[In trang]
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 18/01
Thứ ba, 19/01/2016 - 08:45
Ngày 18/01, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước đã đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại

Ngày 18/01, các cơ quan thông tấn báo chí trong nước đã đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại. Xin điểm qua một số thông tin đáng chú ý.

Cụ thể như sau:

 1. EVN cam kết không điều chỉnh giá điện trong năm 2016


Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã khẳng định không có bất cứ đề xuất nào về việc xin điều chỉnh giá điện trong năm 2016. Thời gian qua, một số báo chí đưa thông tin EVN đang muốn tăng giá điện. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, EVN không đưa ra đề xuất nào xin điều chỉnh giá điện.

Năm 2016 dự báo là năm khó khăn với EVN trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây thiếu nước ở hầu hết các hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên, EVN cam kết sẽ yêu cầu các đơn vị thành viên khắc phục bằng mọi cách. Tập đoàn này cho rằng, việc điều chỉnh giá điện khi các doanh nghiệp khác cũng đang gặp khó khăn sẽ gây bất lợi cho nền kinh tế. 

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định EVN sẽ được điều chỉnh giá điện trong khung cho trước nếu chi phí đầu vào tăng 3-5%; đồng thời ngành điện sẽ được lập quỹ bình ổn giá điện với mục đích trong trường hợp cần thiết, Nhà nước sẽ sử dụng quỹ này để bình ổn giá điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

2.Thời cơ vàng cho ngành công nghiệp

Nếu như năm 2015 việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá thành công khi có dự án tỷ đô như dự án SamSung Display đầu tư vào Việt Nam thì ngay những ngày đầu năm kinh tế 2016, các dự án trong chuỗi sản xuất công nghệ điện tử cũng đã có mặt tại Việt Nam như dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp điện tử của Công ty United More SDN.Bhd (Malaysia), với vốn đầu tư khoảng 21 triệu USD; dự án xây dựng nhà máy động cơ cho các loại máy giặt, tủ lạnh, điều hòa không khí và máy hút bụi của Công ty TNHH New – Hanam; dự án của Công ty TNHH INTOPS với tổng vốn đầu tư đăng ký 80 triệu USD.

Có nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, cánh cửa cho ngành sản xuất công nghiệp điện tử đang mở ra. Đặt trong bối cảnh mục tiêu đến năm 2020 phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam với công nghệ tiên tiến, năng suất lao động cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới thì sự xuất hiện ngay trong những ngày đầu năm của các dự án ngoại là cần thiết. Đầu xuôi, đuôi lọt, mở màn tốt, thì càng nhiều hi vọng sản xuất được sản phẩm điện tử có giá trị gia tăng cao.

3. “Bội thu” Quỹ bình ổn giá xăng dầu: Lợi cho dân ở đâu?


Câu chuyện nên hay không nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu lại một lần nữa được gióng lên khi mới đây Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu với báo chí rằng: “Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu xưa nay vốn được dùng làm công cụ cân đối, dùng trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá mạnh, nhưng rồi sẽ có lúc quỹ này cũng phải bỏ”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nêu rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu chỉ hiệu quả khi thị trường lên xuống một cách nhịp nhàng trong chu kỳ ngắn và có thể dự báo được. Còn nếu thị trường diễn biến theo một chiều lên hoặc xuống trong thời gian dài và mức độ tăng, giảm lớn thì dùng bình ổn rất khó để giữ được sự bình ổn của thị trường.

“Thị trường xăng dầu giảm dài quỹ sẽ đầy lên như đang thấy hiện nay nhưng khi giá lên có thể quỹ cũng sẽ lại không đủ để bù giá được mãi, như vậy, giá xăng dầu cả lên hay xuống thì quỹ này chỉ có tác dụng rất giới hạn, không nói là quỹ chỉ làm chậm tiến trình điều chỉnh giá lại. Như hiện nay, nếu giá xăng cứ tiếp tục đà giảm thì trích quỹ như vậy gây “hiệu quả ngược”. Nó dẫn đến tình huống người tiêu dùng bức xúc vì thấy, sao cứ trích quỹ nhiều và mãi như thế mà không được giảm giá nhiều” - ông Độ nói. 

4. DOC lùi thời gian áp thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo sẽ lùi thời gian công bố kết quả xem xét hành chính lần thứ 11 thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng cá tra phi lê của Việt Nam. Theo dự kiến ban đầu của DOC, hạn chót để công bố kết quả này là ngày 14/1. Tuy nhiên, do chưa hoàn thành kịp các dữ kiện liên quan nên DOC quyết định lùi thời gian công bố đến ngày 12/3. Đây là thông tin có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra nhập khẩu vào Mỹ.

Một tín hiệu lạc quan là đợt xem xét vừa qua có 2 doanh nghiệp được hưởng thuế suất bằng 0. Mức thuế suất chung toàn quốc là 2 USD Mỹ/kg. Riêng các bị đơn bắt buộc và tự nguyện chịu mức thuế dưới 1 USD Mỹ/kg. Nếu giữ nguyên đến kết quả cuối cùng được công bố mức thuế suất này sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nước ta do nó thấp hơn nhiều lần so với những năm trước. Tuy nhiên, theo dự báo từ các chuyên gia ngành thủy sản, vẫn còn nhiều thay đổi trong cách tính thuế của DOC. Do đó, các doanh nghiệp phải tiếp tục nghiên cứu cách phòng vệ. 

5. Lo ngại thép Trung Quốc tràn ngập thị trường


Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) vừa có báo cáo cho biết ước trong năm 2015 đã có tổng cộng 18,75 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm được nhập khẩu vào Việt Nam với tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 9 tỷ USD. Đáng chú ý lượng thép nhập khẩu đã tăng thêm 3,55 triệu tấn so năm 2014. Nếu trừ kim ngạch xuất khẩu gần 2 tỷ USD của các doanh nghiệp trong nước và FDI, mức nhập siêu của ngành thép vẫn đạt hơn 7 tỷ USD. Đây là mức nhập siêu cao nhất trong ba năm gần đây.

Trước diễn biến này, VSA kiến nghị cơ quan chức năng cần có các biện pháp tăng cường giám sát sau thông quan với sản phẩm thép Trung Quốc sau khi nhập khẩu vào Việt Nam đồng thời có giải pháp kiểm soát lượng thép Trung Quốc nhập khẩu. Về việc thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, Bộ Công Thương cũng vừa cho biết, gần đây đang có dấu hiệu thép Trung Quốc lấy xuất xứ từ Việt Nam sau đó xuất khẩu sang EU để được hưởng ưu đãi về thuế.

Theo đó, qua quá trình làm việc, Bộ Công Thương nhận thấy Công ty TNHH thương mại dịch vụ Khiết Tâm (TPHCM) và Công ty TNHH Quốc Việt (Long An) có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa Việt Nam khi xuất sang EU các mặt hàng sắt thép có xuất xứ Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan. Bộ Công Thương đã yêu cầu VCCI và Tổng cục Hải quan làm rõ trách nhiệm việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho các sản phẩm thuộc loại hình tạm nhập tái xuất, đồng thời có biện pháp xử lý các công ty và cá nhân liên quan. 

6. Bánh kẹo Trung Quốc gắn mác đặc sản Việt

Cuối tuần qua, các cơ quan chức năng trên cả nước đã phát hiện và bắt giữ nhiều tấn hạt dẻ, hạt hướng dương, kẹo dẻo... không hóa đơn chứng từ, bao bì in toàn chữ Trung Quốc, bên trong kèm hàng ngàn tem nhãn ghi tiếng Việt với những danh xưng “đặc sản Sa Pa”, “đặc sản Đà Lạt” khiến thị trường mứt bánh, các loại hạt “đặc sản Việt” những ngày trước tết bị xáo trộn, người tiêu dùng hoang mang. Thực tế, không chỉ với những “đặc sản” kể trên, rất nhiều loại bánh kẹo, hạt, đặc sản phục vụ tết có xuất xứ từ Trung Quốc đang đội lốt hàng Việt hoặc hàng nhập từ Úc, Mỹ được bày bán ngập chợ và toàn là hàng lậu.

LH (Nguồn: Bộ Công Thương)