Lao động nữ ở khu vực ngoài nhà nước đang ngày càng tăng nhanh về số lượng, là lực lượng lao động quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở địa phương.
Các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước thu hút nhiều lao động nữ là các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, giẩy thể thao xuất khẩu, chế biến nông sản thực phẩm, lắp ráp hàng điện tử. Hiện nay nhu cầu về lao động rất lớn nên các doanh nghiệp muốn thu hút lao động về vùng sâu vùng xa để tuyển hoặc phải mở các doanh nghiệp ở các vùng sâu ở nông thôn…Tất cả các quá trình hoạt động đó đang tác động đến lao động nữ nhiều vấn đề. Số lượng lao động nữ tuy đông (trong ngành may, giầy chiếm tới 85%) nhưng chất lượng không cao, phần lớn chỉ qua học việc tại doanh nghiệp, nhận thức chính trị thấp.
Hàng ngày có người phải đạp xe 10km để về nhà. Những người ở trọ phải chấp nhận ở chật, nóng bức, nhà vệ sinh ít, nhà tắm đơn giản tạm bợ, có khi quây tạm bằng 3 bức tường, cửa thì lửng trên lửng dưới, khi đi tắm phải có bạn canh chừng. Nhà trọ bên cạnh đường phải bịt kín cửa sổ vì thanh niên trêu ghẹo. Khi đi làm về khuya còn bị quấy rối tình dục dọc đường và ngay khu nhà trọ. Nhiều nữ lao động phải thủ sẵn dao kéo, kim đâm để phòng thân.
Một số doanh nghiệp chưa tổ chức bếp ăn tập thể cho công nhân nên công nhân phải mua cơm vỉa hè, ăn cơm bụi, " mưa có thêm canh, nắng có thêm gia vị bụi đường". ở một số doanh nghiệp hợp đồng với đối tác cung cấp cơm hộp, lúc đầu tốt sau đó kém dần do giá cả tăng, do phải chi trả hoa hồng cho người dẫn lối.
Thu nhập của lao động nữ không cao, bình quân 2 triệu đồng/tháng (đã có thêm giờ và các khoản phụ cấp đi kèm như phụ cấp nhà trọ, nuôi con nhỏ,đi lại, thâm niên). Nhiều năm không được nâng lương do thoả thuận trong hợp đồng lao động. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp không trả bản hợp đồng thứ 2 cho công nhân. Cá biệt có doanh nghiệp chữa lại hợp đồng lao động mà công nhân không biết.
Một số doanh nghiệp vì thiếu lao động nên khi công nhân muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì doanh nghiệp không nhận đơn của công nhân dẫn đến công nhân tự nghỉ và như vậy doanh nghiệp lấy cớ vi phạm kỷ luật lao động, không thanh toán chế độ, nữ lao động khi nghỉ thai sản rất lâu mới nhận được tiền chế độ do doanh nghiệp chậm nộp BHXH. Các quy định thực hiện theo nghị định 23CP về thực hiện chế độ đãi ngộ với lao động nữ không được thực thi do các thủ tục, do người sử dụng lao động, do phải giảm nộp thuế của cơ quan thuế; do hàng năm phải kê khai lại mà lực lượng lao động nữ biến động mạnh.Thủ tục đề nghị doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ do bộ phận nhân sự làm nhưng khi quyết toán thuế lại do bộ phận kế toán thực hiện nên không có sự kết hợp chặt chẽ để cùng giải quyết các vấn đề vướng mắc về các khoản chi cho lao động nữ.
Hoạt động của Công đoàn cơ sở còn yếu. Các UVBCHCĐCS và ban nữ công đều là lao động hợp đồng, rất khó đấu tranh đòi quyền lợi.Ngoài quyền lợi của lao động nói chung, lao động nữ ở doanh nghiệp nào khá hơn thì có chút quà nhân 3/3; 20/10 hoặc được tổ chức vui chơi trong ngày nghỉ.
Lao động nữ không có thời gian và điều kiện để học tập nâng cao trình độ mọi mặt, chăm sóc con cái, xây dựng gia đình. Số ít phụ nữ muốn học tập phải tự túc hoặc chấp nhận mất việc làm tốt trong thời gian học. Sức khoẻ của họ nhanh chóng giảm sút. Ngoài khen thưởng do đảm bảo ngày công, thưởng năng suất, chất lượng phụ nữ không được hưởng các hình thức khen thưởng khác do doanh nghiệp chỉ quan tâm lợi nhuận, không thực hiện theo luật thi đua khen thưởng. Việc xét khen thưởng ở mức cao lại do chính quyền địa phương xét và công nhận nên không ai quan tâm tới khen cho khu vực doanh nghiệp.
Phụ nữ ở nhà trọ sống xa gia đình, sinh hoạt tự do, thiếu hiểu biết, không có điều kiện sinh hoạt văn hoá, khó xây dựng gia đình, có xu hướng bị lợi dụng, liên quan tới tệ nạn xã hội. Con cái không được chăm sóc dậy dỗ (mẹ đi làm sớm, về muộn) học kém, số ít gia đình có nguy cơ tan vỡ.
Trước thực trạng chung như vậy, Công đoàn ngành Công thương Hải Dương đã cố gắng thực hiện một số công tác để cải thiện tình hình:
Kiện toàn các BCHCĐCS, kiện toàn các ban nữ công cơ sở. Hướng dẫn hoạt động Công đoàn và nữ công thông qua đào tạo cán bộ bằng nhiều hình thức: Đào tạo tập trung, tự học qua sổ tay cán bộ công đoàn (Có thông tin kiến thức trong sổ). In các tập tài liệu chuyên đề cho các ban nữ công sinh hoạt. Tổ chức cho các trưởng ban đi tham quan học tập. Tham gia với các chủ doanh nghiệp quan tâm tạo điều kiện cho phụ nữ, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho lao động nữ .
Đến nay nhiều doanh nghiệp đã có các chế độ phụ cấp cho người lao động ( trong đó có lao động nữ) về tiền thâm niên, tiền hỗ trợ xăng xe, tiền phụ cấp nhà trọ, tiền ăn ca, tiền ăn sáng, hỗ trợ nhà trẻ. Có doanh nghiệp đã có nhà ở, có nhà trẻ không thu bất cứ khoản tiền nào của công nhân.
Trong hoạt động nữ công đã có nhiều cơ sở tổ chức được hình thức tặng quà phụ nữ nhân 8/3, 20/10, tặng quà thiếu nhi nhân 1/6, tặng quà công nhân lao động nhân rằm trung thu. Nhiều cơ sở tổ chức cho phụ nữ vui chơi như thi nấu ăn, thi làm món ăn truyền thống ( bánh trôi bánh chay…), liên hoan văn nghệ, biểu diễn người đẹp, biểu diễn thời trang,thi đi xe đạp chậm, thi đấu bóng đá ( có luật riêng, tới 30 người một đội nhằm làm cho phụ nữ có cảm giác đá bóng)…Một số cơ sở đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức về giới như nuôi con khoẻ dạy con ngoan, học cách trang điểm, nữ công gia chánh, tổ chức tham quan du lịch. Một số cơ sở có quỹ vì phụ nữ khó khăn, quỹ tình nghĩa để giúp phụ nữ. Một số cơ sở lao động ổn định lâu dài chị em tự nguyện vào hội giúp đỡ nhau tài chính để mua sắm các tài sản dụng cụ đắt tiền, ưu tiên người có khó khăn mua trước xe máy, tủ lạnh, máy giặt…
Để tạo điều kiện cho phụ nữ, giúp phụ nữ bình đẳng, vì một xã hội tốt đẹp, các cấp các ngành phải có nhiều biện pháp thiết thực, chủ doanh nghiệp phải thực hiện chế độ chính sách theo pháp luật quy định với lao động nữ. CĐCS phải có sự kết hợp với CĐ phường xã nơi đơn vị đứng chân quan tâm tới đời sống văn hoá, trật tự trị an tại các khu nhà trọ. CĐCS thương lượng đưa vào thoả ước LĐ tập thể những thoả thuận có lợi cho lao động nữ…