[In trang]
TPP và việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế ở Việt Nam
Thứ tư, 25/11/2015 - 14:12
Tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về lao động là nội dung luôn được đề cập đến trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới

Ngày 05/11/2015 các nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã công bố toàn văn Hiệp định với 30 chương, nhiều lĩnh vực, mô hình mới về hợp tác kinh tế, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại và đầu tư.

Tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về lao động là nội dung luôn được đề cập đến trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Cũng như các FTA thế hệ mới khác, Hiệp định TPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mà Việt Nam là một thành viên về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động mà tất cả các nước thành viên TPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi với tư cách thành viên ILO.


Hiệp định TPP yêu cầu các nước quy định trong luật và áp dụng trên thực tế các biện pháp để bảo đảm thực thi đầy đủ Tuyên bố của ILO năm 1998 về các nguyên tắc cơ bản và quyền tại nơi làm việc. Tuyên bố này bao gồm các quyền cơ bản của người lao động, đó là các quyền tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ  lao động cưỡng bức, xóa bỏ lao động trẻ em, loại bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp; không phân biệt đối xử người lao động...

Với tư cách là thành viên (tái gia nhập năm 1993), Việt Nam đã phê chuẩn 21/189 Công ước của ILO. 8 tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản có tính bắt buộc chung cho tất cả các quốc gia thành viên ILO. Theo quan điểm của ILO, các tiêu chuẩn cơ bản là tiêu chuẩn tối thiểu và có thể áp dụng cho mọi quốc gia, không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ phát triển của mỗi quốc gia, tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản bao gồm:

- Công ước số 87 năm 1948 về quyền tự do hiệp hội và việc bảo vệ quyền được liên kết.

- Công ước số 98 năm 1949 về quyền được tổ chức và thương lượng tập thể   

- Công ước số 29 năm 1930 về lao động cưỡng bức và hoặc bắt buộc

- Công ước số 105 năm 1957 về xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc

- Công ước số 138 năm 1973 về tuổi lao động tối thiểu

- Công ước số 182 năm 1999 về xóa bỏ những hình thức sử dụng lao động trẻ em tồi tệ nhất

- Công ước số 100 năm 1951 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau

- Công ước số 111 năm 1958 về phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp

Với tinh thần bảo đảm điều kiện lao động tốt nhất cho người lao động, Việt Nam đã chủ động phê chuẩn 5 công ước cơ bản của ILO, bao gồm các công ước số 29, 100, 111, 138 và 182. Với 3 công ước cơ bản còn lại là các Công ước số 87, 98 và 105, Việt Nam đã và đang tiến hành nghiên cứu và chuẩn bị để trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn.

Về quyền tự do hiệp hội, Công ước số 87 nêu nguyên tắc “Người lao động và người sử dụng lao động, không phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào đều không phải xin phép trước mà vẫn có quyền được tổ chức và gia nhập các tổ chức theo sự lựa chọn của mình, với một điều kiện duy nhất là phải tuân theo Điều lệ của chính tổ chức đó”. Điều này có nghĩa tổ chức của người lao động tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động. Tổ chức đó sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức của người lao động, sau khi hoàn tất thủ tục nói trên, sẽ có một số quyền tự chủ nhất định phù hợp với quy định của ILO và pháp luật Việt Nam. Mục đích hoạt động của tổ chức đại diện người lao động phải là để đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích của người lao động tại doanh nghiệp mà họ làm việc thông qua các hình thức được quy định trong pháp luật bao gồm đối thoại, thương lượng tập thể, đình công và các hành động tập thể khác trong quan hệ lao động. Các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích phù hợp với quy định của ILO và đã đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể “1.1. Người lao động phải được hưởng sự bảo vệ thích đáng trước mọi hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn trong việc làm của họ. 1.2. Sự bảo vệ đó phải được áp dụng trước hết với những hành vi nhằm: a/ Phụ thuộc vào việc làm của người lao động vào một điều kiện là người đó không được gia nhập công đoàn hoặc phải từ bỏ tham gia công đoàn, b/ Gây ra việc sa thải người lao động hoặc làm phương hại người đó bằng cách khác, với lý do là người đó gia nhập công đoàn, hoặc tham gia các hoạt động công đoàn ngoài giờ làm việc hoặc với sự đồng ý của người sử dụng lao động trong giờ làm việc” (Điều 1) và thương lượng tập thể “Nếu cần thiết phải có những biện pháp phù hợp với điều kiện quốc gia để khuyến khích và xúc tiến việc triển khai và sử dụng hoàn tất các thể thức thương lượng tự nguyện giữa một bên là người sử dụng lao động và các tổ chức của người sử dụng lao động với một bên là các tổ chức của người lao động, nhằm quy định những điều khoản và điều kiện sử dụng lao động bằng thỏa ước lao động tập thể” (Điều 4). Nội dung Công ước 98 đề cấp đến vấn đề đại diện, bảo vệ một cách hiệu quả quyền và lợi ích của người lao động, không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền lợi của người lao động. Đề cao nghĩa vụ thương lượng, thiện chí của người sử dụng lao động khi tiến hành thương lượng tập thể với tổ chức của người lao động về tiền lương và các điều kiện lao động khác cho người lao động.

Công ước số 105 năm 1957 về xóa bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc ở Điều 1 đã nêu: “Mọi nước thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế phê chuẩn Công ước này cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó.

a) Như là một biến pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị, hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập;

b) Như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế;

c) Như là một biện pháp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

d) Như một sự trừng phạt đối với việc đã tham gia đình công;

e) Như một biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo.

Và Điều 2: “Mọi nước thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế đã phê chuẩn Công ước này cam kết sử dụng các biện pháp có hiệu quả nhằm xóa bỏ ngay và toàn bộ lao động cưỡng bức bắt buộc, như đã quy định tại Điều 1, Công ước này”.

Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là một trong những Công ước cơ bản của ILO, là văn bản pháp luật quốc tế rất quan trọng về việc xóa bỏ lao động cưỡng bức. Tính đến tháng 8 năm 2013, trên thế giới có 174 quốc gia phê chuẩn Công ước này. Việt Nam phê chuẩn Công ước 105 có ý nghĩa rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đang tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế; phù hợp với xu thế tiến bộ chung của thế giới, thể hiện những cam kết quốc tế của Việt Nam nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến lao động của Việt Nam và cộng đồng quốc tế.

Tham gia TPP, bên cạnh mặt thuận lợi và lợi ích mang lại, thì rủi ro và thách thức cũng rất lớn đối với Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nên trước hết họ phải là người được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả của quá trình này. Hiệp định TPP có chương riêng đưa ra những cam kết về lao động với việc áp dụng các tiêu chuẩn lao động của ILO mà các nước tham gia cần phải tuân thủ. Đây cũng là một thách thức với tổ chức Công đoàn Việt Nam trong quá trình đổi mới tổ chức hoạt động phù hợp với phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.

 Nguyễn Xuân Thái