Trong ngày 03 tháng 02 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đã đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 15h chiều nay; Bộ Tài chính cho biết thu ngân sách từ dầu thô giảm gần 66% trong tháng 01/2016; Chưa dễ thay thế xăng RON 92 bằng xăng sinh học; Hàm lượng nhựa trong xăng A95 của Petrolimex vượt tiêu chuẩn cho phép; Năm 2014, EVN lãi hơn 823 tỷ đồng; EU sẽ xóa thuế nhập khẩu với dệt may, giày dép và thủy sản của Việt Nam.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 15h chiều nay.
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h chiều nay (03/02/2016) giá xăng RON 92 sẽ giảm 729 đồng/lít về mức giá không quá 14.713 đồng/lít; giá xăng sinh học (E5) giảm 496 đồng/lít, về mức tối đa 14.263 đồng/lít. Các mặt hàng dầu có mức giảm mạnh hơn, trong đó: giá dầu diesel giảm 627 đồng/lít về mức giá tối đa 9.580 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 483 đồng/lít về mức giá không quá 8.905 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 20 đồng/kg về mức giá bán tối đa 7.225 đồng/kg.
Từ đầu năm 2016 tới nay, giá xăng dầu trong nước đã giảm liên tiếp 2 lần, tuy nhiên mức giảm tương đối nhẹ, khoảng gần 1.000 đồng với xăng RON 92 và gần 1.800 đồng với dầu diesel. Hiện, giá xăng dầu trong nước vẫn phải trích quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít. Do giá liên tục giảm trong thời gian qua nên hiện quỹ bình ổn tồn dư tới hàng nghìn tỷ đồng, là một phần nguyên nhân khiến giá trong nước không thể giảm sâu. Số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết năm 2015, quỹ này dư trên 3.970 tỷ đồng, trong đó riêng tại Petrolimex là 2.400 tỷ đồng.
2. Bộ Tài chính: Thu ngân sách từ dầu thô giảm gần 66% trong tháng 1/2016.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, trong tháng Một, số thu ngân sách ước đạt 102.600 tỷ đồng, bằng 10,1% dự toán và tương đương 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với số thu từ dầu thô đạt 3.200 tỷ đồng, bằng 5,9% dự toán và giảm 65,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá dầu thô trên thị trường giảm, xoay quanh mức 30 USD/thùng. Do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu của Việt Nam bình quân trong tháng 1/2016 ước khoảng 38 USD/thùng, giảm 22 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán.
3. Chưa dễ thay thế xăng RON 92 bằng xăng sinh học.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc đưa xăng sinh học ra thị trường không dễ, nhưng phải làm nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu sinh học. Đến nay, tuy có gần 8.000 cửa hàng bán xăng E5 nhưng tình hình tiêu thụ loại xăng này đang gặp nhiều khó khăn.
Bộ Công Thương cũng thừa nhận, dù các địa phương, các đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tích cực tuyên truyền đến người tiêu dùng về lợi ích của xăng sinh học nhưng thái dộ của người tiêu dùng ở các địa phương còn khác nhau. Nếu tại Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam, người tiêu dùng đã chấp nhận sử dụng xăng E5 mà không phân biệt so với xăng khác thì tại TP.Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, người tiêu dùng còn e ngại sử dụng loại xăng này.
4. Hàm lượng nhựa trong xăng A95 của Petrolimex vượt tiêu chuẩn cho phép.
Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam sau khi kiểm nghiệm một số mẫu xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở phía Nam nhập hàng của Petrolimex khu vực 2 đã phát hiện xăng A95 có chỉ tiêu hàm lượng nhựa thực tế cao hơn nhiều so với quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam. Cụ thể, chỉ tiêu hàm lượng nhựa theo Tiêu chuẩn Việt Nam quy định trong xăng A95 là 5 mg/100ml, nhưng thực tế kết quả kiểm nghiệm là từ 22 - 166 mg/100ml.
Theo đại diện Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, các mẫu xăng dầu lưu thông trên thị trường này không còn là xăng gốc dầu mỏ thông thường mà có thể là sản phẩm pha trộn của xăng gốc dầu mỏ và dung môi hóa dầu. Xăng loại này sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình bảo quản xăng do nhựa bị oxy hóa làm giảm tính ổn định của sản phẩm, gây đóng cặn trong hệ thống nạp, làm kẹt van nạp, gây tắc các van nạp. Đây cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến chết máy đột ngột và hư hỏng các bộ phận liên quan của động cơ xe.
5. Năm 2014, EVN lãi hơn 823 tỷ đồng.
Báo cáo tại cuộc họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2014 của EVN, ông Trần Tuệ Quang, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết doanh thu bán điện năm 2014 của EVN là 197.128,89 tỷ đồng, tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.532,55 đồng/kWh. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2014 là 1.698,46 tỷ đồng, gồm thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng là 444,25 tỷ đồng.
Thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực là 1.153,21 tỷ đồng. Thu nhập từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần (số liệu EVN báo cáo) là 101 tỷ đồng. Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2014 của EVN là 823,83 tỷ đồng.
Cũng tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri khẳng định: “Nếu chỉ tính kinh doanh điện thì EVN khó đảm bảo có lợi nhuận, có 800 tỉ đồng lãi của năm 2014 là do thu từ các hoạt động khác có liên quan, cả nguồn thu từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ và đầu tư vào các Công ty cổ phần”.
“Tại thời điểm hiện tại, EVN chưa có kế hoạch cho việc tăng giá bán lẻ điện năm 2016”, ông Tri nói. Tuy nhiên, giá thành điện năm 2016 sẽ phụ thuộc rất lớn vào cung cầu. Nếu mùa hè tới, phụ tải tăng đột biến, đặc biệt là thời tiết bất thường, nắng nóng dự báo đỉnh điểm, trường hợp phụ tải cao, EVN sẽ phải tăng lượng điện chạy dầu khiến chi phí tăng cao.
6. EU sẽ xóa thuế nhập khẩu với dệt may, giày dép và thủy sản của Việt Nam.
Bộ Công Thương vừa chính thức giới thiệu toàn văn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA). Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, ngày 2/12/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định EVFTA. Trong thời gian tới, hai bên sẽ khẩn trương rà soát pháp lý và tiến hành các thủ tục phê chuẩn Hiệp định.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Đối với các nhóm hàng quan trọng như dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Với cá ngừ đóng hộp, EU đồng ý dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch thuế quan thỏa đáng.
Việt Nam đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu trong thời gian tối đa là 10 năm đối với rượu vang, rượu mạnh, bia, thịt lợn và thịt gà. Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu sau lộ trình nhất định; chỉ bảo lưu thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm quan trọng, trong đó có dầu thô và than đá.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)