[In trang]
Hoạt động Công đoàn cần tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động
Thứ ba, 13/10/2015 - 16:23
Vấn đề quan hệ lao động diễn biến ngày càng phức tạp

Trong sắp xếp thứ tự 7 nhiệm vụ cụ thể thì nhiệm vụ “Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVC-LĐ” cũng đã chính thức được xếp vào vị trí số 1, sau đó mới đến nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục CNVC-LĐ, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước...


Sự thay đổi trong cách sắp xếp thứ tự các chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn không phải là một vấn đề ngẫu nhiên. Rõ ràng đã có một sự chuyển biến mới được đem đến từ yêu cầu phát triển khách quan của xã hội, của giai cấp công nhân và của sự nghiệp cách mạng Việt Nam.

Từ khi ra đời, là thành viên trong hệ thống chính trị của Đảng, gánh vác sứ mệnh lịch sử là “tổ chức chính trị- xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của những người lao động Việt Nam”, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong việc tập hợp, xây dựng giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh. 

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh đất nước đang còn chiến tranh hoặc trước thời kỳ đổi mới, hội nhập, vấn đề “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVC-LĐ” thực sự chưa phải là vấn đề bức bách, cần kíp so với việc tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các phong trào thi đua yêu nước (tham gia quản lý)... Bởi vì quan hệ lao động lúc bấy giờ còn khá thuần nhất. Vì vậy, dễ dàng nhận thấy chức năng “bẩm sinh, tự có” của Công đoàn là “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CNVC-LĐ” cũng chỉ đóng vai trò như các chức năng khác, nếu không nói là được xếp ở vị trí thứ yếu. 

Trong cơ chế thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu sắc, vấn đề quan hệ lao động diễn biến ngày càng phức tạp.

 Bức tranh kinh tế- xã hội đã có sự phát triển vượt bậc với sự tham gia tích cực, đa dạng của các thành phần kinh tế, kèm theo là sự chuyển dịch cơ cấu lao động, sự phân hoá giàu nghèo, tình trạng vi phạm pháp luật về lao động, môi trường...làm nảy sinh những vấn đề bức xúc trong xã hội nói chung, trong đội ngũ CN-LĐ nói riêng, mà không ít cuộc đình công đã diễn ra trên địa bàn cả nước thời gian qua là một thực tế rất đáng quan tâm. 

Thực trạng đó đòi hỏi tổ chức Công đoàn Việt Nam cần phải thực sự đổi mới, có vậy mới làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình. 

Có thể thấy tổ chức Công đoàn đã nhận thức sâu sắc điều đó. Bằng chứng là trong mục tiêu nhiệm vụ đề ra, vấn đề chuyển mạnh hoạt động công đoàn vào việc tổ chức thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVC-LĐ đã được đặt ra như là một nội dung trọng tâm, cấp bách.

 Tuy nhiên, những ai thực sự quan tâm đến hoạt động công đoàn, cũng chưa thể hết băn khoăn!, bởi vì, “từ nhận thức đến hành động là cả một quá trình”. Mừng là đã có nhận thức đúng, nhưng để có những giải pháp cơ bản từ gốc đòi hỏi các cấp Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở phải nỗ lực tìm kiếm, trên cơ sở nghiên cứu, tìm hiểu lý luận về Công đoàn và giai cấp công nhân và phân tích thấu đáo tình hình nảy sinh từ thực tiễn.

 Các biện pháp cơ bản từ gốc như vậy hiện vẫn còn thiếu. 

Chẳng hạn, làm thế nào để cán bộ CĐCS không bị phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp, để có thể dám mạnh dạn đấu tranh với những biểu hiện vi phạm pháp luật lao động của chủ doanh nghiệp, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động? Đây vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp. 

Đã nửa nhiệm kỳ trôi qua, mong sao trong quá trình tổ chức thực hiện từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội X, vấn đề hệ trọng trên sẽ được giải quyết, chứ không dừng lại ở những định hướng nặng tính lý thuyết.

Vũ T. Khoái