[In trang]
Cán bộ sức mạnh của tổ chức công đoàn
Thứ ba, 10/11/2015 - 14:54
Tổ chức công đoàn có phát huy được tác dụng trong thực tiễn hay không là tùy thuộc vào chất lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn

Cán bộ công đoàn là xương sống của mô hình tổ chức công đoàn, nhờ nó mà mô hình tổ chức mới hình thành được và thông qua cán bộ thì tổ chức mới vận hành được.

Tổ chức công đoàn có phát huy được tác dụng trong thực tiễn hay không là tùy thuộc vào chất lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn. Từ nhận thức đó cần phải thống nhất quan niệm và lưu ý những biện pháp quan trọng sau đây để có thể xây dựng một đội ngũ cán bộ công đoàn vững mạnh, ngang tầm với đòi hỏi của nhiệm vụ mới mà Đại hội Đảng lần thứ XI đặt ra. 

Cán bộ công đoàn là người hoạt động xã hội, hoạt động trong quần chúng công nhân và lao động. Đó là đặc trưng nhân cách cơ bản nhất của người cán bộ công đoàn để phân biệt với các cán bộ Đảng, cán bộ Nhà nước và các cán bộ tổ chức xã hội khác. Nguồn bổ sung cán bộ công đoàn có thể từ những công nhân trực tiếp sản xuất, từ cán bộ chuyên môn khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế, cán bộ hoạt động văn hoá… song không phải đương nhiên cứ là công nhân hoặc là cán bộ khoa học kỹ thuật là làm được cán bộ công đoàn tốt. Và người cán bộ công đoàn hiện tại phải có vốn văn hóa chung có kiến thức về khoa học kỹ thuật và kiến thức quản lý nhất định…song những kiến thức đó mới chỉ là điều kiện chứ đương nhiên không phải chỉ như thế đã có bản lĩnh cán bộ công đoàn.

Bản lĩnh cán bộ công đoàn là sự tổng hợp các yếu tố về phẩm chất như mọi nhà hoạt động xã hội khác; về trình độ kiến thức kinh tế, xã hội học, tâm lý học (nhất là “tâm lý học đám đông” môn học mà cán bộ công đoàn rất ít người biết đến), giáo dục học, khoa học kinh tế, luật pháp; về năng lực tuyên truyền, đối thoại, thuyết phục quần chúng, năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn; về ham muốn hoạt động xã hội và nhiệt tình đối với hoạt động công đoàn; đặc biệt là khả năng liên hệ mật thiết với quần chúng công nhân lao động; đại diện cho người lao động giải quyết những mâu thuẫn xung đột giữa người lao động và người sử dụng, quản lý lao động.

Không tuyệt đối hóa tiêu chuẩn người cán bộ công đoàn song cần có những định hướng tiêu chuẩn làm định hướng về tiêu chuẩn làm cơ sở cho công tác lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Tiên chuẩn cán bộ công đoàn ở mỗi cấp lại có những điểm ưu tiên riêng., chẳng hạn như cán bộ công đoàn cơ sở cần nhấn mạnh yếu tố nhiệt tình và tinh thần hăng hái, năng lực tập hợp quần chúng và tổ chức các hoạt động thực tiễn, tác phong liên hệ mật thiết với quần chúng đoàn viên và bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm, đấu tranh bảo vệ những lợi ích chính đáng và hợp pháp của đoàn viên; đối với cán bộ công đoàn ở cấp trung ương cần nhấn mạnh đến nhãn quan toàn quốc; toàn ngành năng lực tổng hợp, nghiên cứu đề ra những biện pháp công tác đúng đắn có tác động tích cực đến toàn hệ thống; năng lực giải quyết những vấn đề có liên quan đến hoạt động và tổ chức công đoàn ở tầm vĩ mô, bảo đảm về mặt pháp luật, về chính sách và những điều kiện vật chất khác cho công tác công đoàn tiến hành được thuận lợi…

Cùng với việc xác định mô hình nhân cách người cán bộ công đoàn thể hiện trong một hệ thống tiêu chuẩn cho từng cấp, cần xác định rõ cơ cấu đội ngũ cán bộ công đoàn làm tiền đề cho công tác lựa chọn đào tạo bồi dưỡng và sử dụng. Về đại thể cơ cấu đội ngũ cán bộ công đoàn gồm hai loại chính: Cán bộ lãnh đạo và những đồng chí trong Ban chấp hành, Ban thường vụ, do đại hội hoặc Ban chấp hành các cấp bầu ra, bộ phận cán bộ này thường xuyên thay đổi qua mỗi nhiệm kỳ của đại hội; các chuyên gia hoạt động công đoàn( không kể những nhân viên hành chính, dịch vụ), đó là những cán bộ đảm nhiệm một công tác chuyên môn (cán bộ các ban CĐ, giáo viên trường CĐ, Viện CNCĐ, Viện BHLĐ…) bộ phận này tương đối ổn định , được đào tạo, bồi dưỡng sâu về chuyên môn để có năng lựclàm chuyên gia cho các ban lãnh đạo công đoàn về lĩnh vực mà họ đang phụ trách. Cũng có những chuyên gia được quần chúng tín nhiệm bầu vào ban chấp hành và cũng có những người sau khi không làm lãnh đạo nữa trở về làm một chuyên gia.

Trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo công đoàn và các chuyên gia lại bao gồm các cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách. Bộ phận cán bộ công đoàn chuyên trách chỉ nên chiêm một tỷ lệ nhỏ, đại bộ phận nên là cán bộ không chuyên trách. Phương hướng này tạo ra khả năng thu hút được nhiều người tài trong công nhân, cán bộ KHKT, cán bộ quản lý, các nhà hoạt động xã hội và văn hóa… tham gia hoạt động công đoàn, nó ngăn ngừa xu hướng quan liêu hóa, viên chức hóa đội ngũ cán bộ công đoàn và phù hợp với điều kiện tài chính của công đoàn hiện nay.

Công tác lựa chọn cán bộ phải dựa trên những tiêu chí và căn cứ vào khả năng thực tế về nguồn cán bộ bổ sung. Cần thật sự tôn trọng và thực hiện đầy đủ nguyên tắc dân chủ trong công tác cán bộ, trước hết trong việc lựa chọn cán bộ lãnh đạo công đoàn, bảo đảm quyền dân chủ của đoàn viên và nên dành cho các đại hội bầu trực tiếp chức vụ chủ tịch công đoàn( trong số các ủy viên ban chấp hành).

Bảo đảm vai trò độc lập về mặt tổ chức của tổ chức công đoàn, khắc phục tình trạng cấp ủy và chính quyền áp đặt cán bộ lãnh đạo công đoàn hoặc tùy tiện điều động cán bộ công đoàn mà Đại hội công đoàn đã bầu ra.

Chỉ có kiên quyết đi theo đường lối của quần chúng và thực hiện đầy đủ nguyên tắc dân chủ thì mới có điều kiện lựa chọn được những cán bộ công đoàn tiêu biểu đủ năng lực, đầy đủ uy tín xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh và lãnh đạo thực hiện các mục tiêu hoạt động và từng bước hình thành một cơ cấu cán bộ công đoàn đủ mạnh. Kiên quyết khắc phục khuynh hướng yêu cầu cơ cấu, cho vừa lòng mọi người, nhấn mạnh một cách phiến diện đến các tiêu chuẩn chức vụ trong Đảng và chính quyền, tuổi tác, học vị…

Mặt khác, phải có  cơ chế để quần chúng đoàn viên kiểm soát những cán bộ lãnh đạo công đoàn mà họ đã bầu cử, buộc những cán bộ đó phải chịu trách nhiệm với quần chúng chứ không phải chịu trách nhiệm với cấp trên, ngăn ngừa tình trạng quan liêu, vô trách nhiệm của cán bộ.

 Lan Hương