Thông tin cụ thể như sau:
1.Tiền điện tăng bất thường ở Hà Nội.
Theo phản ánh của người dân khu vực chung cư CT12C Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ, quận Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Đông (Hà Nội), ở các địa bàn này có hiện tượng giá điện tăng bất thường.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Kinh doanh (Tổng Công ty điện lực Hà Nội) cho biết, hiện EVN Hà Nội đã cử người xuống làm việc cụ thể với người dân tại các khu vực có phản ánh về tình trạng tiền điện tăng cao trong tháng 2.
2. Hàng hóa phớt lờ giá xăng.
Trái ngược với những thời điểm giá xăng tăng cao đẩy giá hàng hóa lên theo, hiện các doanh nghiệp đều cho rằng xăng chỉ tác động rất nhỏ lên chi phí cấu thành sản phẩm, do vậy, không nhất thiết hàng hóa phải giảm theo.
Lãnh đạo Sở Tài chính TP.HCM cho biết, khi giá xăng điều chỉnh, đối tượng tác động trực tiếp là các đơn vị vận tải và các hãng taxi. Còn với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, giá cước chỉ tác động một phần nhỏ nên việc điều chỉnh tăng giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Tới nay, đa phần các doanh nghiệp vận tải, taxi cũng đã đăng ký giảm giá cước lên Sở. Hết ngày 23/2, doanh nghiệp nào chưa đăng ký điều chỉnh thì cơ quan thanh tra sẽ kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.
Mặc dù tiểu thương, doanh nghiệp lý giải giá xăng không tác động trực tiếp tới giá hàng hóa, thế nhưng, trong năm 2013, khi giá xăng tăng ở mức kỷ lục 24.580 đồng một lít thì tiểu thương tại các chợ, nhà hàng, quán ăn và nhiều doanh nghiệp ngay lập tức "té nước theo mưa" để tăng giá. Ngược lại, đến thời điểm cuối 2015 đầu 2016 khi giá xăng, dầu liên tục giảm mạnh, các đơn vị kinh doanh đều cho rằng chúng chỉ tác động một phần rất nhỏ nên khó điều chỉnh.
3. Doanh nghiệp dầu khí phải trích 0,5% doanh thu vào quỹ rủi ro môi trường.
Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung Quỹ dự phòng rủi ro về môi trường theo quy định tại Nghị định 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015, quy định chi tiết thi hành luật Bảo vệ môi trường.
Cụ thể, doanh nghiệp dầu khí đều phải trích lập 0,5% trên doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ vào quỹ này. Khi số dư của quỹ bằng 25% vốn điều lệ của doanh nghiệp thì không trích nữa. Việc trích lập quỹ nhằm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp và bù đắp một phần hoặc toàn bộ thiệt hại do môi trường gây nên.
4. Hàng loạt giàn khoan dầu nằm phơi nắng.
Giá dầu xuống thấp đang khiến cho hàng loạt giàn khoan của ngành dầu khí phải nằm yên không sử dụng, cụ thể: các giàn PVD II, PVD III và PVD VI – 3 dàn khoan tự nâng của công ty khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD). Như vậy, trong số các dàn khoan tự nâng của PVD thì chỉ có giàn khoan PVD I là đang hoạt động. Nếu tình hình không được cải thiện trong thời gian tới thì rõ ràng, năng suất khai khác dầu khí của PVD trong năm nay sẽ là giảm đi rất đáng kể. Bên cạnh PVD, các giàn khoan nước ngoài cũng đang nằm chơi.
Trong năm nay, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí dự kiến vẫn rất khó khăn.
Hiện giá dầu thế giới có dấu hiệu phục hồi sau một loạt các động thái đàm phán giữa các cường quốc dầu mỏ như Nga, Ả Rập Xê út về việc kiểm soát nguồn cung. Mặc dù vậy, đây vẫn các mức giá quá thấp trong khi viễn cảnh phục hồi còn rất gập gềnh.
5. Trao danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao cho 500 doanh nghiệp.
Tối 23/2, tại TP.HCM, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Hàng Việt Nam chất lượng cao - Nâng sức cạnh tranh doanh nghiệp Việt và trao chứng nhận cho 500 doanh nghiệp đạt Nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2016.
Cuộc điều tra bình chọn Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2016 được tổ chức rộng rãi ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trong khoảng thời gian từ tháng 9/2015 đến nay.
Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao quyết định trao chứng nhận cho 500 doanh nghiệp đạt Nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao 2016. Đặc biệt, trong đó có 41 doanh nghiệp mới đạt lần đầu tiên, 42 doanh nghiệp đạt liên tục 20 năm liền.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)