[In trang]
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết trong xây dựng, phát huy vai trò giai cấp công nhân
Thứ sáu, 03/07/2015 - 16:24
Để xây dựng khối liên minh vững chắc, vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa quyết định là phải đặc biệt quan tâm xây dựng phát huy vai trò giai cấp công nhân

Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hoá thế giới, tư duy lý luận, đạo đức, nhân cách và hoạt động thực tiễn của Người đã trở thành tài sản vô giá của giai cấp công nhân, của dân tộc và là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam, của tất cả những người lao động đấu tranh cho hoà bình, tự do và công bằng trên toàn thế giới.


Cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử chói lọi của dân tộc ta và trở thành di sản văn hoá. Những tư tưởng của Người là hệ thống các quan điểm và phương pháp khoa học về nhiều lĩnh vực, trong đó tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc là một trong những lĩnh vực Người đặc biệt quan tâm đã, đang là sợi chỉ đỏ, kim chỉ nam cho sự nghiệp xây dựng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Tư tưởng, quan điểm đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ xuất phát từ sự vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể Việt Nam, mà còn xuất phát từ chính hoạt động thực tiễn của Người. Người đã dành cả cuộc đời trực tiếp vun đắp, lãnh đạo xây dựng cho rừng cây đoàn kết dân tộc ngày càng nảy lộc đâm chồi, nở hoa kết trái. Người là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời là kiến trúc sư xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những tư tưởng, quan điểm nhất quán về đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự gắn bó hữu cơ với toàn bộ cuộc đời hoạt động lý luận và thực tiễn của Người, của quá trình xây dựng, đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Tư tưởng phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc của Hồ Chí Minh còn là sự kết tinh những giá trị cao quý trong truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam và chính nhờ truyền thống văn hoá dân tộc đó mà trải qua bao bão táp, hiểm nguy, dân tộc ta vẫn thành một khối thống nhất, tạo nên sức mạnh vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam để vượt qua mọi khó khăn hiểm nguy. Nét tiêu biểu của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện ở khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Như vậy tư tưởng đoàn kết toàn dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của lực lượng lãnh đạo cách mạng, mà là sự đúc kết và hiện thực hoá nhu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng do quần chúng tiến hành và vì quyền lợi của bản thân quần chúng. Tư tưởng đoàn kết ấy đã lấy lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân làm nguyên tắc, nền tảng, đã kết hợp và giải quyết hài hoà giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, lợi ích gia đình với lợi ích xã hội, lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc và giữa lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài. Theo Người đoàn kết là yêu cầu khách quan ở mọi nơi, mọi lúc thì mới có thể thực hiện được mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội “chỉ có đoàn kết mới đánh bại mọi âm mưu chia rẽ của kẻ thù, chỉ có đoàn kết phấn đấu nước ta mới được độc lập”. Trước những khó kăhn về kinh tế và diễn biến phức tạp của tình hình trong nước và thế giới hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ, đòan viên phải quán triệt sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây thực sự là vấn đề có ý nghĩa chiến lược quan trọng, quyết định đến thành bại của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng chủ chốt của cách mạng là công nhân và nông dân… Nhưng cách mạng cũng rất cần có lực lượng trí thức… Trong sự nghiệp cách mạng, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, lao động trí óc có vai trò quan trọng và vẻ vang, công - nông - trí phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”. Liên minh công - nông - trí trong giai đoạn hiện nay có những đặc điểm và yêu cầu mới, do vậy trong xây dựng, củng cố khối liên minh cần phải chú ý những nội dung cơ bản sau:

- Trước hết, phải chú trọng đến xây dựng, củng cố liên minh chính trị. Nội dung của liên minh này phải dựa trên cơ sở lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân do Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp lãnh đạo, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm định hướng, lấy độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu chính trị cơ bản để hoạch định đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn xây dựng, củng cố tốt liên minh chính trị. Bởi liên minh chính trị vững chắc sẽ tạo ra lực lượng to lớn quyết định đến quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Mặt khác, để xây dựng khối liên minh vững chắc, vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa quyết định là phải đặc biệt quan tâm xây dựng phát huy vai trò giai cấp công nhân, bởi giai cấp công nhân là cơ sở xã hội chủ yếu của Đảng, Nhà nước, lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đang nắm giữ những cơ sở vật chất quan trọng nhất, quyết định phương hướng phát triển của nền kinh tế quốc dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Tuy nhân dân đều bình đẳng về quyền lợi nghĩa vụ nhưng chỉ có giai cấp công nhân vừa là chủ, lại vừa là giai cấp lãnh đạo”. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân sẽ là một đảm bảo quan trọng cho thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Xây dựng, phát huy vai trò giai cấp công nhân là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và của mọi người dân phải được thể hiện bằng đường lối của Đảng, bằng hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách đồng bộ của Nhà nước, bằng tổng hợp các biện pháp kinh tế, chính trị, tư tưởng. Đảng, Nhà nước, các tổ chức quần chúng phải coi xây dựng giai cấp công nhân là chính sách quốc gia, chương trình quốc gia. Xây dựng giai cấp công nhân phải thực sự là vấn đề mang tính chính trị hàng đầu, là đường lối chiến lược chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền, đi cùng với nó là thực hiện chính sách phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm tạo động lực để giai cấp công nhân phát triển. Trên cơ sở đó để tăng cường khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức làm nền tảng xây dựng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

TH