao động, như: Chính sách tiền lương, BHXH, BHTN, BHYT đối với CNLĐ bị mất việc làm (trường hợp của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng), các vấn đề liên quan đến chủ trương thoái vốn nhà nước tại một số tổng công ty, doanh nghiệp lớn, như TCty CP Thiết bị điện Việt Nam, VINAMILK nhằm duy trì việc làm, thu nhập cho NLĐ; việc áp dụng thuế GTGT đối với phân bón theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế, phí đường bộ...).

Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, CĐCTVN đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả TƯLĐTT, coi TƯLĐTT là công việc mấu chốt thực hiện nhiệm vụ đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của NLĐ. 

Đến hết năm 2015, trong tổng số 515 doanh nghiệp thuộc ngành Công Thương (bao gồm 33 doanh nghiệp FDI), đã có 487 doanh nghiệp ký TƯLĐTT, đạt 94,56%, trong đó, doanh nghiệp nhà nước 97,16%, doanh nghiệp ngoài nhà nước 93,35% và doanh nghiệp FDI 87,87%; khoảng 60% TƯLĐTT có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ hơn quy định của luật như thu nhập tối thiểu, tháng lương thứ 13, chế độ thăm quan, nghỉ mát, trang bị an toàn vệ sinh lao động và phúc lợi khác (Bảo hiểm tự nguyện, Nhà ăn ca tự chọn, Nhà máy - công viên, Phòng Công nhân...).

Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở như Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP, Tổng Công ty Giấy Việt Nam... đã thương lượng thành công và ký kết được Thỏa ước khung (Thỏa ước ngành hoặc nhóm doanh nghiệp), khắc phục được tính hình thức hoặc sao chép các quy định bắt buộc phải thực hiện của pháp luật, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Ngoài ra, CĐCTVN đã chú trọng công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về lao động, công đoàn; giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động khi bị xâm hại; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Kết quả đã có hàng chục kiến nghị, đề nghị người sử dụng lao động thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật đối với người lao động như: Ký kết HĐLĐ, TƯLĐTT, xây dựng và đăng ký thang bảng lương, quy chế trả lương, tham gia BHXH, BHYT, khám sức khoẻ định kỳ cho NLĐ, công tác an toàn vệ sinh lao động, các chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ… Nhờ vậy, trong nửa nhiệm kỳ qua số đơn, thư khiếu nại, tố cáo của CNVCLĐ giảm hẳn so với nhiệm kỳ trước. CĐCTVN đã trực tiếp hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan giải quyết được 90% đơn thư nhận được, qua đó đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ (điển hình là vụ việc nợ lương và bảo hiểm của Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng, quyền lợi chấm dứt HĐLĐ của NLĐ tại Công ty PROSIMEX...); đồng thời không để xảy ra vụ đình công, lãn công lớn nào.

Hàng năm, CĐCTVN phối hợp với Bộ Công Thương ban hành văn bản liên tịch hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ trong ngành Công Thương. Các cấp Công đoàn thuộc hệ thống CĐCTVN đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức hội nghị CBCNVC và hội nghị NLĐ. Kết quả, hầu hết các đơn vị đã ban hành quy chế dân chủ, 89,6% số đơn vị đã tổ chức hội nghị CBCNVC và hội nghị NLĐ. Đối thoại tại nơi làm việc là việc trao đổi trực tiếp giữa NSDLĐ với NLĐ hoặc đại diện tập thể lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa NSDLĐ và NLĐ, là phương tiện hữu ích để bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đây là vấn đề mới được thể chế hóa tại Bộ luật Lao động 2012.

Đầu năm 2016, việc ký kết thành công Hiệp định TPP và tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN đã đánh mốc son trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Việt Nam. Theo đó, CĐCTVN đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động, tuyên truyền về việc Việt Nam đàm phán TPP, một số hiệp định thương mại tự do, những tác động của các Hiệp định EVFTA, TPP... tới nền kinh tế, doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và người lao động bằng nhiều hình thức phong phú như: Trang web, bản tin, in sách, tập huấn, hội thảo... 

CĐCTVN đã tiến hành biên soạn và phát hành trên 100.000 cuốn tài liệu tuyên truyền pháp luật liên quan đến người lao động; cấp phát cho các cơ sở trong Ngành và trực tiếp phổ biến và trao tặng tài liệu tuyên truyền pháp luật tại một số công đoàn cơ sở thuộc Công đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công đoàn Cty TNHH Phụ tùng ô tô xe máy Showa VN, Công đoàn Tcty Giấy VN, Công đoàn Tcty Máy động lực và Máy nông nghiệp VN.

Hàng năm, ngay vào dịp đầu năm, Công đoàn Công Thương Việt Nam cùng Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị liên tịch về việc tổ chức phong trào thi đua năm nhằm kêu gọi CNVCLĐ toàn ngành hăng hái thi đua lao động, kinh doanh sản xuất hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế của ngành, trọng tâm là thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với mục tiêu “Nâng cao năng suất - Chất lượng - Hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của đoàn viên, người lao động, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động"...

Các cấp Công đoàn trong Ngành đã sáng tạo tổ chức nhiều phong trào thi đua mang tính ngành nghề riêng phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Toàn Ngành có 55 nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi 500 tỷ đồng. Số tiền thưởng cho các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trên 165 tỷ đồng, tiết kiệm nhiều vật tư nguyên liệu với số tiền trên 100 tỷ đồng. Ngoài ra có một số sáng kiến giải pháp không tính được bằng tiền nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn VN, Nghị quyết Đại hội II CĐCTVN, Ban Chấp hành CĐCTVN đã xây dựng Chương trình “Phát triển đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững  mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở và năng lực hoạt động của cán bộ công đoàn, trọng tâm là cán bộ công đoàn cơ sở”. Nửa nhiệm kỳ qua CĐCTVN đã phát triển mới được 6.865 đoàn viên, thành lập mới được 11 công đoàn cơ sở, tỷ lệ đoàn viên công đoàn đạt 93,7% trên tổng số lao động.  

Bên cạnh đó, CĐCTVN đã hướng dẫn điều chỉnh nhiệm kỳ đại hội của công đoàn cơ sở với mục tiêu là các công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên cơ sở đều tiến hành tổ chức đại hội vào năm 2017 và quý I năm 2018 để tiến tới tới Đại hội III CĐCTVN.

Trong công tác nữ công, hơn hai năm qua, CĐCTVN đã tổ chức tuyên truyền và lồng ghép tuyên truyền về công tác nữ, bình đẳng giới với 3.225 cuộc, thu hút trên 94.000 lượt người tham gia. Phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp trong nữ đoàn viên và lao động nữ, phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”được các cấp công đoàn trong ngành triển khai tích cực. Ngày càng nhiều CNVCLĐ nữ có công trình nghiên cứu được nhận giải thưởng Kovalepskaia, Nữ doanh nhân trí thức thành đạt, Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn... Nhiều đơn vị có chế độ khuyến khích nhằm động viên chị em tham gia học tập như: Được bố trí học trong giờ làm việc, đi học được hưởng 100% lương và phụ cấp, hỗ trợ kinh phí khi được nhận bằng...

Một số nhiệm vụ trọng tâm nửa cuối nhiệm kỳ 2013-2018

Chủ tịch CĐCTVN Lý Quốc Hùng trao cờ thi đua cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc

CĐCTVN xác định các nhiệm vụ, các chỉ tiêu phấn đấu phấn đấu hoàn thành toàn diện Nghị quyết Đại hội CĐCTVN lần thứ II và Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI như sau:

1. Tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên và người lao động về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chủ trương công tác công đoàn: Tiếp tục tổ chức triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội CĐCTVN lần thứ II gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn đến công đoàn các cấp và các Ban, đơn vị trực thuộc CĐCTVN; Nêu cao phong trào học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường hoạt động phối hợp với Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, các báo, tạp chí trong Bộ để xây dựng các nội dung báo viết, báo điện tử, các chương trình phát thanh, truyền hình về lao động và công đoàn trong ngành Công Thương.

2. Chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động: Tổ chức triển khai thực hiện tốt Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thoả ước lao động tập thể”; Nâng cao chất lượng nghiên cứu, đề xuất các chính sách vĩ mô; chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham gia sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp tới đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn; Đẩy mạnh hoạt động xã hội, chương trình “Mái ấm công đoàn”, hỗ trợ đoàn viên và người lao động có hoàn cảnh khó khăn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn, kiến nghị xử lý nghiêm, kịp thời những vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động; đưa việc thi hành Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn vào nền nếp; phát triển tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Văn phòng tư vấn pháp luật CĐCTVN nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn pháp luật lao động và Luật Công đoàn miễn phí cho đoàn viên và người lao động.

3. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của Bộ Công Thương và các địa phương: Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động; nhất là việc tổ chức, phát động phong trào thi đua trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Làm tốt công tác khen thưởng để động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân tổ chức.

4. Phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn: Tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển đoàn viên giai đoạn 2013 - 2018 theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động VN; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội II CĐCTVN đề ra về công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS và xây dựng CĐCS vững mạnh; Nâng cao chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn, đẩy mạnh việc xây dựng công đoàn cơ sở, nhất là trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Quan tâm xây dựng đội ngũ và đổi mới công tác cán bộ. Xây dựng tiêu chuẩn, chức danh cán bộ công đoàn; gắn công tác đào tạo với sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ.

5. Công tác nữ công: Nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới; quan tâm giám sát việc thực hiện chế độ dành riêng cho nữ trong Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn, Luật BHXH; xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Nữ công, phát hiện những nữ CNVCLĐ ưu tú để đào tạo, bồi dưỡng, giới thiệu tham gia đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp; nâng cao hiệu quả phong trào phong trào thi đua “Giỏi việc nước,đảm việc nhà”. 

6. Công tác đối ngoại: Chủ động, tích cực hội nhập, tăng cường và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với công đoàn các nước, các tổ chức phi chính phủ thân thiện với công đoàn, trong đó đặc biệt chú ý quan hệ với các nước láng giềng và duy trì quan hệ truyền thống; Tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, tham gia nhiều hoạt động chuyên ngành, góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến người lao động; Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và phối hợp quản lý, thực hiện công tác đối ngoại trong Ngành và tích cực kiện toàn, củng cố và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế, các hoạt động của phong trào công nhân, công đoàn thế giới. Tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ về kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của công đoàn các nước, các tổ chức công đoàn khu vực và quốc tế, tổ chức phi chính phủ và tổ chức lao động quốc tế.

7. Công tác kiểm tra và hoạt động của Ủy ban kiểm tra: Chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra, trong đó tập trung vào kiểm tra việc thực hiện Điều lệ, Nghị quyết, Chỉ thị và các quy định của công đoàn. Uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp tham mưu giúp Ban Chấp hành và Ban Thường vụ công đoàn các cấp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra của mình và cần làm tốt nhiệm vụ kiểm tra theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Thực hiện tốt các kết luận kiểm tra; Củng cố, kiện toàn tổ chức, cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra của công đoàn các cấp.

8. Công tác tài chính và hoạt động kinh tế công đoàn: Các cấp công đoàn cần tổ chức thực hiện đúng quy định của Luật Công đoàn năm 2012, các quy định của Nhà nước, của Tổng Liên đoàn và CĐCTVN về thu, chi, quản lý tài chính. Phấn đấu thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam; khai thác các khoản thu khác để tăng nguồn thu, đáp ứng yêu cầu chi cho các hoạt động chủ yếu của công đoàn. Quản lý chặt chẽ, thực hiện chi đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tài chính cho cán bộ công đoàn các cấp, nhất là cấp cơ sở; tiếp tục chuyển đổi, sắp xếp các doanh nghiệp công đoàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo nguồn tích luỹ bổ sung kinh phí cho hoạt động công đoàn của CĐCTVN...

9. Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ CĐCTVN lựa chọn những vấn đề then chốt, xác định rõ nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong từng thời gian, tránh dàn trải; tập trung tham gia giải quyết, chỉ đạo thực hiện dứt điểm trong từng thời gian cụ thể, có hiệu quả những vấn đề bức xúc của đoàn viên, người lao động; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hoạt động tập trung hướng về cơ sở, sâu sát với thực tế lao động sản xuất, công tác của đoàn viên, người lao động. Tăng cường công tác sơ kết, tổng kết thực tiễn hoạt động công đoàn nhằm rút ra những kinh nghiệm về nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn trong quá trình tái cơ cấu và hội nhập quốc tế. 

Phát huy trí tuệ, tính tích cực, sáng tạo của đội ngũ cán bộ công đoàn, của đông đảo đoàn viên, người lao động trong hoạt động công đoàn. Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các cơ quan, đoàn thể liên quan. Coi trọng công tác kiểm tra và hoạt động của Uỷ ban kiểm tra; công tác chỉ đạo điểm, tổng kết, xây dựng, nhân rộng mô hình tốt và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực; Nâng cao chất lượng và đề cao trách nhiệm trong việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của lãnh đạo công đoàn các cấp, nhất là của các Ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động công đoàn ngành Công Thương.

Hình ảnh Hội nghị Sơ kết nửa nhiệm kỳ (2013-2018) và triển khai công tác công đoàn năm 2016 (xem tại đây)

TH