Sau ba phiên họp căng thẳng, quyết liệt, thậm chí có lúc rơi vào bế tắc, cuối cùng giữa ngày 3/9, Hội đồng Tiền lương Quốc gia (HĐTLQG) cũng “chốt” được phương án lương tối thiểu vùng năm 2016 với mức tăng bình quân 12,4% so với năm 2015 (tăng từ 250.000 - 400.000 đồng tuỳ từng vùng).
Tuy không được như mức đề xuất của Tổng LĐLĐVN (16,8%), nhưng đây cũng là kết quả từ sự nỗ lực hết mình của tổ chức Công đoàn - cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Căng thẳng đến phút chót
Đến gần 12h ngày 3.9, phiên họp lần thứ 3 của HĐTLQG vẫn “căng như dây đàn”. Nhiều thành viên HĐTLQG tỏ ra mệt mỏi vì tranh cãi căng thẳng trong gần 4 tiếng đồng hồ. 12h05, không khí trong phòng bỗng dưng chùng lại trong giây lát. Dường như không ai có thể có ý kiến thêm nữa khi 2 phương án cuối cùng được đưa ra sau khi cuộc “hội ý” của đại diện chủ sử dụng LĐ (VCCI) và Tổng LĐLĐVN vẫn còn “vênh nhau”. VCCI đề xuất tăng 12%, trong khi Tổng LĐLĐVN là 14,8%.
Tuy nhiên, có một điều tích cực là sau rất nhiều tranh luận, từ lúc ban đầu quá chênh lệch nhau (6-7% của VCCI và 16,8% của Tổng LĐLĐVN), đến phút cuối, hai bên xích lại gần nhau hơn. “Chỉ là xích lại gần nhau thôi chứ chưa đồng thuận với nhau” - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân - Chủ tịch HĐTLQG - nhận xét. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính phá vỡ sự im lặng khi đề nghị ông Huân đưa ra phương án cuối cùng là để HĐTLQG bỏ phiếu, vì đề xuất của cả hai bên không nhận được sự chấp thuận của các thành viên. Trước đề xuất này, ông Huân băn khoăn và chưa muốn thực hiện quyền của mình và yêu cầu có thêm thời gian để tạo cơ hội cho hai bên thảo luận, điều chỉnh. Trái lại, cả hai bên đều “thúc” ông Huân chọn phương án cuối cùng: Bỏ phiếu!
20 phút trôi qua, sau những tranh cãi và đề xuất của các bên, ông Huân mới đưa ra đề xuất tăng lần lượt 250.000 đồng, 300.000 đồng, 350.000 đồng và 400.000 đồng, tương đương với vùng IV đến vùng I, với mức tăng bình quân là 12,4%. Sau đó các thành viên HĐTLQG tiến hành bỏ phiếu. Kết quả, có 92,8% số phiếu đồng ý với mức tăng trên. Như vậy, phương án tăng LTT này sẽ được Chủ tịch HĐTLQG trình lên kỳ họp của Chính phủ vào tháng 9 để Chính phủ quyết định và công bố vào tháng 10 năm nay.
Phản biện những lập luận của VCCI
Cũng như hai phiên họp lần trước, lần này, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính lần lượt bác bỏ những lập luận của VCCI bằng những lý lẽ, con số cụ thể. Trong khi VCCI cho rằng, nếu tăng 16,8% như đề xuất của Tổng LĐLĐVN, “sức khoẻ” DN sẽ không chịu được và không có khả năng chi trả, ông Chính đưa ra lập luận tất cả DN hiện nay đang trả cho NLĐ trên mức tiền LTT, có nơi gấp rưỡi. Điều tra của Tổng LĐLĐVN cho thấy, bình quân thu nhập lương ở Hà Nội là 4,4 triệu đồng và TPHCM là 4,9 triệu đồng. Hơn nữa, hiện nay các DN đang sử dụng 2 bảng lương: Một bảng lương quyết toán với thuế là tổng thu nhập và một để làm cơ sở đóng BHXH. Ông dẫn chứng ở TPHCM, có DN trả lương CN là 5,974 triệu đồng nhưng chỉ đóng BHXH ở mức lương 3,747 triệu đồng.
Một lập luận nữa của VCCI là, bắt đầu vào năm 2016 khi Luật BHXH mới được áp dụng, việc đóng BHXH sẽ căn cứ trên tổng thu nhập của NLĐ, như vậy sẽ đội chi phí của DN lên rất cao. Theo VCCI, nếu LTT tăng 10% và với việc đóng BHXH theo Luật BHXH mới, DN phải chịu thêm 7% nữa và do vậy mức tăng tổng cộng phải là 17%. Đối với quan điểm này, ông Chính phân tích rõ ràng: “VCCI tính mức tăng thêm chi phí 7% là vì họ tính cho tất cả NLĐ của DN, nhưng thực tế với 5 khoản phụ cấp (trách nhiệm, độc hại, chuyên cần, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đi lại), không phải NLĐ nào cũng được hưởng. Theo tính toán của Tổng LĐLĐVN, mức tăng này chỉ là 3,5%. Do đó, với mức tăng theo như đề xuất của Tổng LĐLĐVN, DN hoàn toàn có thể chịu được. Chẳng qua các DN sợ tăng chi phí đóng BHXH, ảnh hưởng đến lợi nhuận nên mới phản đối mức tăng theo đề xuất của Tổng LĐLĐVN”.
Tuy nhiên, có một thực tế mà không ai chối bỏ được, đó là CN hiện nay đang sống quá khổ cực. Điều này liên tục được Tổng LĐLĐVN minh chứng bằng những con số cụ thể qua khảo sát về lương, thu nhập của CN. Khảo sát này được tiến hành công phu tại 10 tỉnh, thành phố lớn với 60 DN thuộc 4 vùng lương. Kết quả cho thấy, so sánh giữa thu nhập và chi tiêu, 19,9% số NLĐ được hỏi cho rằng thu nhập “không đủ sống”, 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm, 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống và chỉ có 8% cho biết có tích luỹ. Đời sống của CN quá khổ cực còn được thể hiện qua câu chuyện đầy xót xa của ông Đặng Minh Thuần - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội - khi ông kể tại phiên họp thứ 2 của HĐTLQG: Ngay tại Hà Nội, có NLĐ phải thuê phòng trọ là chuồng lợn được cải tạo lại để tiết kiệm tiền.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính (đứng) phát biểu tại phiên họp thứ ba Hội đồng Tiền lương Quốc gia (ngày 3.9.2015). Ảnh: QUANG HỢP
PGS-TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn - chua chát nhận xét thêm: “NLĐ vào DN với bàn tay trắng, khi ra khỏi DN cũng chỉ có bàn tay trắng, không sức khỏe, không nghề nghiệp, không tích lũy, không nhà ở, không có tương lai!”. Ông Thọ từng khẳng định, việc tăng LTT theo mức đề xuất của Tổng LĐLĐVN cũng là để phục vụ cho việc tuân thủ pháp luật. Bởi lẽ Điều 91 Bộ luật Lao động quy định LTT phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu lẽ ra phải thực hiện từ 1.5.2013, nhưng đã phải kéo dài lộ trình, nhưng không thể là kéo dài mãi mãi.
“Đồng ý là DN khó khăn nên phải có lộ trình, nhưng phải có thời gian kết thúc chứ không thể kéo dài mãi được. Năm nay tình hình kinh tế xã hội khá hơn, nhu cầu sống tối thiểu tăng lên, phải điều chỉnh chứ” - ông Chính nhiều lần nhấn mạnh. Thậm chí, để các thành viên HĐTLQG có thể hiểu hơn về đời sống CN, vào phiên họp lần thứ 2 ngày 25.8, ông Chính đề xuất các thành viên của hội đồng hãy xuống tận các khu nhà trọ để hiểu được cuộc sống CN hiện nay là như thế nào trước khi bỏ phiếu!
Trách nhiệm trước hàng triệu người lao động
Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, ông Chính từng khẳng định Tổng LĐLĐVN sẽ làm hết trách nhiệm trước hàng triệu NLĐ cả nước. Tại phiên họp lần 2, khi mức đề xuất của Tổng LĐLĐVN không được chấp thuận, ông Chính đã đề nghị dừng họp để các bên tìm tiếng nói chung vào phiên khác, mặc dù Chủ tịch HĐTLQG đề nghị phiên họp tiếp tục vào buổi chiều cùng ngày. Theo quy chế HĐTLQG, mỗi bên chỉ được sử dụng quyền dừng phiên họp 1 lần và do đó, Tổng LĐLĐVN đã “hy sinh” một lần đề nghị để các bên có thêm thời gian để có thể đồng thuận, tìm ra tiếng nói chung có lợi cho NLĐ.
Mặc dù kiên trì với lập trường tăng 16,8%, nhưng các thành viên của HĐTLQG thuộc Tổng LĐLĐVN không cứng nhắc, mà sẵn sàng nhân nhượng nếu bên VCCI cũng có sự nhân nhượng. Tuy nhiên, nguyên tắc không thể thay đổi là mức tăng không thể thấp hơn mức tăng của năm 2015 so với năm 2014. “Năm ngoái, tình hình kinh tế còn khó khăn còn tăng được cho CNLĐ được 400.000 đồng. Tại sao năm nay, kinh tế khởi sắc hơn lại không tăng được bằng mức đấy? Nếu tăng với mức dưới 400.000 đồng, chúng tôi biết giải thích như thế nào đối với công nhân?” - ông Chính đặt câu hỏi.
Có thể thấy rõ, qua 3 phiên họp, Tổng LĐLĐVN tiếp tục khẳng định rõ vai trò bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong đàm phán, thương lượng tiền LTT cho NLĐ. Những thành viên của Tổng LĐLĐVN tham dự phiên họp xác định rõ nguyên tắc quyền lợi của CN là tối thượng, “chiến đấu” cho CN bằng “một bầu máu nóng”, nhất là khi đề cập đến tình cảnh của CN hiện nay và “một cái đầu lạnh” với những con số khoa học, những lập luận xác đáng, thuyết phục.
Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt con số 12,4% tăng lương tối thiểu vùng vào năm 2016. Mức tăng tương ứng như sau:
Vùng 1 - 3.500.000đ (tăng 400.000 đồng)
Vùng 2 - 3.100.000đ (tăng 350.000 đồng)
Vùng 3 - 2.700.000đ (tăng 300.000 đồng)
Vùng 4 - 2.400.000đ (tăng 250.000 đồng).
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Chủ tịch HĐTLQG Phạm Minh Huân: “Chúng tôi cho rằng các thành viên hội đồng đã “lắng nghe” nhau nhiều hơn sau 3 phiên họp. Mức tăng 12,4% này tác động khá lớn đến DN trong quá trình hội nhập, vì ngoài chăm lo đời sống NLĐ họ phải dành một khoản cho tái đầu tư sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị để trụ vững, cạnh tranh. Lý do của hai bên đại diện cho người sử dụng LĐ và NLĐ đều chính đáng, nhưng phân tích kỹ, chúng tôi cho rằng phương án tăng 12,4% có thể chưa làm Tổng LĐLĐVN hài lòng nhưng phải cảm thông với mức “chịu đựng của DN”. Trên thực tế NLĐ là nguồn lực rất lớn của DN nên DN phải nỗ lực cố gắng để bù đắp mức tăng nhằm đảm bảo đời sống cho NLĐ. DN cũng phải đánh giá mức tăng BHXH để báo cáo cơ quan chức năng để báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Chúng ta đã nỗ lực vừa đảm bảo tăng lương tối thiểu cho NLĐ, vừa đảm bảo thực hiện Luật BHXH”. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính: “VCCI đưa ra lý do tăng lương phải tăng năng suất LĐ, nhưng LTT không gắn với năng suất LĐ. NLĐ chưa đủ sống lấy gì mà nói chuyện tăng năng suất? Tại sao việc tăng năng suất LĐ lại phải “nhắm” chủ yếu vào NLĐ? Nỗ lực tăng năng suất cũng phải do DN đổi mới đầu tư máy móc thiết bị công nghệ, đào tạo tay nghề cho NLĐ; quản trị tốt hơn. Mức tăng năm nay cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 89% mức sống tối thiểu. Hy vọng, vào năm 2017, khi điều chỉnh lần nữa, LTT có thể đạt mức sống tối thiểu của NLĐ. Theo tôi, không nên nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cắt xén đồng “lương còm” của NLĐ. NLĐ là vốn quý của DN, bởi vậy DN cần phải chăm lo cho NLĐ, đầu tư máy móc thiết bị… nếu cứ để NLĐ hằng ngày phải lo cái ăn, cái mặc, vật vã với tăng ca thì làm sao có sáng kiến - sáng tạo để nâng cao năng suất!” Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng: “Chúng tôi thực sự chưa thỏa mãn với kết quả này, vì thời gian qua doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, do đó mức tăng này vượt quá khả năng chi trả. Nhưng khi HĐTLQG đã quyết, doanh nghiệp phải chấp hành và phấn đấu để đáp ứng đòi hỏi trong tình hình mới và tăng cường khả năng hội nhập. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp trong thời gian tới. Chúng tôi hy vọng doanh nghiệp sẽ cố gắng, song song đó VCCI sẽ cùng cơ quan chức năng tập hợp kiến nghị của doanh nghiệp để có ý kiến về việc điều chỉnh mức đóng BHXH, đồng thời dãn lộ trình tăng LTT để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp”. |
Lê Phương (ghi) (Nguồn: báo Lao động)
Ý kiến về tiền lương tối thiểu vùng Bà Lê Thị Đoan Trinh - Giám đốc Nhân sự Cty Trí Tuệ Việt (quận 1, TPHCM): Thực tế DN ở nhiều nơi đã trả cao hơn mức lương tối thiểu vùng (LTT) sẽ tăng (3,5 triệu đồng/tháng). Mức LTT hiện chủ yếu được các DN thâm dụng lao động dùng để đóng BHXH chứ không có ý nghĩa nhiều về thu nhập thực tế của NLĐ. Theo tôi, mức đề xuất tăng bình quân LTT 12,4% là một mức hợp lý, nó phù hợp với khả năng chi trả của DN cũng như đáp ứng được nguyện vọng được tăng lương của NLĐ. Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch CĐCS Cty PouYuen, Q.Bình Tân, TPHCM: Mấy hôm nay CN rất quan tâm đến cuộc họp của HĐTLQG. Theo tôi, mức tăng bình quân 12,4% cho các vùng và mức tăng tuyệt đối là 400.000 đồng cho vùng I là chưa đáp ứng được kỳ vọng của NLĐ. Tuy nhiên, chắc HĐTLQG đã có những cân nhắc đến nguyện vọng của NLĐ cũng như khả năng đáp ứng của DN. Theo quy định, HĐTLQG sẽ trình Chính phủ xem xét và quyết định, khi có Nghị định về tiền LTT, CĐCS sẽ tuyên truyền cho NLĐ và giới chủ cùng thực hiện. Ông Nguyễn Văn Sang - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Bỉnh Phước: Bình Phước là tỉnh có 3 vùng mức LTT (vùng II, III, IV). Tính bình quân, các DN tại Bình Phước đã trả lương cơ bản từ 3,1 triệu đồng đến 3,45 triệu đồng (không tính thêm các thu nhập khác), cao hơn nhiều với mức LTT hiện hành và cao hơn cả với mức sẽ thực hiện trong năm 2016. Bởi lẽ, nếu trả thấp hơn sẽ không có người làm. Do đó, việc tăng mức LTT bình quân 12,4% như HĐTLQG vừa chốt lại cũng không ảnh hưởng nhiều đến chi phí của DN mà chỉ ảnh hưởng đến chi phí đóng BHXH cho NLĐ là chính. CN Nguyễn Thị Tươi - Cty TaekwangVina (KCN Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai): Tôi cũng theo dõi mấy phiên họp của HĐTLQG và thấy mức đề xuất như của Tổng LĐLĐVN là phù hợp với nguyện vọng chung của đa số CN. Nói thực, tiền lương, thu nhập của chúng tôi đã cao hơn so với mức LTT hiện hành cộng với mức đề xuất tăng, nhưng đời sống của rất nhiều CNLĐ còn rất khó khăn, đặc biệt là những người phải đi thuê nhà. Nếu mức tăng như thế này (bình quân 12,4%) chắc chắn DN phải thực hiện, nhưng CN mong muốn Nhà nước phải có chính sách bình ổn giá, đừng để hàng loạt các mặt hàng, nhất là nhu yếu phẩm tăng theo lương, như thế sẽ chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí tăng không đủ bù chi. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có quy định để DN không cắt giảm các khoản phụ cấp, bởi thực tế nhiều nơi, chủ DN cho rằng “miếng bánh tiền lương chỉ có thế”, tăng cái này thì phải cắt giảm cái kia. Ông Phan Công Minh - Tổng Giám đốc Cty CP Việt Hưng Q.12 - TPHCM: Chỉ tính riêng tại TPHCM, với hơn 1.300 CN, mỗi tháng Cty trả lương khoảng trên 5 tỉ đồng. Với mức tăng bình quân 12,4% tiền lương, cộng với các khoản theo lương như BHXH, kinh phí CĐ... mỗi tháng Cty sẽ phải trả thêm rất nhiều. Chúng tôi sẽ phải tính toán tiết giảm các chi phí, sắp xếp lại sản xuất để tăng năng suất lao động, đồng thời phải tìm kiếm các đơn hàng có giá trị lợi nhuận cao, đàm phán với đối tác để có thêm chi phí tăng lương. Ông Võ Minh Quyết - Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Giày Mỹ Phong: Là NLĐ ai cũng muốn tăng lương cao, nhưng tôi thấy mức tăng 12,4% có thể chấp nhận được. Hiện CN ở Cty thu nhập tạm đủ sống, một phần nhờ không tốn chi phí nhà trọ (hầu hết CN nhà gần Cty), phần giá sinh hoạt ở vùng nông thôn không quá đắt đỏ. Tăng thêm một ít lương, cuộc sống CN được cải thiện hơn, có dự phòng cho những bất trắc trong cuộc sống”. |
Nam Dương - Trung Ngôn ghi