[In trang]
Giải quyết "bài toán" lao động: Đâu là nhân tố quyết định?
Thứ tư, 12/08/2015 - 16:20
Giải quyết việc đề thừa, thiếu lao động đang là vấn đề "đau đầu" cho các nhà quản lý DN

Giải quyết việc đề thừa, thiếu lao động đang là vấn đề "đau đầu" cho các nhà quản lý DN. Đặc biệt trong các lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản… những lĩnh vực được coi là có tỷ lệ lao động cao nhất hiện nay. Trong khi ở nhiều DN tình trạng thiếu lao động xảy ra triền miên, thì vẫn có những DN lao động luôn ổn định với thu nhập cao. Tại sao lại có tình trạng thừa - thiếu như vậy ?

 

Đào tạo thừa thầy, thiếu thợ

Cơ cấu lao động của VN hiện nay được đánh giá là cơ cấu lao động vàng, thế nhưng các DN sản xuất lại đang thiếu lao động. Lý do chính là việc định hướng nghề nghiệp ở nước ta chưa hợp lý, kế hoạch phát triển đào tạo mất cân đối, ngoài các trường công lập, việc phát triển các trường dân lập cũng đang có vấn đề cần phải bàn.

Thực tế cho thấy, đa số các gia đình VN đều mong muốn cho con được đi học, nhất là học đại học với mục đích thoát nghèo. Nhiều gia đình nghèo cũng cố gắng chạy vạy để đủ tiền cho con đi học đại học, không vào được công lập thì học dân lập. Thậm chí nhiều gia đình có con học xong nhiều năm rồi không xin nổi việc làm. Điều này dẫn đến tình trạng lao động thừa, trong khi lao động công nghiệp thì không có. Đây là điều đáng báo động, nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng đào tạo ra để đấy, vừa tốn thời gian, tiền của, mà tài nguyên lao động khác với các tài nguyên khác, họ vẫn phải ăn, tiêu... chúng ta sẽ thiệt hại kép.

Một điều dễ nhận thấy là nhiều con em lao động học xong kế toán, quản trị kinh doanh, tin học... không có việc, mà đã học cao đẳng, đại học rồi thì số học sinh ấy sẽ không bao giờ làm công nhân từ đó dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đang diễn ra ở khắp nơi.

Chưa an cư làm sao lập nghiệp

Một thực trạng mà hầu hết các KCN đều gặp phải. Đó là chỗ ở cho người lao động. Khi người lao động còn trẻ, chưa lập gia đình với thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/tháng họ sẽ thoát nghèo. Tuy nhiên, khi người lao động lập gia đình, có con... nhu cầu chi tiêu sinh hoạt tăng lên, chỗ ở lại không có, phải đi thuê. Với mức thu nhập ấy họ không thể đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho một gia đình, họ lại bồng bế, dắt díu nhau trở về quê và lại tái nghèo. Vì vậy, nếu các KCN không sớm giải quyết vấn đề này thì tình trạng thiếu lao động sẽ vẫn tiếp diễn. Vấn đề này chúng ta nên học Trung Quốc, tức là đã mở KCN thì phải kèm theo xây dựng chỗ ở cho người lao động, nhà trẻ, trường học... trong khi ở ta hiện nay đa số KCN chỉ lo phần "ngọn" còn phần "gốc" thì chẳng mấy ai quan tâm.

Ở một số  DN, khi tuyển lao động đã quan tâm đến chỗ ở  cho ngừơi lao động kèm theo các công trình phúc lợi công cộng như nhà trẻ, mẫu giáo, thậm chí có doanh nghiệp còn dồn nhà xưởng lại để xây dựng nhà ở cho người lao động. Những gia đình ở xa được tạo điều kiện cho thuê căn hộ khép kín chỉ 300.000 đ/tháng, con cái đủ 6 tháng  được Cty nhận trông  miễn phí trong các nhà trẻ, mẫu giáo ngay kề khu sản xuất. Tuy nhiên số doanh nghiệp làm được điều này không nhiều vì không có đủ kinh phí. Vì vậy Nhà nước cần có hỗ trợ về cơ chế và chính sách để DN và Nhà nước cùng chăm lo nơi ở cho người lao động. Có như vậy, người lao động mới “an cư” để “lập nghiệp” và các DN cũng không còn phải đau đầu về bài toán lao động.

Tâm lý tiểu nông

Lao động nông thôn có tâm lý “đứng núi này, trông núi nọ”. Họ có thể thôi việc bất kỳ lúc nào để chuyển sang làm cho Cty khác chỉ vì tiền lương hơn 5 chục, 100 nghìn đồng. Không ít lao động  trong ngành may, da giày đang làm việc bỗng dưng... nghỉ việc để ôn thi đại học, cao đẳng với mong muốn có tương lai tươi sáng hơn. Một số khác sau khi tốt nghiệp THPT thì ở nhà loanh quanh làm mấy sào ruộng, không thích làm công nhân. Thậm chí, nhiều thanh niên chơi rông dài nhưng doanh nghiệp có nhu cầu lại không tận dụng được. Cúnh ta nói dân số VN đang ở độ tuổi lao động vàng, nhưng công nhân làm việc trong lĩnh vực công nghiệp rất ít, chỉ chiếm hơn 20% tổng số lao động. Còn lại là lao động nông nghiệp và các lĩnh vực khác. Gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia đang tính đến phương án nhập khẩu lao động (không phải chuyên gia) mà điều này rất có thể xảy ra bởi phải thừa nhận rằng lao động nước ngoài có ý thức và kỷ luật lao động cao hơn so với lao động trong nước. Nếu điều này xảy ra thì sẽ là một “thảm hoạ” cho nguồn lao động “nội địa” bởi khi đó họ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn với một lực lượng lao động hùng hậu, có tay nghề cao hơn, ý thức lao động công nghiệp tốt hơn.

Tiền lương - Nhân tố quyết định

Chế độ tiền lương ở Việt Nam không đồng nhất, ngành điện, dầu khí, bưu chính viễn thông, Bia - Rượu, Thuốc lá, Sữa... khá cao khiến người lao động chỉ tìm mọi cách để  xin vào những ngành đó, trong khi nhu cầu của những ngành này cũng có giới hạn. Từ đó, chỗ thừa lao động vẫn thừa mà chỗ thiếu vẫn thiếu.

Với những ngành như may, da giày, chế biến nông sản, thực phẩm.. thu nhập bình quân chỉ khoảng trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng, số doanh nghiệp có thu nhập 3 triệu rất ít. Thu nhập đã thấp lại không ổn đinh nên lao động cúng không thiết tha, gắn bó với doanh nghiệp. Để giải bài toán về lao động vấn đề quan trọn là các DN cần điều chỉnh thu nhập cho người lao động, nếu vẫn như hiện nay thu nhập trung bình khoảng trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng sẽ rất khó giữ chân người lao động. Thậm chí nhiều ngưòi còn lo ngại, nếu đóng bảo hiểm cho người lao động ở mức thu nhập như trên, sau này khi về hưu người lao động chưa được 1 triệu/tháng, thấp hơn cả mức lương tối thiểu.

Sơn Phong