Thông tin cụ thể như sau:
1. Giá dầu giảm khiến nhiều doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thua lỗ.
Báo cáo kết quả sản xuất, kinh doanh tháng 1/2016 tại buổi họp giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/2, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, giá dầu giảm sâu tiếp tục ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kinh tế của tập đoàn.
Chủ trì cuộc họp giao ban, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong việc xây dựng kịch bản cho giá dầu năm nay, lãnh đạo PVN cần có sự chủ động cập nhật tình hình diễn biến giá dầu trên thế giới và thường xuyên báo cáo Chính phủ cũng như Bộ Công Thương để từng bước tháo gỡ khó khăn và hoàn thành kế hoạch được giao.
2. Trung Quốc ngừng mua sợi, Vinatex “kêu khó”.
Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tăng trưởng của toàn Tập đoàn tháng 1/2016 đạt trên 5%, nhiều đơn vị tăng cao từ 10-15% do đơn hàng nhiều. Tuy nhiên, từ tháng 3 có hiện tượng đơn hàng sụt giảm. Theo ông Dũng, sự suy giảm rơi vào ngành sợi và dệt, do Trung Quốc – thị trường lớn nhất của Việt Nam ngừng mua. Do vậy, ông Dũng cho biết, trong năm nay Tập đoàn sẽ đẩy mạnh xúc tiến thị trường sang các thị trường mới để tăng lượng hàng hóa.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đẩy mạnh các dự án đầu tư như nhà máy may ở Kiên Giang, Bạc Liêu, dự án dệt Quế Sơn (Quảng Nam), nhà máy dệt Nam Định… để đón đầu TPP và các hiệp định khác có hiệu lực năm 2018. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu các Tổng Công ty thuộc Tập đoàn.
3. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam tăng tốc thoái vốn, cổ phần hóa.
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất cho biết, năm nay Tập đoàn sẽ tiếp tục thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo phương án sắp xếp doanh nghiệp đã được Thủ tướng chỉ đạo. Đối với công tác thoái vốn, Tập đoàn đã thoái vốn xong tại 13/17 doanh nghiệp, thu về hơn 674 tỷ đồng (đạt gần 66%). Còn lại các doanh nghiệp chưa thoái vốn được là Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội, TPC Vina, Cao su Inoue Việt Nam và Pin Ắc quy Vĩnh Phú.
4. Chương trình bình ổn giá đang giúp kìm chế chỉ số giá tiêu dùng.
Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tốc độ lưu chuyển hàng hóa tháng 1/2016 tăng 3,5% so với tháng 12/2015 và tăng 10,75% so với cùng kỳ, điều đó cho thấy sức mua đã tăng trở lại. Tốc độ lưu chuyển hàng hóa tháng 1/2016 tăng, nguồn cung hàng hóa trong dịp trước, trong và sau Tết cũng được chuẩn bị tốt đã góp phần kìm chế chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Báo cáo tại buổi họp giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng 1/2, ông Võ Văn Quyền cho biết, hiện đã có 53/63 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện chương trình bình ổn giá. Cùng với đó, nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá trong dịp này thể hiện sự quyết tâm của hệ thống thương mại trong việc phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
5. Bỏ ngỏ thị trường lúa gạo nội địa.
Có 2 lý do khiến các doanh nghiệp gạo bỏ trắng thị trường nội địa. Một là phong cách phục vụ của doanh nghiệp không tiện ích bằng các hộ cá thể. Hai là, khu vực tiêu thụ gạo lớn nhất là nông thôn nhưng hiện nay vẫn còn tự lực, bởi sau khi thu hoạch lúa gạo xong người dân chừa lại một lượng lúa đủ tiêu dùng cho tới khi thu hoạch vụ lúa sau.
Để doanh nghiệp gạo giành lại thị trường, trước mắt Bộ Tài chính cần xóa cho họ thuế giá trị gia tăng, sau đó các doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp vùng với phong cách phục vụ linh hoạt, tiện ích thì người tiêu dùng sẽ chú trọng đến các sản phẩm lúa gạo của doanh nghiệp.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)