Hôm nay (4.2), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết tại Auckland (New Zealand), mở ra chương mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với thị trường trên 800 triệu dân, chiếm trên 40% GDP và 1/3 tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.
Theo kế hoạch, sau khi được ký chính thức vào hôm nay, các nước thành viên sẽ có thời gian 2 năm để hoàn tất các bước rà soát pháp lý và phê chuẩn theo các thủ tục nội bộ. Nghĩa là tới năm 2018, TPP chính thức có hiệu lực.
Hiệp định TPP được ký kết sẽ tác động rất lớn đến ngành Dệt May Việt Nam cả về cơ hội cũng như nguy cơ và thách thức (ảnh minh họa).
Doanh nghiệp cần liên kết để hưởng lợi
Theo tính toán của các chuyên gia độc lập, khi TPP được ký kết, GDP của Việt Nam (VN) sẽ tăng thêm 23,5 tỉ USD vào năm 2020 và 33,5 tỉ USD vào năm 2025. Việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada… giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu của VN khi dự kiến sẽ tăng thêm được 68 tỉ USD vào năm 2025. Dẫu vậy, các chuyên gia kinh tế nhận định, với thực trạng cải cách chậm, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện đáng kể và số lượng doanh nghiệp (DN) “chết yểu” tăng qua các năm, khi tham gia TPP, VN nên lo nhiều hơn mừng.
Bày tỏ lo lắng đối với ngành dệt may, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nước ta vẫn làm gia công là chủ yếu, lợi ích rơi rất nhiều vào tay các nhà cung cấp các sản phẩm trung gian và nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. “Về mặt xuất xứ, những sản phẩm này vẫn đạt tiêu chuẩn của TPP do sản phẩm dệt đó được sản xuất tại VN nhưng thực chất, người được hưởng lợi vẫn là DN Trung Quốc!”. “Những ưu đãi TPP dành cho VN về mở cửa thị trường cần trở nên thực sự có ý nghĩa đối với bản thân kinh tế VN, chứ không phải là nền kinh tế của nước bên cạnh trong khi họ không tham gia, không thực hiện nghĩa vụ mà vẫn được hưởng lợi!” - bà nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, không chỉ lo lắng mất thị phần vào tay các “ông lớn” trong TPP, rất có thể hàng Việt sẽ thua ngay trên sân nhà do sự “đổ bộ” ồ ạt hàng hóa từ các nước láng giềng. Đơn cử như Thái Lan, dù không tham gia TPP nhưng riêng trong ngành hàng bán lẻ, “đại gia” BJC của nước này mua lại Metro Cash & Carry. Tập đoàn Central Group ngoài việc mở hai trung tâm mua sắm Robins cũng mua thêm 49% cổ phần của Cty thương mại Nguyễn Kim và sở hữu hàng loạt cửa hàng tiện lợi B’smart. Sắp tới đây, nhiều khả năng Big C sẽ về tay người Thái.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho biết Thái Lan là một trong những nước đầu tư lớn vào VN và thuộc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). “Chúng ta có chiếc bánh TPP song phần lớn người nước ngoài được hưởng. Việc này tạo thách thức lớn đòi hỏi các DN trong nước buộc phải liên kết lại để hưởng lợi từ TPP” - ông Doanh nhấn mạnh.
Tận dụng khoảng chờ
Đánh giá thách thức khi gia nhập TPP, bà Lê Thị Thu Nga - Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp sẽ phải chịu tổn thương lớn nhất vì quy mô DN trong lĩnh vực này của VN không lớn. Tuy nhiên, bà Nga cũng cho rằng “không nên quá bi quan” về những thách thức trước ngưỡng cửa hội nhập. Bà Nga dẫn chứng, thời bao cấp VN từng không đủ gạo để ăn nhưng sau thời kỳ đổi mới, nước ta lại trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới. “Khi gia nhập TPP cũng vậy, DN cần nhận ra thách thức để xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh riêng”.
Chung nhận định, ông Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho rằng: “Đã chơi là phải tự tin. Nếu chỉ lo ngại, không tự tin thì đàm phán làm gì? Không nên quá lo ngại để đánh mất đi cơ hội”. Ông Thành đánh giá việc tham gia đàm phán TPP là VN đã dũng cảm đi ngược lại tư duy xưa cũ của người Việt là “chỉ thích chơi với những người kém hơn mình để được “làm bố, làm mẹ”. Việc tham gia TPP là “chơi” với những người giỏi hơn sẽ làm VN lớn mạnh nhanh hơn. Dẫn chứng là năm 2000, VN từng lo lắng và trăn trở với Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) dẫn tới trì hoãn 1 năm trước khi ký kết. Tuy nhiên, kết quả chỉ sau 14 năm, kim ngạch xuất khẩu VN - Hoa Kỳ tăng 30 lần từ 1 tỉ USD lên 30 tỉ USD.
“Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN trong khi ta “thua” Hoa Kỳ toàn diện. Nói như vậy để hiểu, hội nhập là phải dựa vào lợi thế so sánh chứ không phải lợi thế tuyệt đối. Bất cứ nước nào dù là nước yếu nhất đều có lợi thế này. Tự tin ở đây không có nghĩa là “liều”, có khó khăn, thách thức nhưng đừng thấy họ mạnh mà ta lại sợ” - ông Thành nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, trước đây, do sự chuẩn bị chưa tốt, chưa đầy đủ nên một số Hiệp định Thương mại (FTA) Việt Nam đã ký kết, các DN mới chỉ tận dụng được 25 - 30% những ưu đãi về thuế quan. “Trong thời gian TPP chưa có hiệu lực, DN cần tận dụng khoảng chờ - giai đoạn 2 năm sau khi TPP được ký kết và chờ Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn, để chuẩn bị những phần thiếu hụt, đáp ứng tốt nhất yêu cầu để được hưởng ưu đãi thuế quan, gia tăng xuất khẩu” - ông Lộc khuyến nghị.
Chính phủ đồng ý ký Hiệp định TPP. Ngày 3.2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành nghị quyết của Chính phủ về việc ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo nghị quyết, Chính phủ đồng ý ký TPP và ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Công Thương ký hiệp định trên với đại diện được ủy quyền của Chính phủ các nước tham gia TPP.
Nguồn Báo Lao động