Ngày 16/10, tại Phú Thọ, CĐCTVN đã tổ chức Hội nghị Trao đổi thông tin về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tham dự Hội nghị có các chủ tịch, phó chủ tịch, cán bộ công đoàn phụ trách công tác tuyên giáo, đại diện lãnh đạo một số doanh nghiệp khu vực phía Bắc trực thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty trong Bộ Công Thương.
Hội nghị đã được nghe Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ những thông tin về lịch sử hình thành Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), quá trình Việt Nam tham gia đàm phán, những nội dung đàm phán song phương, đa phương; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Việt Nam trong quá trình đàm phán và vị trí chính thức sau khi Việt Nam tham gia TPP…
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trao đổi thông tin tại Hội nghị
TPP gồm 12 nước: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước tới nay mà Việt Nam tham gia, hơn nữa đây là khu vực thương mại tự do chiếm hơn 40% kinh tế toàn cầu, 30% thương mại toàn cầu. Các bên kỳ vọng Hiệp định sẽ tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp cận thị trường mới, hỗ trợ phát triển sản xuất trong toàn khu vực và xác lập tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu.
Theo Thứ trưởng, TPP là một hiệp định thương mại tự do có phạm vi cam kết rộng lớn hơn và có mức độ cam kết sâu hơn so với các FTA trước đây, đó là điển hình của các FTA thế hệ mới đề cập không chỉ đến các vấn đề truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, vật tư và các vấn đề thương mại phi truyền thống… đã làm cho TPP khác biệt so với các khu vực thương mại tự do khác.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Một điểm đặc biệt đáng lưu ý, bên cạnh mục tiêu kinh tế, TPP tạo cho Việt Nam sức ép tự thay đổi thể chế, điều mà chưa một FTA nào trước đó đạt được. Hiệp định TPP với các tiêu chuẩn rất cao về quản trị minh bạch và hành xử khách quan của bộ máy Nhà nước sẽ giúp ta tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; thúc đẩy hoàn thiện bộ máy theo hướng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính.
Đối với Việt Nam, một số nội dung đàm phán về lao động trong TPP được cho là khá khó khăn. Chẳng hạn, việc đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải duy trì các điều kiện lao động ở cùng tiêu chuẩn tối thiểu với các nước phát triển trong TPP. Đây là điều không dễ dàng và có thể là tác nhân làm tăng chi phí sản xuất, từ đó giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu có thể rơi vào tình trạng khó khăn (thậm chí phá sản), kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng đ/c Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương
Tại Hội nghị, Thứ trưởng đã chia sẻ những vấn đề mà tổ chức Công đoàn Việt Nam cần quan tâm trong thời gian tới là việc duy trì, thu hút và phát triển đoàn viên… Theo Thứ trưởng, sau khi tham gia TPP, Việt Nam bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho người lao động và quyền tự do lập hội, tuy nhiên, phải lấy tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế làm chuẩn (ILO) và tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam.
Đối với tổ chức công đoàn, do quan hệ lao động thay đổi sau khi Việt Nam chuyển hướng theo kinh tế thị trường, nên mô hình công đoàn thời bao cấp đã không còn phù hợp; tổ chức công đoàn cần phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới, để bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Phương Trà - TH